Thứ Năm CN XVI
Mt 20,20-28
Có lẽ quyền lực là thứ đứng đầu trong tất cả dục vọng của con người. Nó như thuốc phiện gây mê và tạo ra thử thách lớn nhất đối với con người mọi thời đại từ xưa tới nay. Vì khi có quyền lực, người ta có danh vọng, tiền của và lạc thú. Người có quyền lực dễ lộng quyền, độc tài và coi người dưới hay thuộc hạ như một dụng cụ để sai khiến. Vì thế, trong công việc và đời sống xã hội, người ta sẵn sàng dùng mọi thứ có thể hại lẫn nhau và thậm chí giết nhau để giành quyền lực. Đối lập với tư tưởng này, Đức Giê-su dạy các tông đồ bài học: Ai muốn làm lãnh tụ thì hãy làm “đầy tớ” mọi người.
Đức Giê-su dạy bài học này trong bối cảnh vợ ông Dê-bê-đê, mẹ của hai ông tông đồ Gia-cô-bê và Gioan đến thưa với Đức Giê-su: "Xin Ngài hãy truyền cho hai con tôi đây được ngồi, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Ngài, trong Nước Ngài". Đây không chỉ là những chỗ danh dự mà còn thực sự thông chia quyền cai trị. Chính việc xin ân huệ này đã gây ra sự chia rẽ giữa Nhóm 12, “mười người kia tỏ ra bất bình với hai anh em”. Tuy nhiên, bà vợ ông Dê-bê-đê và các tông đồ không hiểu điều xin này, tưởng “Nước” của Đức Giê-su cũng giống như mọi thứ nước trần gian, trong đó có địa vị và quyền lợi.
Mong ước những lãnh tụ tương lai của Giáo hội hiểu được sứ mệnh và phân biệt quyền thủ lãnh của các dân tộc, Đức Giê-su nói với các tông đồ: “Ai muốn làm lãnh tụ thì hãy làm ‘đầy tớ’ mọi người”. Ngài đã dùng một từ rất đặc biệt “đầy tớ” muốn nói đến hạng người thấp hèn nhất trong xã hội. Ngài muốn những lãnh tụ của Giáo hội phải sẵn sàng phục vụ người ta trong tư thế hèn hạ nhất. Và chính Ngài là mẫu gương “đầy tớ” cho các tông đồ, Ngài nói: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người”. Đây cũng là sứ mệnh cứu chuộc của Người Tôi Tớ đau khổ mà ngôn sứ Đa-ni-en đã dùng hình ảnh “Con Người” loan báo (Đn 7,13). Do đó, ý nghĩa thật sự về “Nước” của Đức Giê-su chỉ được biểu lộ trên Thập Giá (Ga 19,11-22).
Người lãnh tụ theo gương Đức Giê-su là hiến cả mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người. Thuật ngữ “giá chuộc” là đưa một cái gì có giá trị ra để thay thế cho điều mình muốn cứu thoát và không có ý thu hẹp số người được cứu độ, nhưng chỉ muốn đối chiếu toàn thể nhân loại đông đảo với một mình Đấng Cứu Độ, tự hiến để cứu chuộc muôn người (Rm 5,18-19). Vì yêu thương, Thiên Chúa đã đi bước trước để cứu chuộc mọi người. Điều nay được Ngài nhắc lại trong dụ ngôn về con chiên lạc: “Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải mất” (Mt 18,14).
Tiếp nối sứ mệnh của Đức Giê-su, Hội thánh dạy rằng: “Đức Ki-tô đã chết cho hết thảy mọi người không trừ một ai”(2Cr 5,15). Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Giê-su không chịu chết cho họ (Cđ.Quierey năm 853: DS 624).
Như thế, toàn bộ cuộc đời của Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng của người đầy tớ “hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Vì thế, làm lãnh tụ theo gương mẫu Đức Giê-su là người “đầy tớ”, mọi người sẽ là thách đố cho các môn đệ theo Đức Giê-su, vì họ sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian.
Lạy Chúa Giê-su, quyền lực vẫn còn là thứ gây nghiện và không bao giờ làm thoả mạn dục vọng con người vì có làm chức gì (to/nhỏ) đến mấy vẫn không cảm thấy đủ và phải muốn thêm nữa. Xin Chúa ban ơn giúp chúng con sống theo gương thánh Tông đồ Gia-cô-bê mà chúng con mừng kính hôm nay. Thánh nhân đã sống triệt để lời dạy của Đức Giê-su: “Ai muốn làm lãnh tụ thì hãy làm đầy tớ mọi người”, Amen!