Thứ Ba tuần XIV Thường Niên
Mt 9,32-38
Tin Mừng hôm nay tóm tắt hoạt động của Chúa Giêsu, Ngài “đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Việc Chúa Giêsu chữa lành hết mọi bệnh tật là bằng chứng cho thấy Tin Mừng Người loan báo giải thoát con người toàn diện cả về thể xác lẫn tâm linh, mang đến cho con người hạnh phúc trọn vẹn của Nước Trời.
Khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giêsu nhận thấy đời sống thực tế của họ: “Ngài chạnh lòng thương, vì họ lầm than, vất vưởng, như chiên người không chăn dắt”. Trong Cựu ước, hình ảnh này gợi lên mối tương quan giữa người mục tử như Môsê, vua Đavít (Tv 76,21; 77,70-72) với đoàn chiên là dân Israel, và đã được ngôn sứ Êzêkiel báo trước (Ed 34,1-31). Theo đó, Thiên hứa sẽ cho xuất hiện vị Mục tử lý tưởng để chăn dắt đoàn chiên. Lời hứa này đã được thực hiện đầy đủ nơi Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành chạnh lòng thương và chăm sóc từng con chiên, đến nỗi hy sinh cả mạng sống cho đàn chiên của Người.
Trong bối cảnh cụ thể thời đó, Chúa Giêsu thương xót dân chúng vì họ không được chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất. Về mặt chính trị, kinh tế, họ bị chính sách chế độ bạo tàn của đế quốc Rôma chèn ép, hành hạ, khai thác và bóc lột. Về mặt tôn giáo, họ bị các luật sĩ, thượng tế và biệt phái lạm dụng quyền hành địa vị để hà hiếp, lừa gạt và áp bức. Đứng trước thảm trạng này, Chúa Giêsu muốn các môn đệ mở to đôi mắt để trông thấy cảnh lầm than khốn khổ của con người, và mở rộng đôi tai để nghe biết bao người đang rên xiết quằn quại trong mọi hình thức của khốn khổ, nên Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ cùng chia sẻ thao thức với Người: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”.
Hình ảnh về mùa gặt đã được các ngôn sứ dùng để chỉ về Nước Chúa xuất hiện (Am 9,13-15; Tv 126,5-6; Gr 5,7). Quả thế, cánh đồng lúa chín ngụ ý nói tới thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa (Mt 13,24-30). Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt. Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều tâm hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời, nhưng lại thiếu người loan báo Tin mừng cho họ. Chúa Giêsu đã kêu gọi các môn đệ cầu xin Chúa ban cho có nhiều thợ gặt: “Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt ra gặt lúa về”.
Lời kêu gọi ấy vẫn có giá trị và khẩn cấp trong mọi thời đại. Nó nhắc nhở các kitô hữu về bổn phận truyền giáo của họ. Truyền giáo không phải chỉ dành cho một số thành phần ưu tuyển trong Giáo Hội, mà là bổn phận của mọi người tín hữu. Ra đi rao giảng Tin Mừng Nước trời, không hẳn là rời bỏ nơi mình đã sinh sống để đến những vùng đất xa lạ. Nhưng trước hết là ra khỏi chính bản thân của mình để biết nhìn thấy và lắng nghe những tiếng thổn thức khốn khổ của những người dân đang sống xung quanh. Ra đi chính là ra khỏi sự câm điếc tinh thần của mình, trở nên nhạy cảm trước nỗi khổ đau của những người đồng loại. Từ đó, với khả năng của mình, kiến tạo hoà bình và yêu thương bác ái với mọi người.
Xin Chúa đổ tràn tâm hồn chúng ta lửa nhiệt tâm truyền giáo. Xin cho chúng ta thực sự trở nên chứng nhân của Chúa bằng lời nói, việc làm, nhất là bằng lời cầu nguyện và gương sáng đời sống của chúng ta. Amen.
Tác giả: Chân Tâm