Thứ 5 CN XIV TN NĂM C
Mt 10,6-15
Trọng tâm lời rao giảng của các Tông đồ được Đức Giê-su trao cho là “Nước Trời đã gần đến”. Đó cũng là sứ vụ của Đức Giê-su đã lãnh nhận từ Chúa Cha và thánh ý Chúa Cha là nâng loài người lên để họ tham dự đời sống Thiên Chúa (LG 2) bằng cách quy tụ mọi người quanh Đức Giê-su Ki-tô. Sự quy tụ này chính là Hội Thánh Đức Giê-su thiết lập, là “mầm mống và là khai nguyên của Nước Thiên Chúa” trên trần gian (LG 5).
Đức Ki-tô chính là trung tâm của những người được quy tụ trong Hội Thánh hay trong gia đình Thiên Chúa. Người triệu tập họ quanh Người bằng lời nói và bằng những dấu chỉ chứng tỏ Nước Thiên Chúa đang hiện diện. Vì thế, Ngài sai các môn đệ ra đi loan báo cho muôn dân: “Nước Thiên Chúa đã gần đến”. Khái niệm “Nước Thiên Chúa” hoặc “Vương Quốc” hoặc “Triều Đại Thiên Chúa” hoặc “Nước Trời” đều diễn tả mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, nghĩa là mầu nhiệm tử nạn và Phục sinh: “Phần tôi, một khi được đưa cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12,32). Đây chính là mầu nhiệm trọng tâm của niềm tin Ki-tô giáo. Do vậy, mọi người tín hữu đều được mời gọi sống kết hiệp chặt chẽ với Đức Ki-tô và tuyên xưng niềm tin của mình trong đời sống hằng ngày.
Đặc tính của sứ vụ truyền giáo mang tính phổ quát dành cho tất cả mọi dân nước mọi thời, tuy ban đầu Nước Thiên Chúa được tiên báo cho con cái Ít-ra-en. Để được vào Nước Thiên Chúa, con người phải đón nhận lời của Đức Giê-su và một cách cụ thể là đón nhận những môn đệ của Người sai đi.
Dấu chỉ Nước Thiên Chúa mà các môn đệ được sai đi: “chữa lành bệnh nhân, làm cho kẻ chết sống lại, cho kẻ phong cùi được sạch và trừ được quỷ”. Khi làm tất cả những công việc này, người môn đệ không so đo tính toán thiện hơn nhưng hãy làm vì lòng mến Chúa, vô vị lợi, “anh em đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không”. Hơn nữa, tinh thần sống nghèo, sống thích nghi với mọi hoàn cảnh của người môn đệ là rất cần thiết không quá lo lắng về tiện nghi vật chất, chọn chỗ giàu sang hay nghèo hèn hoặc phụ thuộc vào cách người ta tiếp đón, Ngài nói: “các con chớ mang vàng bạc, tiền, bị đi đường, hai áo choàng, giày dép và gậy gộc”. Đây cũng là những nhu cầu thiết yêu khi đi xa, nhưng Đức Giê-su nhắc đến những điều trên muốn người môn đệ có một thái độ phó thác cuộc đời mình hoàn toàn cho Chúa không làm nô lệ cho tiền bạc và danh vọng. Một sự giải thoát chính mình không bị lệ thuộc vào vật chất thế gian. Đó là một thách đố cho tất cả những ai muốn đi theo Ngài.
Sống theo Lời Đức Giê-su dạy, người môn đệ cảm thấy lòng mình rất thanh thoát, gương mặt vui tươi và lòng người hân hoan. Khi tiếp xúc với người khác, người môn đệ tự nhiên sẽ mang đến cho họ niềm vui đích thực, một niềm vui của Chúa hay nói đúng hơn niềm hoan lạc trong Thánh Thần. Kèm theo lời nói, người môn đệ Đức Giê-su làm được một số phép lạ, chữa lành bênh tật để chứng tỏ Nước Trời đang hiện diện nơi Đức Giê-su, nơi Hội Thánh Người thiết lập và chính Người là Đấng Mê-si-a được tiên báo.
Mỗi ngay sống, tất cả chúng ta được mời gọi tham dự vào mầu nhiệm Nước Thiên Chúa, Nước ấy đã đến gần, đang hiện diện nhưng chưa hoàn tất. Nước ấy không giải thoát con người khỏi khổ đau, đói khát, bệnh tật nhưng giải thoát nhân loại khỏi vương quốc của ma quỷ, của đam mê và dục vọng. Xin Chúa giúp chúng con sống xứng đang trở nên người môn đệ như Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay, Amen!