Thứ 5 tuần XXIV
1 Cr 15, 1-11; Lc 7, 36-50
Tin mừng theo thánh Luca hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã làm một việc rất lạ lùng trong bối cảnh của một bữa tiệc tại nhà ông biệt phái tên là Si-môn. Đó là việc Đức Giê-su tha thứ cho một người đàn bà tội lỗi. Việc tha tội của Đức Giê-su đã khiến cho nhiều thực khách dự tiệc phải ngạc nhiên và đặt câu hỏi: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Phải chăng Ngài là Thiên Chúa?
Để chứng minh cho việc làm của mình, Đức Giê-su đã kể cho họ dụ ngôn về hai con nợ: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai”. Trong hai con nợ, người đã được tha nợ nhiều hơn đã yêu mến chủ nợ nhiều hơn như ông biệt phái Si-môn đã trả lời Đức Giê-su. Ngài khen: “Ông xét đoán đúng lắm”. Xem ra dụ ngôn Đức Giê-su kể không liên quan gì đến việc người biệt phái và thực khách thầm thắc mắc, bởi vì dụ ngôn nói về “nợ” và “tha nợ”, mà việc Đức Giê-su giải quyết là “tội” và “tha tội”. Đức Giê-su đã rất tinh tế dùng dụ ngôn này để khuyến khích người nghe đưa ra một phán đoán khách quan, nhưng chính người nghe lại không biết đó là nói về mình, bằng chứng là ông biệt phái đã trả lời: “Người được tha nợ nhiều thì yêu mến chủ nợ nhiều hơn”. Sau đó, Đức Giê-su nhìn người phụ nữ và hỏi ông biệt phái Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” Bà là một người tội lỗi, đã đến sát chân Đức Giê-su mà khóc.
Tin mừng kể nước mắt của bà đã tưới ướt chân Đức Giê-su, rồi lấy tóc mình lau, sau nữa, bà không những hôn chân Người mà còn lấy dầu thơm đổ lên chân Chúa. Tất cả những hành động này đều biểu lộ một cảm xúc rất mạnh, một thái độ khiêm tốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành với ân nhân của mình. Một thái độ sám hối, chấp nhận thân phận tội lỗi của mình trước mặt người khác là một hành động không đánh mất chính mình, không làm cho mình yếu đi mà còn làm cho người đó trở nên vững mạnh hơn, đối diện với chính cái tôi của mình và cần được người khác tha thứ, cũng như làm cho người tha thứ trở nên bao dung hơn. Những việc làm này của người đàn bà tội lỗi không tìm thấy nơi người biệt phái, nên Đức Giê-su nói với ông ta: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều”. Do vậy, tình yêu là nguyên nhân của sự tha thứ hoặc tình yêu là kết quả của sự tha thứ.
Như vậy, thái độ của Đức Giê-su và ông biệt phái trước người đàn bà tội lỗi tuy có điểm giống nhau đều coi tội lỗi là xấu, nhưng lại khác nhau ở cách chiến đấu với tội lỗi. Ông biệt phái thì khai trừ người tội lỗi, còn Đức Giê-su thì thánh hoá người tội lỗi. Người kéo tội nhân về phía mình, giải thoát tội nhân khỏi nô lệ tội lỗi và nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”. Bình an mà người phụ nữ nhận được là kết quả của sự tha thứ, của một tâm hồn đã trong sạch, một tâm hồn đã tin vào Thiên Chúa. Đó cũng là thứ “Bình an” mà Thánh kinh luôn đề cao để mỗi người tìm kiếm trong cuộc sống hằng ngày.
Qua việc tha tội cho một người đàn bà tội lỗi, Đức Giê-su muốn mạc khải về chính mình cho dân chúng. Ngài là Mê-si-a hơn mức người ta thường nghĩ, là Mê-si-a đối với tội nhân, là Thiên Chúa có quyền tha tội. Ngài muốn những kẻ bị khinh miệt hạng nhất trong xã hội được đón nhận Tin mừng. Hình ảnh người đàn bà tội lỗi cũng là hình ảnh của con người hôm nay bởi mọi người đều là tội nhân trước mặt Chúa, cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa, để có thể thứ tha cho nhau. Theo gương thánh An-rê Kim Tê-gon, tông đồ giáo dân anh Phao-lô Chung Ha-san và các bạn tử đạo Hàn Quốc mà Giáo hội cho chúng ta mừng lễ hôm nay, xin Chúa cho mỗi người sống thật tốt bổn phận của mình để làm chứng cho Chúa. Amen!