Thứ 5 tuần 25: Đức Giê-su là ai?
Thứ tư - 25/09/2019 06:39
874
Thứ Năm tuần XXV
Lc 9,7-9
Nghe danh ai đó, thường chúng ta nghĩ đến địa vị và quyền thế của họ. Người có địa vị càng cao thì quyền lực của họ càng lớn. Quyền lực ấy được thể hiện qua vai trò và công việc. Tương tự như thế, danh của Đức Giê-su cũng trở nên nổi bật qua lời Ngài rao giảng và các phép lạ Ngài làm. Vì thế, vua Hê-rô-đê trong bài Tin Mừng đã đặt câu hỏi về thân thế của Đức Giê-su: “Ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế” (Lc 9,9). Nhờ câu hỏi nghi vấn này mà thánh sử Luca muốn mặc khải cho chúng ta về căn tính thần linh của Đức Giê-su qua biến cố thánh Phê-rô tuyên xưng đức tin (Lc 9,20) và biến cố hiển dung (Lc 9,28-36).
Trước tiên, vua Hê-rô-đê trong bài Tin Mừng là tiểu vương Hê-rô-đê (Lc 9,7) hay còn gọi là Hê-rô-đê Antipas, cai trị miền Galiê và Pêrê từ năm 4 TCN đến năm 39 SCN để phân biệt với phụ vương ông là Hê-rô-đê cả (Lc 1,5). Trong miền đất ông cai trị, ông nghe biết nhiều về hoạt động của Đức Giê-su đã ảnh hưởng lên dân chúng và cả những thuộc hạ của ông, ví dụ như ba Gioanna vợ ông Khuda quản lý của vua Hê-rô-đe, dùng tiền của để giúp Đức Giê-su và các môn đệ (Lc 8,3). Do vậy, nhà vua đặt câu hỏi thắc mắc không biết: “Đức Giê-su là ai?”
Tin Mừng kể, vua Hê-rô-đê “phân vân lắm” vì có nhiều nguồn dư luận khác nhau về Đức Giê-su. Dư luận thứ nhất cho rằng Đức Giê-su là Gioan Tẩy Giả sống lại. Du luận thứ hai lại bảo Đức Giê-su là Êlia xuất hiện. Dư luận thứ ba cho rằng Đức Giê-su là một ngôn sứ thời xưa sống lại. Vì phân vân không biết dư luận nào khả tin nên vua Hê-rô-đê càng khao khát cách tìm gặp Đức Giê-su. Động cơ thúc đẩy nhà vua tìm cách gặp Đức Giê-su không phải vì đức tin mà chỉ muốn xem Đức Giê-su làm một vài phép lạ.
Sau cùng, vua Hê-rô-đê cũng gặp được Đức Giê-su trong tường thuật thương khó (Lc 23,8). Tuy nhiên, nhà vua vẫn chưa nhận ra Đức Giê-su là ai.
Có thể nói nhiều người hôm nay như tiểu vương Hê-rô-đê cũng nghe biết về Đức Giê-su, nhưng họ không tin hoặc đã tin nhưng còn hoài nghi về căn tính thần linh của Ngài. Dù vậy, Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng Mê-si-a đến đem ơn cứu độ cho nhân loại và ơn cứu độ chỉ dành cho những ai biết mở lòng ra đón nhận giáo huấn của Đức Giê-su và tin tưởng vào Ngài. Amen!
Tác giả: Nhóm suy niệm BC