CN13 TN: Ơn gọi đến từ đâu và đáp trả ra sao?

Thứ sáu - 28/06/2019 20:48  2726
Tuần 13
1 V 19,16b.19-21; Gl 5,1.13-18; Lc 9,51-62
carl heinrich bloch the resurrection1Là người quan tâm đến ơn gọi, tôi hay hỏi thiếu nhi trong xứ: Lớn lên con làm gì, con có muốn đi tu làm cha, làm sơ không? Tôi nhận được nhiều câu trả lời khác nhau, nhưng câu trả lời muốn đi tu làm cha, làm sơ thì rất ít. Những câu trả lời này gợi lên cho ta những suy nghĩ về ơn gọi, điều mà chính lời Chúa hôm nay cũng muốn nói với chúng ta. Mỗi thánh lễ và mỗi dịp chầu Thánh Thể đều là cơ hội tuyệt vời để chúng ta suy gẫm về ơn gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu. Ba câu hỏi đòi chúng ta suy nghĩ: Ơn gọi đến từ đâu? Người được gọi làm gì để đáp trả? Họ sẽ đáp trả ơn gọi dựa trên sức mạnh nào?
1. Ơn gọi đến từ đâu?
Ơn gọi đến từ Thiên Chúa có thể gián tiếp hay trực tiếp. Với Êlisê, ơn gọi đến từ Thiên Chúa một cách gián tiếp qua Êlia. Thiên Chúa truyền cho Êlia xức dầu tấn phong Êlisê làm ngôn sứ. Êlia đã ném áo choàng của mình lên người Êlisa, để Êlisa về nhà từ giã cha mẹ, người thân, bạn bè, cho phép Êlisa đi theo mình, và cuối cùng trao thần khí của Thiên Chúa cho Êlisa để ông này trở thành ngôn sứ của Chúa.
Còn với các trường hợp được nhắc đến trong Tin mừng hôm nay lại là những người được gọi trực tiếp. Một người đến xin theo Đức Giêsu “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin đi theo”. Người khác lại được chính Đức Giêsu mời gọi: “Anh hãy theo tôi”, theo Ngài để làm môn đệ, làm người rao giảng Tin mừng và làm chứng cho tình thương của Chúa đối với nhân loại. Cuối cùng, một người khác nữa lại xin phép về từ biệt gia đình rồi mới đi theo Chúa.
Không phải chỉ có Êlisa hay các trường hợp trong Tin mừng hôm nay được gọi mà tất cả chúng ta đều được Chúa mời gọi làm môn đệ của Chúa, lấy lời nói và cách sống của mình rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa Kitô.
2. Người được gọi sẽ làm gì để đáp trả?
Người được gọi phải có thái độ cương quyết và dứt khoát. Họ không thể vừa theo Chúa lại vừa tiếp tục đường xưa lối cũ. Êlisa đã bỏ lại 12 đôi bò, đã giết đôi bò ông đang cày ruộng, đã dùng cày làm củi nấu thịt bò đãi bạn bè, đã từ giã cha mẹ và người thân để lên đường theo Êlia làm ngôn sứ của Thiên Chúa.
Người theo Chúa được đề nghị một lối sống nghèo khó không gì bảo đảm ngoài tấm lòng tín thác vào Chúa “Con cáo có hang, con chim có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu”. Họ được yêu cầu đặt sứ mạng loan báo Tin mừng lên trên hết “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ. Còn anh, anh hãy đi loan báo triều Đại Thiên Chúa”. Cuối cùng, họ được cảnh tỉnh “đã tra tay cầm cày thì không được ngoái lại đàng sau” vì nếu ngoái lại sẽ không xứng đáng với Nước Trời.
Như thế, nếu muốn sống đúng ơn gọi, người được gọi phải sẵn sàng dứt khoát từ bỏ những gì không phù hợp với ơn gọi, những gì cản trở sứ mạng và luôn nhất nhất một lòng loan báo Tin mừng cho tha nhân.
Chính Chúa Giêsu đã sống điều này quá tuyệt vời. Dẫu biết trước hành trình lên Giêrusalem là hành trình thập giá, khổ đau và cái chết, song Chúa Giêsu vẫn cương quyết lên Giêrusalem. Cái chết tủi nhục trên thập giá là bằng chứng hùng hồn nhất cho thái độ dứt khoát cương quyết thực thi thánh ý Chúa Cha.
3. Sức mạnh nào sẽ giúp người được gọi đáp trả tiếng gọi?
Người được gọi không dựa vào sức riêng, nhưng dựa vào ơn Chúa, sức mạnh đến từ Thiên Chúa bởi những đòi hỏi của ơn gọi luôn vượt trên khả năng của con người. Thật vậy, một người bình thường không thể chấp nhận cuộc sống bấp bênh, không gì bảo đảm, không chỗ gối đầu; một người tốt lành không thể dửng dưng trước sự ra đi của cha mẹ, người thân như Chúa Giêsu yêu cầu “Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết”, kẻ chết làm gì có khả năng chôn kẻ chết; một người đàng hoàng càng không thể ra đi mà không một lời giã từ cha mẹ, người thân và bạn bè.
Tất cả những đòi hỏi ấy là không thể nếu tự thân người được kêu gọi phải thực hiện. Do đó, ơn Chúa là điều cần thiết không thể thiếu đối với người được kêu gọi để họ có thể chu toàn sứ mạng. Thánh Phaolô đã có trải nghiệm khi xác tín rằng “ơn Thầy luôn đủ cho anh” và rồi thánh nhân đã khẳng định: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Ơn Chúa đến từ cầu nguyện, từ các thánh lễ, từ các bí tích, nhất là bí tích Hoà giải và Thánh Thể.
Ơn gọi thật cao quý, nó đến từ Thiên Chúa đầy yêu thương và quyền năng. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi người được kêu gọi thật nhiều, nhiều đến nỗi phải bỏ lại tài sản, cha mẹ, người thân, não trạng, lối sống... Vì những đòi hỏi của nó quá lớn nên người được gọi chỉ có thể đáp trả nhờ sự nỗ lực hết mình và sự trợ giúp của ơn Chúa.
Trong số chúng ta, người được Chúa gọi sống đời tu, người được gọi sống đời thường, dù là nữ hay là nam. Nhờ bí tích Rửa tội, chúng ta được thông phần vào chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả của Chúa Giêsu. Tất cả chúng ta đều là những môn đệ của Chúa, ngôn sứ của Chúa. Là môn đệ Chúa Giêsu, là ngôn sứ của Thiên Chúa, chúng ta phải rao giảng Tin mừng và làm chứng cho Chúa bằng “yêu thương tha nhân như chính mình, yêu anh em như Đức Giêsu đã yêu thương, một tình yêu đến cùng, yêu đến hy sinh mạng sống vì bạn hữu.
Lạy Chúa, xin tha thứ cho những lần chúng con không sống xứng đáng với ơn gọi. Xin ban cho chúng con dồi dào ơn thánh để chúng con có thể sống yêu thương hết mình như Chúa dạy hầu chu toàn ơn gọi Chúa đã trao phó. Amen!

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập243
  • Máy chủ tìm kiếm38
  • Khách viếng thăm205
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại917,020
  • Tổng lượt truy cập78,920,471
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây