Từ trong ruột nói ra

Thứ bảy - 16/10/2021 22:00  571
paul preaching on mars hillChủ đề của Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay - “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20), là lời kêu gọi mỗi người chúng ta hãy “sở hữu” và mang đến cho người khác những gì chúng ta mang trong tim mình. Sứ mạng này luôn là dấu ấn của Giáo hội, vì “Giáo hội tồn tại để truyền giáo” (Thánh Phaolô VI, Evangelii nuntiandi, 14). 

Chủ đề của Khánh Nhật Truyền Giáo năm nay được Đức Thánh Cha rút ra từ sách Công Vụ Tông Đồ chương 4 câu 20: “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra” (Cv 4,20)[1].

Đây là lời phát biểu của hai tông đồ Phêrô và Gioan, sau khi bị Thượng Hội Đồng “tuyệt đối cấm” không được giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa (x. Cv 4,18). Trước đó các ông đã được đầy tràn Thánh Thần (Cv 2,1-13), đã giảng dạy rất mạnh dạn và thành công (x. Cv 2,14-41). Các ông đã thành lập được một cộng đoàn hiệp nhất yêu thương (x. Cv 2, 42-47). Danh tiếng các ông đã vang dội khắp vùng, nhất là từ khi hai ông chữa lành một người què nhân danh Chúa Giêsu (x. Cv 3,1-10), đến nỗi giới lãnh đạo thời đó đã bắt giam tống ngục các ông. Nhưng trong chính cảnh ngục tù, các ông lại can đảm làm chứng cách hùng hồn về Chúa Giêsu và thu phục hàng vạn người tin theo Chúa (“số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn”, Cv 4,4b). Giới lãnh đạo vừa ngạc nhiên vừa lúng túng: một đàng, biết các ông “không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân”, nhưng mặt khác thì “dấu lạ rành rành trước mắt toàn dân Giêrusalem”)! Họ đành dùng hạ sách là “nghiêm cấm hai ông từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa” (Cv 4,17). Tuy nhiên, hai ông khẳng khái lên tiếng: “Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra’!

1. “Không được nói…”

Các tông đồ bị cấm lên tiếng về Chúa Giêsu. Lý do là vì họ sợ lời loan báo này sẽ ngày càng lan rộng. Quả thực, Danh Chúa Giêsu được loan báo đến đâu thì ánh sáng và tình yêu lan tỏa đến đó. Đây chắc hẳn không phải là điều mà quyền lực thế gian mong đợi vì họ “chuộng bóng tối hơn ánh sáng”, họ thích quyền lực hơn tình yêu, mê hưởng thụ hơn phục vụ...

Lệnh cấm ấy vẫn được đưa ra bởi quyền lực thế gian dưới nhiều dạng thức, đôi khi với những chiêu bài rất mỹ miều như “trật tự công cộng”, “tự do cá nhân”, “bài trừ mê tín dị đoan”, “lối sống hiện đại”, “chủ nghĩa khoa học”…

2. “Không thể không nói ra”

Trước áp lực của thế gian, các tông đồ đã mạnh dạn rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu. Các ngài xác tín rằng loan báo Tin Mừng là lệnh truyền xuất phát từ lương tâm tín hữu, cần phải “vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Như vậy, các ngài nhận thức rõ ràng sứ mạng truyền giáo là sứ mạng thiêng liêng và không thể trì hoãn.

Trong suốt dọc dài lịch sử của Giáo hội, luôn có các nhà truyền giáo sẵn sàng trả giả cho việc xả thân loan báo Tin Mừng. Chúng ta nhớ đến các tông đồ, các vị tử đạo, các chứng nhân qua các thời đại trên khắp thế giới. Năm 2020 vừa qua cũng đã có 20 nhà truyền giáo bị sát hại, gồm 8 linh mục, 1 nam tu, 3 nữ tu, 2 chủng sinh và 6 giáo dân (trong đó có 2 giáo lý viên)[2].

3. “Điều tai nghe mắt thấy”

Các tông đồ nói rằng các ngài không nói những điều suy diễn mà nói những điều “tai chúng tôi đã nghe, mắt chúng tôi đã thấy” (x. Cv 4,20). Điều đó có nghĩa là các ngài là chứng nhân về giáo huấn và cuộc đời của Chúa Giêsu chứ không chỉ nghe nói về Người. Nói cách khác, các ngài nói từ kinh nghiệm, từ cuộc sống, chứ không nói theo bài vở hay theo lý thuyết. Chúa Giêsu mà các ngài rao giảng là một Chúa Giêsu sống động, Đấng mà các ngài đã từng sống cùng, sống với và chứng kiến tất cả. Nói kiểu bình dân là các ngài đã “móc ruột nói ra”, “nói từ trong ruột nói ra” những thâm tín của mình.

ĐTC Phaolô VI đã từng nói một câu để đời được trích dẫn đến thuộc lòng: “Con người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy”. Đúng như vậy, có lẽ hàng ngàn bài giảng cũng không sinh động bằng hình ảnh một Mẹ Têrêsa còng lưng phục vụ những người nghèo khổ nhất trong các người nghèo; có lẽ hàng vạn bài viết cũng chẳng đánh động lòng người bằng sự dấn thân của các tình nguyện viên tuyến đầu… 

Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là không cần rao giảng nữa. Bởi vì, “rao giảng luôn luôn là ưu tiên hàng đầu của việc truyền giáo. Hội Thánh không thể thoái thác lệnh truyền rõ ràng của Chúa Kitô, cũng không thế tước mất của mọi người ‘Tin Mừng’ về tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với họ” (Redemptoris Missio 44, Evangelii Nuntiandi 22).

Với chủ đề này, cùng với lời mời gọi cầu nguyện xin ơn chữa lành đại dịch trong đúng dịp khánh nhật truyền giáo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, chúng ta cùng cầu xin Chúa giúp chúng ta mạnh dạn ra khỏi “vùng an toàn” hoặc “sự tập trung thái quá vào mình” (ích kỷ cá nhân hay ích kỷ tập thể) để dấn thân lăn xả hơn cho công cuộc truyền giáo, bằng lời nói và bằng hành động, như lời gọi mời tâm huyết của Vị Cha Chung:

“Một khi cảm nghiệm được sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, một khi nhận ra sự hiện diện hiền phụ của Người trong đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta, chúng ta không thể không loan báo và chia sẻ những gì chúng ta đã thấy và đã nghe… Không ai bị loại trừ, không ai có thể cảm thấy xa lạ hay xa cách với tình yêu nhân ái này” (Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo 2021).

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập117
  • Máy chủ tìm kiếm81
  • Khách viếng thăm36
  • Hôm nay36,059
  • Tháng hiện tại1,051,082
  • Tổng lượt truy cập79,054,533
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây