Thứ Ba tuần XXII
Lc 4, 31-37
Tin mừng hôm nay ghi lại phản ứng của dân chúng khi họ lắng nghe lời giảng dạy của Chúa Giêsu, nhất là khi Ngài trừ quỉ. Họ thán phục “vì lời giảng dạy của Người có uy quyền”.
Theo cách đánh giá thông thường, một người có uy tín thì lời nói và việc làm thường đi đối với nhau, hoặc cuộc sống của họ có giá trị thuyết phục và lôi kéo người khác. Chúa Giêsu giảng dạy có uy quyền, bởi vì Ngài chỉ giảng dạy những gì Ngài đã sống và sống những gì Ngài rao giảng. Lời nói của Ngài được củng cố bằng các việc Ngài làm.
Chúa Giêsu giảng dạy như Đấng có uy quyền. Uy quyền ấy không phải là thứ uy quyền áp đặt trên người khác. Uy quyền của Chúa Giêsu phát xuất từ chính sự thống nhất giữa lời nói và hành động của Ngài: Ngài chỉ cần nói với tên quỉ câm: “Câm đi, hãy ra khỏi người này”, thì phép lạ liền xảy ra. Sức mạnh của Lời Ngài chẳng những hiệu lực hơn sức kháng cự của quỉ dữ, mà còn làm cho những người chứng kiến đều phải ngạc nhiên và thốt lên: “Lời gì mà lạ lùng vậy?” Lạ lùng vì họ chưa từng thấy như vậy bao giờ, và đó chính là sự khác biệt giữa lời giảng dạy của Chúa Giêsu và của các luật sĩ đương thời.
Phép lạ của Chúa Giêsu cũng là một lời giảng dạy. Thật thế, sứ điệp trọng tâm trong lời rao giảng của Chúa Giêsu chính là sự giải phóng. Phép lạ người câm được giải thoát mang một ý nghĩa đặc biệt với Chúa Giêsu: giải phóng con người khỏi xiềng xích của dối trá. Chúa Giêsu đã có lần nói với người Do Thái: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi”.
Đây chính là uy quyền mà Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội của Ngài. Giáo hội chỉ có thể thực hiện được uy quyền của Chúa Giêsu, khi Giáo hội sống và rao giảng những gì Ngài đã sống và rao giảng. Giáo hội chỉ thực sự thể hiện được khuôn mặt đích thực của mình, khi Giáo hội sống đúng với sứ mạng được Chúa trao phó. Càng thể hiện được bộ mặt thật ấy, Giáo Hội càng có sức mạnh đẩy lui sự dữ và trở thành chỗ dựa cho mọi người. Là thành phần của Giáo hội, mỗi tín hữu Kitô phải bày tỏ bộ mặt đích thực của Giáo hội. Sức mạnh và uy quyền của Giáo hội được thể hiện không phải qua con số các tín hữu hay qua các cuộc biểu dương giữa đám đông, mà thiết yếu qua cuộc sống có tính thuyết phục của các tín hữu. Giữa một xã hội trống rỗng những giá trị đạo đức, các tín hữu Kitô phải thể hiện một niềm tin có sức mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Giữa một xã hội băng giá vì ích kỷ, các tín hữu Kitô cần phải sống một tình mến có sức sưởi ấm tâm hồn con người. Giữa một xã hội chao đảo vì thiếu định hướng, các tín hữu Kitô phải bày tỏ một niềm hy vọng có sức soi rọi vào tăm tối của cuộc sống mọi người.
Ước gì lời Chúa giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích của dối trá. Để lời tuyên xưng và cuộc sống chúng ta luôn được thống nhất. Trong một xã hội đầy trói buộc và dối trá thì chứng tá cuộc sống có giá trị nhất. Amen.