Thứ Hai tuần XVII Thường Niên
(Mt 13, 31-35)
Muốn biết được ý nghĩa và bài học của Tin mừng hôm nay trước tiên chúng ta cần tìm hiểu: Dụ ngôn là gì? Theo nguồn Wikipedia: “Dụ ngôn thường là những câu chuyện đơn giản và dễ nhớ, có hình ảnh gần gũi với đời thường, nhưng cũng có dụ ngôn mang nghĩa vĩ mô về chủ đề tôn giáo, luật lệ…”.
Từ nguồn dẫn giải trên giúp chúng ta hiểu phương pháp truyền giáo của Chúa Giê-su rất phù hợp và hiệu quả không những cho thời xưa mà còn cho mọi thời đại. Phù hợp vì thời đó đa số là nông dân, thợ thủ công, tiểu thương, người làm thuê, nên những dụ ngôn Ngài sử dụng thường là những hình ảnh quen thuộc dân thường nghe cũng có thể nắm bắt nội dung và hiểu được có một thực tế khác cao siêu, trừu tượng ẩn tàng trong đó. Hai dụ ngôn hạt cải và men trong bột mà thánh sử Mat-thêu (13, 31-35) đã trình bày có điểm chung là đều nói đến sự phát triển của Nước Trời. Nhưng khác biệt ở chỗ dụ ngôn hạt cải thì nói đến sự tăng trưởng về chiều cao và rộng còn dụ ngôn nắm men trong bột ám chỉ chiều sâu, sự biến đổi từ bên trong.
Với dụ ngôn hạt cải Đức Giê-su trình bày : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được” (Mt 13, 31-32). Ai đã từng thấy hạt cải đều công nhận nó là loại hạt có kích thước rất nhỏ, ít có loại hạt nào nhỏ hơn, tuy nhiên khi được gieo trồng nó lại có sức phát triển rất mạnh. Từ hạt giống nhỏ bé ấy chứa đựng sức mạnh không tưởng, khi lớn lên thành cây : “Đến nỗi chim trời có thể làm tổ trên cành được”. Như vậy Đức Giê-su muốn dùng hình ảnh nhỏ bé ban đầu với sự to lớn, trưởng thành theo thời gian của hạt cải để sánh ví với sự phát triển của Nước Trời. Cũng như vậy Nước Trời tại thế bắt đầu chỉ từ một Con Người nhỏ bé sống âm thầm khiêm tốn giữa xóm lao động nghèo nhưng đã lan truyền sức mạnh cho 12, rồi tới ba ngàn người sau ngày lễ Hiện Xuống… và ngày nay Giáo Hội đã hiện diện khắp năm châu bốn bể.
Tiếp theo Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”. (Mt 13, 33). Men trong dụ ngôn này có thể hiểu là chính Đức Giê-su. Ngài là men thiêng liêng. Men của Lời đã lan truyền sức sống cho cả ‘thúng bột’ là trần thế vốn đang ngủ vùi trong những thói quen, những đam mê, sự an toàn giả tạo. Sở dĩ Ngài làm được điều ấy bởi những Lời giáo huấn của Đức Giê-su luôn phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Không giống một số người Do thái thời bấy giờ đã dùng lời nói gieo rắc một số tư tưởng xấu làm hại đến đức tin độc giả sẽ hiểu rõ hơn khi đọc thư của Thánh Phao-lô tông đồ phải gửi tín hữu Ga-lát như sau : “Lời dụ dỗ ấy không phát xuất từ Đấng kêu gọi anh em. Một chút men làm cả khối bột dậy men” (Gl 5,8-9). Men ở đây được hiểu theo nghĩa xấu, không giống với men phát xuất từ Đức Giê-su.
Lạy Chúa, nhờ Bí tích Rửa Tội, mỗi Ki-tô hữu chúng con cũng được mời gọi hãy nên như hạt cải hay nắm men nhỏ nhoi khiêm nhường ẩn trong khối bột trần gian. Để rồi theo năm tháng nhờ sức sống Thần Linh tác động sẽ biến đổi những con người phàm tục giúp chúng con lớn lên trong đức tin, trong cộng đoàn, trong lòng Hội Thánh mỗi ngày. Amen !
Nt. Scholastica Vũ Hiền, nhóm Suy niệm BC