Thứ Hai tuần XII Thường Niên B
Mt 7, 1-5
Tin Mừng hôm nay nhắc tới hai nhận vật quan tòa và luật sư, đúng hơn đây không phải là hai mà là một. Vì sao suy niệm hôm nay lại nói tới quan tòa và luật sư ? Và không cần phải nói, ai cũng hiểu vai trò của luật sư là gì, quan tòa ra sao. Điều đáng nói là khi cả hai nhân vật ấy ở trong một người thì sẽ thế nào ? Vâng quan tòa ở trong tôi hay bạn chính là kẻ đi xét lỗi người khác, còn luật sư là để bào chữa cho mình. Theo Giáo huấn Tin mừng ai có quyền xét xử người khác và Chúa Giêsu nói gì về điều này ?
Ngay lời mở đầu trong đoạn Tin Mừng, Giêsu nhắc nhở : “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán” (Mt 7, 1). Đã hẳn Chúa Giêsu nói ra lời nào cũng được xem như là một bài học, một huấn dụ có giá trị, vì những điều Ngài nói thường nhắm vào nội tâm con người. Nhờ bản tính Thiên Chúa, nên Ngài có thể nhìn thấu lòng dạ con người. Lý do Chúa Giêsu dạy không nên xét đoán một mặt Ngài muốn giúp các môn đệ không nên xoi mói, bắt bẻ hành động của người khác nhưng biết dành thời gian đi vào thâm sâu cõi lòng mình. Hãy lấy cái xà trong mắt mình trước khi giúp người khác lấy cái rác trong mắt họ. Hơn nữa, khi một ai đó cho mình có quyền dạy người khác, xét đoán lương tâm người khác là đã tự cho rằng mình đạo đức hơn. Đó là thái độ tự mãn, tự kiêu, trước mặt Thiên Chúa là một tính xấu không nên có. Chúa Giêsu không cấm nhận xét phải trái về hành vi của người khác, nhưng nếu chỉ dựa vào những gì bề ngoài mắt phàm thấy được mà qui kết tội người khác là ta vi phạm thẩm quyền Thiên Chúa. Chỉ Thiên Chúa mới có đủ khả năng và thẩm quyền để xét đoán một người là có tội hay không.
Theo lý chúng ta gieo nhân nào thì gặt quả đó, chúng ta mong nhận được kết quả tốt thì trước tiên phải hành động tốt vì : “Anh em xét đoán thế nào, thì anh em sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy” (Mt 4, 2). Ngài biết mỗi khi ta phạm sai lầm thì vị luật sư sẽ lên tiếng bao biện hòng che đậy, không muốn để ai biết về lỗi lầm đó, nếu chẳng may bị lộ thì rất mong nhận được sự thông cảm của người khác. Ngược lại, thay vì thông cảm, bỏ qua, chúng ta lại hay để ý đến những sai sót của người khác và thậm chí muốn nói cho nhiều người về lỗi lầm của họ càng nhanh càng tốt.
Trước lời dạy của Chúa Giêsu :“Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới?” (Mt 7, 3). Điều này cho thấy, ta rất nhạy bén trước lỗi nhỏ nơi người khác nhưng cái lỗi to trong ta lại không thấy. Thái độ cần có khi đứng trước sai sót của tha nhân là thông cảm và nâng đỡ để họ biết đứng lên và tiếp tục tiến bước. Nhưng còn khôn ngoan hơn nữa, nếu từ vấp ngã của người khác ta biết nhìn lại mình để nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa. Nhờ đó ta sẽ được hoàn thiện hơn mỗi ngày. Còn nếu chẳng may vì phận sự mà phải xét xử, hãy rộng lượng và đối xét theo hướng dẫn của Đức Khôn ngoan. Hãy nhớ lời cảnh cáo : “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em”
Lạy Chúa, mỗi khi con xét đoán người khác là con tự cho mình đạo đức, tốt đẹp hơn người. Đó là một mặt của tính kiêu căng mà tên cám dỗ khéo bày ra hòng gài bẫy con người. Xin cho con biết nhận ra những mưu chước của cái ác và luôn nhìn xem lại mình để thấy lòng nhân từ Cha đã dành cho con mỗi khi con lỗi phạm thay vì để tâm trí đi dò xét người khác. Amen.
Nt. Scholastica Vũ Hiền, Nhóm suy niệm BC