Thứ 5 tuần XXI thường niên B
1 Cr 1, 1-9; Mt 24, 42-51
Nếu muốn đạt kết quả tốt trong họp tập lao động, chúng ta phải chọn lựa dứt khoát: chọn vui chơi hay chọn cố gắng học hành làm việc mỗi ngày. Vì thế, việc chọn lựa ấy ảnh hưởng đến tính cách và phương pháp học tập của chúng ta. Tương tự như thế, nếu muốn lớn lên trong đời sống đức tin, chúng ta cũng cần phải cố gắng đào sâu giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích, cầu nguyện và làm việc tông đồ mỗi ngày. Những việc làm đạo đức này giúp chúng ta luôn tỉnh thức cho ngày giờ đến. Vậy như thế nào là tỉnh thức?
Trong bài Phúc âm hôm nay, Chúa Giê-su kể cho chúng ta dụ ngôn người đầy tớ trung tín. Dụ ngôn này được kể trong bối cảnh sau khi tiên báo thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, ngày tận thế và biến cố Chúa quang lâm, để kêu gọi các Ki-tô hữu sống tỉnh thức. Nhân vật chính trong dụ ngôn là người đầy tớ được ông chủ giao cho quản lý gia tài trước khi ông đi xa. Trước viễn cảnh không biết chính xác ngày giờ nào ông chủ trở về, nên người đầy tớ có thể phản ứng theo hai cách khác nhau dẫn đến kết quả khác nhau.
Trường hợp thứ nhất, người chủ trở về bất ngờ và gặp người đầy tớ đang hăng say chu toàn cách “trung tín” phận sự được giao. Kết quả là anh sẽ được ủy thác những trách nhiệm lớn lao hơn.
Trường hợp thứ hai, người đầy tớ tự nhủ “chủ ta con lâu mới về” nên anh cứ vui chơi nhảy múa, quên thân phận mình, bày biện tiệc tùng như là ông chủ, tệ hơn, anh đánh đập bạn bè như thể họ là tôi tớ riêng của mình. Kết quả là anh đáng bị trừng phạt: bị loại trừ và tước quyền quản gia, cùng chung số phận với những tên đạo đức giả, phải khóc lóc nghiến răng. Đó cũng là cám dỗ mà các Ki-tô hữu thường gặp. Họ dễ quên mình đồng cấp với anh em khác là đầy tớ của Chúa nên họ đã đánh mất chính mình và đánh mất luôn cả những gì đang có. Như thế, tỉnh thức là chu toàn bổn phận, nghĩa là làm tròn phận sự được Chúa trao.
“Nếu chủ nhà biết canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông phải canh thức, không để nó khoét vách nhà mình.” Thánh sử Mát-thêu không có ý so sánh Đức Giê-su với tên trộm mà muốn nhấn mạnh đến tính cách bất ngờ của biến cố Chúa Quang Lâm. Các Ki-tô hữu, vì không biết ngày nào, giờ nào Chúa trở lại, nên họ phải luôn tỉnh thức, sẵn sàng và cầu nguyện liên lỉ. Tỉnh thức không phải là không ngủ. Tỉnh thức là sống đời sống Ki-tô hữu cách trung tín, quảng đại, hy sinh và bác ái. Tỉnh thức không làm chúng ta phải căng thẳng thường xuyên, vì thấy mình như bị đe dọa bởi những hình phát có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chúa Giê-su cũng không cố ý đến bất ngờ để chúng ta không kịp trở tay. Theo niềm tin Công giáo, chúng ta biết chắc Ngài sẽ đến nên chúng ta phải sẵn sàng, còn khi nào Ngài đến, chúng ta không biết nên chúng ta hãy sống vui vẻ, không lo âu, sợ hãi, vì chúng ta đã thức tỉnh rồi.
Ước mong sao mỗi Kitô hữu luôn tỉnh thức chu toàn bổn phận bằng việc siêng năng đào sâu học giáo lý, siêng năng tham dự thánh lễ lễ, cầu nguyện và làm việc tông đồ. Làm được như thế là chúng ta đang tỉnh thức sẵn sàng và kết quả ta gặt hái được là bình an, dù ngày mai Chúa đến. Amen!