Thứ Hai tuần XVIII (Mc 9, 2-10)
Vào ngày này năm trước, khoảng 23g30 đêm 05/08/2017 xảy ra một vụ hỏa hoạn thiêu rụi ngôi nhà thờ 130 năm tuổi khiến tất cả bà con lương giáo dân đều quặn lòng, đứng nhìn rơi nước mắt mà không thể làm gì. Đã qua một năm sự kiện ấy vẫn gợi lên trong lòng người những suy tưởng khi nhớ lại và liên hệ nó với ngày lễ Chúa Hiển Dung như sau.
Chúa Giêsu biến hình trên núi được ánh sáng bao phủ, ngôi thánh đường được bao vây trong biển lửa dưới đồng bằng. Các môn đệ chứng kiến Chúa biến hình thì ‘kinh hoàng’ vì thấy nhãn tiền một sự kiện siêu nhiên vượt trên mọi cảm quan của con người. Những ai có mặt lúc Nhà thờ bốc cháy cũng đều kinh hoàng. Cả hai trạng thái cảm xúc đều là ‘kinh hoàng’ nhưng hệ quả của xúc cảm sau từng sự kiện thì có khác.
Hiện tượng Thầy bỗng chốc biến đổi dung mạo cách thần kỳ : “Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ giặt nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9, 3). Khi được chứng kiến Chúa biến hình với dung quang rực sáng, Phê-rô thốt lên : “Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay !” (Mc 9, 5). Trong trạng thái cảm xúc thật khó diễn tả trước sự kiện lạ lùng này dường như ông chẳng còn biết mình đã nói gì. “Thật ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9, 6). Đây cũng là một cảm xúc rất tự nhiên của con người mỗi khi được trải nghiệm một sự vật, hiện tượng thiên nhiên hoặc siêu nhiên. Mà làm sao các môn đệ không kinh ngạc cho được vì họ đang được phúc chứng kiến một sự kiện ‘vô tiền khoáng hậu’, nó làm tâm hồn các ông rung động mãnh liệt dường như mọi cảm xúc bị tê liệt đối với sự vật chung quanh.
Nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ của con người trong mọi hoàn cảnh thực tại cuộc sống. Khi được ở trong vinh quang như các môn đệ hôm nay thì ít ai từ chối, thậm chí muốn ở lại mãi, thay vào đó là đau khổ, sự mất mát thì sao ? Thiên Chúa thật có lý khi sáng tạo thế giới với mọi hiện tượng, yếu tố thiên nhiên đa diện. Với lửa hay ánh sáng chúng tượng trưng cho sức mạnh, vinh quang và cả sự hủy diệt. Trong khoảng thời gian ngắn người dân vừa chứng kiến 11 gian nhà thờ cháy rụi chỉ chừa lại bộ khung, thì hôm sau là lễ Chúa Hiển Dung. Ánh sáng của lửa trong đêm khiến ai thấy cũng hãi sợ, còn ánh sáng của ngày hôm sau lại khiến ba môn đệ ngây ngất, chìm trong xúc cảm thật khó diễn tả thành lời.
Đó là do các ông chỉ thấy được biến ảnh tốt đẹp, ánh vinh quang bên ngoài mà không biết được nội dung cuộc đàm đạo giữa Đức Giêsu với Mô-sê và Ê-li-a. Thánh sử Mac-cô đã không đả động gì về nội dung cuộc đàm thoại này, chỉ nhờ Lu-ca ghi lại ta mới biết về bí mật ‘Cuộc Xuất Hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem’ (Lc 9, 31). Xuất Hành có nghĩa là ra đi. Hơn cả sự ra đi, cuộc Xuất Hành của Chúa Giê-su bao gồm cả mầu nhiệm: sự chết, sống lại và lên trời. Mầu nhiệm này dạy cho ta bài học có trải qua đắng cay mới đến ngọt ngào, muốn đến đỉnh vinh quang trước tiên phải vượt qua muôn ngàn sóng gió, bước chân không thấm máu bởi gai nhọn sao có thể trải bước trên những cánh hồng. Thánh đường đã cháy không lấy lại được nhưng sẽ có một giáo đường khác được xây dựng lại nguy nga, tráng lệ hơn.
Lạy Chúa, khi chúng con đón nhận vinh quang như ‘đám mây sáng hay áo trắng tinh tuyền’ là dấu chỉ vinh quang thì Chúa cũng mời gọi chúng con đón nhận sự đổ vỡ, thất bại, bằng cái nhìn đức tin. Vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng xin dạy chúng con biết hướng lên Chúa là Đấng an bài mọi sự trong niềm tin và sự kiên nhẫn. Xưa Mẹ Maria đã dâng Chúa Giêsu trong đền thánh thì nay chúng con cũng dâng thánh địa Trung Lao lên Thiên Chúa và can đảm như Mẹ xin cho được vâng lời chịu lụy. Amen! Scholastica Vũ Hiền, nhóm Suy niệm BC