Thứ Sáu, ngày 24/06/2016: Lễ trọng Sinh nhật Thánh Gio-an Tẩy Giả
Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80
Việc mừng sinh nhật thánh Gio-an hôm nay đem đến cho chúng ta nhiều “bỡ ngỡ” về những kỳ công Thiên Chúa đã và đang thực hiện cho nhân loại. Nội dung những bài đọc xoay quanh ơn gọi người được tuyển chọn (Is 49,1-6; Cv 13,22-26; Lc 1,57-66.80): Nói đến người tôi tớ được Thiên Chúa tuyển chọn “ngay từ đời đời” không phải do công trạng, nhưng nhờ hồng ân Người ban cách nhưng không. Thiên Chúa sẽ hằng hướng dẫn và đồng hành với họ trong mọi nẻo đường đời. “Thiên Chúa có thể vẽ đường thẳng bằng những đường cong” (x. St 27). Điều Thiên Chúa suy tính không giống như sự tính toán của phàm nhân. Quả là một sự bỡ ngỡ khi chúng ta suy niệm về trình thuật việc “thánh Gio-an Tẩy Giả sinh ra đời” trích Tin Mừng theo thánh Luca (Lc 1,57-66.80).
Bỡ ngỡ là phải vì tất cả nhiều điều tốt lành Thiên Chúa làm cho gia đình ông Da-ca-ri-a đều là những điều kỳ lạ: Từ việc bà Ê-li-sa-bét son sẻ và đã cao niên mà vẫn có thể mang thai và sinh con, việc ông Da-ca-ri-a bị câm do nghi ngờ quyền năng Thiên Chúa, rồi việc đặt tên con trẻ là Gio-an, và còn biết bao điều kỳ lạ xảy ra nữa! Thật là bỡ ngỡ! Bỡ ngỡ vì những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi đôi vợ chồng già Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét, cũng như biết bao những điều kỳ diệu khác Thiên Chúa đang thực hiện nơi nhân trần này.
Bỡ ngỡ quá đi thôi vì một phụ nữ cao niên còn có thể sinh con! Điều đối với con người là không thể, nhưng với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể. Người có thể rút ra sự tốt lành từ chính điều dữ. Việc không có con trong bậc sống gia đình thời dân Do-thái lúc bấy giờ được coi là bị Thiên Chúa chúc dữ. Chắc hẳn ông bà đã chẳng dám ngẩng đầu lên vì xấu hổ do không có con. Gia đình ông Da-ca-ri-a sống rất đạo đức trong làng, cũng như trong dòng tộc, thế mà dân làng lại coi ông bà là những người “bị Thiên Chúa chúc dữ”. Làm sao không bỡ ngỡ khi ông Da-ca-ri-a “đang dâng hương trong Đền Thờ, bỗng một sứ thần của Chúa hiện ra với ông và báo tin vợ ông sẽ mang thai và sinh hạ một con trai” (x. Lc 1, 9-13). Quả thật, ông nghe “tin mừng” này như một tiếng sét đánh ngang tai. Làm sao mà tin được, căn cứ vào đâu để tin đây? Hay dựa vào khả năng sinh con của bà Ê-li-sa-bét, vợ ông chăng? Theo suy tính của con người thì không thể, nhưng với Thiên Chúa thì hoàn toàn có thể. Từ những điều tưởng chừng như hoang đường này Thiên Chúa muốn củng cố đức tin nơi ông Da-ca-ri-a cũng như mỗi người chúng ta.
Bỡ ngỡ bởi theo truyền thống thì tên con cái phải đặt theo tên gia đình (tức tên bố). Thế mà cái tên cũng bị Thiên Chúa thay đổi, thật là kỳ lạ và còn kỳ quặc nữa! Dường như Thiên Chúa muốn làm thay đổi tất cả suy tính nơi con người. Do vậy, điều này diễn tả việc Thiên Chúa muốn con người hoàn toàn tín thác nơi Người không chút do dự hay bỡ ngỡ, vì Người đã làm cho mọi sự từ hư vô nên có thì chuyện làm cho Ê-li-sa-bét đã cao niên có thể sinh con đâu có là gì. Trong Kinh Thánh, việc được Thiên Chúa đặt tên là được chọn gọi và sai đi thi hành một sứ mệnh. Thiên Chúa đặt tên có nghĩa là được Người ban ân phúc. Tên gọi Gio-an đã toát lên tất cả vẻ đẹp đó, Gio-an mang nghĩa là “Thiên Chúa thi ân”. Thiên Chúa đã viếng thăm mà cất đi nỗi tủi hổ cho gia đình Da-ca-ri-a công chính và thi ân cho họ. Điều cao trọng này làm sao người phàm có thể hiểu nổi, làm sao dân làng và bà con gia đình Da-ca-ri-a có thể hiểu được. Ông Da-ca-ri-a, một người công chính trước nhan Đức Chúa còn chẳng hiểu huống chi là dân làng. Thêm một lần nữa biến cố giúp chúng ta nhận thức sâu hơn “đức tin là hồng ân Thiên Chúa ban, giúp ta trao phó bản thân và đời mình cho Thiên Chúa, cùng đón nhận tất cả những gì Thiên Chúa đã mặc khải mà Hội Thánh truyền lại cho ta” (x. GLGHCG, # 317).
Bỡ ngỡ tiếp tục và sẽ xuyên suốt cả cuộc đời Gio-an. Cuộc sống Gio-an sẽ hoàn toàn theo suy tính và hoạch định của Thiên Chúa. Chỉ khi con người đặt trọn vẹn niềm tin nơi Thiên Chúa thì những điều kỳ diệu mới xảy ra. Khi Da-ca-ri-a viết tên con vào tấm bảng“Tên cháu là Gio-an” thì ngay lập tức “miệng lưỡi ông mở ra, ông nói được và chúc tụng Thiên Chúa” (x. Lc 1,640). Điều này nhắc lại cho chúng ta rằng “từ những đường cong Thiên Chúa vẽ thành đường thẳng”. Thiên Chúa đã cất nỗi tủi nhục nơi “người công chính” và ban thưởng xứng đáng cho họ. Những điều bỡ ngỡ chính là nguồn nghị lực củng cố niềm tin cho dân làng, gia đình Da-ca-ri-a cũng như khắp cả miền Giu-đê (x. Lc1,65), và đặc biệt cho chúng ta hôm nay. Làm sao mà không “để tâm suy nghĩ” được vì điều này thật lạ lùng. Làm sao không “đặt ra câu hỏi” được, vì đứa trẻ này không giống những đứa trẻ bình thường khác. Đây là những bỡ ngỡ giúp con người nhận ra quyền phép của Thiên Chúa đã và đang can thiệp vào cuộc sống của con người trên gian trần.