Thứ Năm tuần XXV
1Cr 1,26-31; Mt 9,35-38
Qua bài Phúc âm, thánh sử Mát-thêu cho thấy Chúa Giê-su “chạnh lòng thương” dân chúng lầm than. Sự lầm than của dân chúng được ví như: “bầy chiên không người chăn dắt”. Điều đó có nghĩa là bầy chiên không mục tử hoặc có mục tử nhưng người này bỏ bê trách nhiệm. Đó là những mục tử xấu bị Thiên Chúa lên án qua miệng ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình. Sữa các người uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi làm thịt; nhưng các người lại không lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu, chiên bệnh tật các người không chữa cho lành; chiên bị thương, các người không băng bó; chiên đi lạc, các người không đưa về; chiên bị mất, các người không chịu đi tìm. Chiên tán loạn vì thiếu mục tử, chiên tán loạn trên các ngọn núi, mọi định đổi và trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6). Vì thế, Thiên Chúa đã lấy lại đoàn chiên bị các mục tử xấu xử tệ và hứa sẽ cho xuất hiện một Vị Mục Tử lý tưởng để chăn dắt đoàn điên của Ngài. Vị Mục Tử ấy chính là Đức Giê-su để qua Người, Thiên Chúa chăn dắt và nuôi dưỡng dân Người.
Đức Giê-su là vị mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10,11), “Ngài đả bỏ chín mươi chín con chiên nơi hoang địa để đi tìm một con chiên lạc” (Mt 18,12-14). Người chính là cửa chuồng chiên để chiên ra vào. Người mang lấy mùi của chiên để chiên nhận biết Ngài và Ngài lọng trọng tuyên bố: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10.10). Để chiên được sống, Đức Giê-su mục tử đã tự ý hy sinh tính mạng của mình (Ga 10,18a). Cái chết của Đức Giê-su là một hiến tế hoàn toàn ý thức và tự do. Một tình yêu tột đỉnh, nơi Đức Giê-su, hình ảnh Vị Mục Tử hoà lẫn với hình ảnh của con chiên. Nhờ mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, Người đã quy tụ muôn dân thành một đoàn chiên duy nhất và một mục tử duy nhất.
Mục tử đích thật không muốn đàn chiên lầm than, không người chăn dắt. Người chạnh lòng thương dân chúng, vì thế, Người nghĩ phải thiết lập Triều đại Nước Thiên Chúa và lo chuẩn bị nhóm môn đệ tiếp tục sứ mệnh Mục tử của Ngài, cũng như thay thế các mục tử bất lực, không đủ tư cách, không đủ phẩm chất để cộng tác vào sứ mạng Ngài đang thực hiện. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Nói thễ có nghĩa là cánh đồng truyền giáo còn bao la, còn nhiều người chưa nhận biết Chúa, nên cần phải có những môn đệ hy sinh, quảng đại và dấn thân phục vụ, loan báo Tin mừng cho muôn dân. Trách nhiệm của mọi người tín hữu phải cầu nguyện cho việc truyền giáo và ý thức việc rao giảng Tin mừng là hồng ân Thiên Chúa ban.
Mọi tín hữu được mời gọi trở thành Mục Tử như Chúa Giê-su, để tiếp nối sứ mạng của Ngài là quy tụ, nuôi dưỡng và hy sinh cho đàn chiên. Moi người đều được đào tạo trở thành Mục tử tốt lành và đàn chiên của chúng ta có thể là một gia đình nhỏ bẻ, một nhóm nhỏ, một lớp học, một hội đoàn, một giáo xứ, một giáo phận và xa hơn nữa có thể là một đất nước. Để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, mỗi tín hữu phải sống sao để người khác có thể nhận ra hình ảnh Chúa Giêsu nơi cuộc đời của mình.
Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Thánh Vinh Sơn Phao-lô, linh mục. Ngài sinh năm 1581, tại Gát-côn, nước Pháp và mất năm 1660. Ngài sáng lập tu hội Thừa Sai để giúp đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Ngài là vị Mục tử theo gương Chúa Ki-tô: sống bác ái và phục vụ những người cùng khốn. Theo gương ngài, xin Chúa ban cho chúng con biết lắng nghe lời người dạy và biết “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của người khác mà sống bác ái yêu thương mọi người. Amen!