Thứ Ba tuần XVII thường niên
Mt 13, 36-43
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng mà Ngài đã kể trước đó (Mt 13, 24-30).
Chúa Giêsu cho biết rằng chính Ngài là người “gieo hạt giống tốt là con cái Nước trời” vào“ruộng là thế gian”. “Cỏ lùng là con cái gian ác. Kẻ thù gieo cỏ lùng là ma quỷ”. Thật vậy, ma quỷ là kẻ thù truyền kiếp của Thiên Chúa, cũng như của nhân loại từ trong vườn địa đàng cho đến hôm nay và mãi đến ngày tận thế. Chúng luôn gieo rắc sự gian ác vào trong thế gian và trong lòng mỗi người. Vì thế, cũng như ông chủ không cho phép nhổ cỏ lùng khỏi ruộng lúa trước mùa gặt, Thiên Chúa dù biết tác hại của sự dữ trong thế giới này, vẫn chấp nhận cho nó cùng tồn tại với sự lành cho đến ngày tận thế. Lý do của sự kiên nhẫn này là vì Ngài không muốn làm tổn hại đến sự lành khi tìm cách loại bỏ sự dữ. Tất cả những gì Thiên Chúa làm đều nhằm bảo vệ những người lành.
Kinh nghiệm thực tế cuộc sống cho thấy rằng người lành người dữ, người công chính và người tội lỗi vẫn sống chung với nhau. Con người chúng ta cũng thường hay thay đổi, lúc thì là lúa tốt, lúc lại là cỏ lùng… Tình trạng bấp bênh, không rõ ràng ấy chúng ta thường thấy có trong Hội Thánh, trong xã hội, và trong mỗi cá nhân: hai yếu tố tốt và xấu, lành và dữ, lúa tốt và cỏ lùng luôn tranh chấp, giành giật ảnh hưởng lẫn nhau… bao lâu còn sống ở trần gian, không ai có thể phân định rõ ràng dứt khoát: chẳng có ai tốt đến nỗi không có gì xấu; và ngược lại, chẳng có ai xấu đến nỗi không có gì tốt. Vì thế, quyết định của ông chủ là một quyết định rất hợp lý theo sự khôn ngoan thông thường. Chúa dạy chúng ta phải nhẫn nại chờ đợi. Vì chúng ta có thể lầm lẫn.
Nếu như trong tự nhiên, cỏ lùng và lúa là hai loại khác nhau, không thể thay đổi, thì đối với con người lại có khả năng biến đổi từ tốt thành xấu và từ xấu thành tốt. Nếu như theo sự khôn ngoan thông thường là không nên nhổ cỏ lùng trước mùa gặt, thì việc phân biệt người xấu với người tốt cũng phải chờ cho tới “mùa gặt là ngày tận thế” mới thi hành được. Khi đó, “thợ gặt là các thiên thần” sẽ dễ dàng phân biệt người nào xứng đáng hay không xứng đáng vào Nước trời. Chính vì sự phân định dứt khoát, bất di bất dịch vào lúc cuối đời và ngày tận thế, cho nên chúng ta có thể rút ra kết luận:
Chúng ta cố gắng làm thế nào để cho đời sống giảm bớt đến mức thấp nhất, ít nhất những yếu tố xấu xa, tội lỗi, tức là cỏ lùng, và gia tăng đến mức cao nhất, nhiều nhất những yếu tố tốt lành, thánh thiện, tức là lúa tốt; Đồng thời hãy có thái độ kiên nhẫn và khiêm tốn chấp nhận sự “chung sống” lẫn lộn trong một đoàn thể, một tổ chức, một xã hội gồm những phần tử tốt và xấu, lành và dữ, lúa tốt và cỏ lùng… Chấp nhận tình trạng chung sống, không có nghĩa là công nhận, nhân nhượng hay thỏa hiệp với sự dữ, sự ác… theo kiểu “người ta sao mình vậy” hoặc là “có thế nào cứ để thế ấy”, nhưng bằng cách “lúa thì phải giữ sao cho vẫn là lúa” và “làm sao cho cỏ ngày càng bớt đi”.
Riêng với từng cá nhân, ngoài việc cố gắng trong đời sống hàng ngày bớt cỏ lùng, thêm lúa tốt, bớt tư tưởng, lời nói, việc làm xấu và gia tăng việc lành phúc đức, mỗi người còn phải cố gắng làm sao để khi“nhắm mắt xuôi tay” kết thúc cuộc đời trong tình trạng được kể là lúa tốt, và đến ngày tận thế không đến nỗi bị thợ gặt của Chúa là các thiên thần quăng vào lửa thiêu rụi như mớ cỏ khô vô ích, nhưng được thu lượm vào kho lẫm Nười trời. Amen.