Yêu thương dẫn đến sự hiệp nhất
Thứ năm - 14/05/2020 10:53
1795
Hòa bình, hiệp nhất luôn là điều quý giá con người không ngừng tìm kiếm. Tuy nhiên, thực tế cho đến nay nhân loại vẫn chưa có được sự hòa bình, hiệp nhất đích thực. Trong cộng đồng nhân loại mặc dù có những người thiện chí xây dựng hòa bình thì vẫn còn có rất nhiều người gieo rắc sự hận thù chia rẽ, chiến tranh. Lời Chúa Thứ Sáu tuần V mùa Phục sinh hé mở cho nhân loại nói chung và cộng đoàn Kitô hữu nói riêng một tia hy vọng có thể đạt được hòa bình và hiệp nhất đó là tình yêu. Chính Chúa Giêsu đã đi tới tận cùng của hận thù, chia rẽ bằng chính tình yêu. Nhờ đó con người mới có thể đón nhận được bình an và hiệp nhất với Thiên Chúa.
Trong bài đọc I Cv 15,22-31, thánh Luca cho chúng ta thấy rõ thực trạng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Mặc dù đã đón nhận được nhiều ân huệ của Chúa Thánh Thần và được các Tông Đồ trực tiếp giáo huấn; nhưng cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên cũng có những ghen tương, những tranh giành quyền lực, sự bất chính muốn kiếm lợi từ việc mua bán quyền lực. Đây là một thực tế, một cám dỗ, một trở ngại mà bất cứ cộng đoàn nào cũng có thể có, ngay cả trong Giáo Hội. Liên quan đến dân ngoại là những người mà Chúa Thánh Thần kêu gọi để trở thành Kitô hữu, các tông đồ và các trưởng lão đã chọn vài người để đi Antiokia cùng với Phaolô và Barnabas. Bài đọc mô tả hai kiểu người khác nhau: những người có “quyết định mạnh mẽ” nhưng “bằng tinh thần tốt lành”; và những người “gieo sự bối rối”: Nhóm các tông đồ là những người muốn thảo luận vấn đề để dẫn dắt dân đến sự bình an và hiệp nhất với Thiên Chúa và cuối cùng các ông đã đi đến sự đồng thuận. Nhưng đó không phải là một sự đồng thuận chính trị; đó là một sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần dẫn họ đến với giáo lý và cách hành xử đầy tình yêu, khô mang gánh nặng cho dân chúng. Các vị ấy nói: đừng ăn thịt vào lúc đó, thịt đã được dâng cúng cho các ngẫu tượng, vì đó lá sự hiệp thông với các ngẫu tượng, kiêng máu, từ các động vật đã bị ngạt, và khỏi việc gian dâm”.Trong khi đó những người khác lại đi và tạo ra vấn đề, họ giải thích sai bức thư của các tông đồ gửi cho dân. Họ chia rẽ, họ chia rẽ Giáo Hội, họ nói rằng điều mà các Tông Đồ rao giảng thì không phải là điều mà Chúa Giêsu nói, đó không phải là sự thật.
Trong bài Tin Mừng, tình yêu của Chúa Giêsu đã phủ lấp mọi bóng đêm của sợ hãi, phản bội, chia rẽ nơi các môn đệ và thế giới. Đối diện với hoàn cảnh tối tăm nhất của cuộc đời, Chúa Giêsu vẫn thốt lên: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Người muốn các môn đệ bắt chước Ngài sống yêu thương ở mức độ cao nhất đó là hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình. Chính Chúa Giêsu đã yêu thương các môn đệ tới cùng. Chính Ngài đã cầu nguyện để họ được hiệp nhất. Con đường lên đồi Canvê mà Chua Giêsu đã đi là mạc khải tối thượng về hòa bình và hiệp nhất. Qua con đường ấy Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại rằng chỉ có một cách để đạt đến hòa bình và hiệp nhất đích thực là biết yêu thương hiến mình vì ngườ khác. Qua con đường ấy Chúa Giêsu cũng đồng thời mạc khải cho nhân loại rằng con người chỉ có một ơn gọi, đó là sống yêu thương. Càng sống yêu thương, con người càng tiến gần đến sự hiệp nhất và càng trở thành bạn hữu của Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, lời mời gọi yêu như Chúa, chúng con được nghe nhiều! Nhưng đón nhận và sống điều mình nghe thật là không dễ chút nào! Xin Chúa ban cho chúng con quả tim, đôi mắt, đôi tai, đôi tay và đôi chân của Chúa, để chúng con can đảm thực thi lệnh truyền yêu thương của Chúa trong niềm tin, lòng mến và sự phó thác. Xin Chúa giúp con trở thành khí cụ đem bình an và hiệp nhất đến cho gia đinh, cho cộng đoàn, cho công sở và mọi môi trường con sống. Amen.
Tác giả: Nhóm suy niệm BC