Thứ Hai tuần XVI Thường Niên
(Mt 12, 38-42)
Trong thời đại của kỹ thuật và công nghệ phát triển con người vấn rất thích thú những câu chuyện giật gân, mới lạ, mỗi khi nghe nói ở đâu đó có phép lạ là đổ xô đến xem cho biết thực hư. Thói ham chuộng sự lạ không có gì là mới mẻ nhưng có từ xa xưa trước thời Chúa Giêsu và cho đến bây giờ. Hôm nay chúng ta cùng nhìn lại người Do thái thích thú muốn có phép lạ ra sao.
Thánh sử Mat-thêu tường thuật lại việc một số kinh sư và người Pha-ri-sêu đến ngỏ ý với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ” (Mt 12, 38). Các kinh sư và người Pha-ri-sêu là những người có thế giá, họ đại diện cho tầng lớp tri thức tôn giáo. Cũng vì thế việc họ đón nhận hay từ chối thân phận, địa vị của Chúa Giêsu rất quan trọng đối với dân chúng. Nhưng vốn nặng óc thực tiễn, nên khi được nghe biết về các phép lạ Chúa Giêsu đã làm họ vẫn không chấp nhận, trừ khi Đức Giêsu làm theo yêu cầu cho họ được thấy phép lạ nhãn tiền.
Nhưng Con Thiên Chúa đến trần gian là để thi hành ý muốn của Chúa Cha chứ đâu phải để thỏa mãn sự ham chuộng dấu lạ của con người. Hơn nữa Đức Giêsu cũng thừa hiểu nếu có làm thêm phép lạ nữa thì đức tin của họ cũng chẳng khá hơn. Họ đã đóng khung Ngài trong danh phận là ‘con ông Giuse và bà Maria’ sống giữa họ nên khó có thể mở lòng ra đón nhận Ngài với vài trò ngôn sứ, là Lời được Mạc khải. Bởi thế, cũng những lời nói và việc Chúa Giêsu đã làm, người dân thấp cổ bé miệng thì đón nhận với thái độ tin tưởng hoàn toàn, nhưng giới chức lãnh đạo tôn giáo thì lại đòi phải có thêm dấu lạ. Thấy thái độ cứng cỏi ấy, Chúa Giêsu khiển trách gọi họ là : “Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ…” (Mt 12, 39). Từ trước tới giờ Đức Giêsu vốn rất nhẫn nại khi an ủi, khích lệ hoặc răn dạy người ta, nhưng hôm nay Ngài đã dùng lời lẽ thật nặng nề, ‘Thế hệ gian ác và ngoại tình’. Nghe lời này, gợi cho chúng ta nhớ lại sự kiện từng xảy ra trong lịch sử dân Chúa thời Cựu ước (x. Xh 32, 7-8), khi dân sụp lạy ngẫu tượng là đã ‘ngoại tình đức tin’.
Dân Ni-ni-vê xưa đã tin lời ngôn sứ Giô-na mà hối cải ; nay người Do thái được phúc lắng nghe lời Đức Giê-su một ngôn sứ vĩ đại Thiên Chúa sai đến nhưng họ không tin. Sự cứng lòng của dân Do thái sẽ bị phán xét nghiêm thẳng vào ngày Chúa Giê-su phục sinh. Mầu nhiệm Phục sinh là dấu lạ diễn tả trọn vẹn mặc khải và tình yêu của Thiên Chúa. Mặc khải ấy được tiên báo qua dấu lạ ngôn sứ Giô-na trong bụng kình ngư ba ngày (Mt 12, 40). Hình ảnh dân thành Ni-ni-vê cũng diễn tả ơn cứu độ phổ quát của Thiên Chúa. Ơn cứu độ lẽ ra là đặc quyền được ưu tiên cho dân Do-thái nhưng họ đã đánh mất quyền lợi ấy khi từ chối Đức Giê-su, vì thế ân huệ này được trao cho dân ngoại.
Lạy Chúa, con biết đức tin đã là một hồng ân vô điều kiện Thiên Chúa ban cho con người nhưng vẫn còn nhiều người ngay cả tín hữu cũng chưa tin như vậy. Vì thế, họ tìm đến những hình thức cầu cơ, bói toán chẳng khác người Do-thái xưa đã ‘ngoại tình đức tin’ vậy. Xin giúp chúng con hiểu, sống tâm tình tín thác cách đơn sơ thì đẹp lòng Chúa hơn là phải có thêm ơn này phép lạ kia thì mới tin. Amen !
Scholastica Vũ Hiền, nhóm Suy niệm BC