Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người”(Ga 19,25)
Từ lúc thưa lời Xin Vâng, Mẹ Maria bước vào con đường của sự tự hiến. Mẹ đã tự hiến chính mình, dâng hiến Con của mình là Đức Giêsu Kitô cho Chúa Cha và dưới chân thập giá, Mẹ đã cùng Con Mẹ xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha.
Khung cảnh Sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ mới đẹp và nên thơ làm sao? Giây phút ấy được thánh Bê-na-đô nói rằng: “Cả thụ tạo nín thở đợi chờ hai tiếng Xin Vâng của Mẹ ”. Sau biến cố truyền tin, sứ thần từ biệt Mẹ ra đi. Từ đó, Mẹ đã phải trải qua nhiều đau khổ: Đau khổ trước sự hiểu lầm của gia đình, xóm làng và ngay cả đến thánh Giuse cũng định tâm bỏ Mẹ cách kín đáo; đau khổ khi nghe lời tiên tri của cụ già Si-mê-on; đau khổ khi phải trốn chạy sang Ai-cập, khi lạc mất Đức Giê-su tại đền thờ Giê-ru-sa-lem; đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác thập giá, khi nhìn Đức Giê-su chết tất tưởi trên thập giá; đau khổ khi ẵm xác Đức Giê-su trong tay; và đau khổ khi chôn xác Đức Giê-su trong mồ đá. Biết bao đau khổ trải dài trong suốt cuộc lữ hành đức tin của Mẹ, bởi lẽ đó, Mẹ được gọi với tước hiệu là Mẹ Sầu Bi.
Đâu là sức mạnh để Mẹ đứng vững trước sức nặng của đau khổ?
Mẹ không quỵ ngã dưới chân thập giá. Mẹ biết Con của Mẹ vô tội, biết đây là một vụ án bất công, bất nhân và bất nghĩa. Bất công, bởi họ đã kết án người vô tội. Bất nhân, vì họ đã đánh đập và đóng đinh Đức Giêsu tới độ “thân sâu bọ chứ người đâu phải”, còn bất nghĩa vì là thụ tạo mà dám kết án Con Thiên Chúa, là kẻ có tội mà dám kết án Đấng vô tội, là kẻ hưởng ơn mà lại tiêu diệt Đấng hằng thi ân giáng phúc. Trước huyền nhiệm của Thập giá, chúng ta luôn thấy sáng lên một tình yêu đến cùng của Mẹ. Tuy không hiểu thấu đường lối nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhưng Mẹ luôn đứng vững nhờ sức mạnh của đức tin. Nếu như xưa Thiên Chúa đã thử thách lòng tin của Ap-ra-ham qua việc sát tế con mình là I-xa-ác để thấy được lòng tin kiên vững của ông, thì hôm nay nơi Đức Maria dưới chân thập giá, chúng ta thấy được lòng tin sắt đá của Mẹ Maria.
Chúa Giêsu đã trăn trối Đức Mẹ cho mỗi chúng ta “Này là Mẹ con”, để từ nay trong cuộc lữ hành đức tin, chúng ta luôn có Mẹ đồng hành. Mẹ đã vượt thắng mọi đau khổ, bất công, hiểu lầm trong cuộc sống. Mẹ thấu cảm mọi nỗi khổ đau chúng ta phải chịu, Mẹ sẽ dẫn dắt chúng ta vượt thắng tất cả bằng trái tim đầy yêu thương của Mẹ, và trong đêm tối đức tin, có Mẹ ở bên chúng ta không còn lo lắng chi. Nguyện xin Mẹ đồng hành và chúc lành cho đời sống đầy gian nan, khổ đau của mỗi người chúng ta.