Rosa Lima - Hoa hồng toả hương chốn bùn nhơ
Thứ ba - 22/08/2023 22:12
455
William Shakespeare đã từng viết “Có điều gì đặc biệt trong cái tên? Khi mà cho dù ta gọi hoa hồng bằng bất cứ tên gì nó cũng vẫn giữ nguyên mùi thơm như thế”. Trong văn hóa Tây phương, hoa hồng, bởi sự tương hợp với màu máu chảy, còn được xem là máu và vết thương, là biểu tượng cho sự phục sinh huyền bí của Chúa Giêsu Kitô.
Thánh Rosa Lima, vị thánh nữ với sắc đẹp của hoa hồng và tình yêu mãnh liệt với Đức Lang quân là Chúa Giêsu Kitô, cũng được xem là đóa hoa thánh thiện đầu tiên ở Mỹ châu vì sự ngọt ngào và hương thơm lan tỏa về đời sống khổ hạnh và cầu nguyện. Cuộc đời của thánh nhân được đan kết bằng những cố gắng hy sinh, đau khổ và chiến đấu không ngừng để vươn tiến và nên thánh để dệt nên một bức tranh tuyệt đẹp về đời sống khổ hạnh và cầu nguyện. Không gì khác, sự hiện diện của ngài như là một nụ hồng nhỏ mọc lên và lan tỏa hương thơm trên mảnh đất đang bị tha hóa bởi tội lỗi và lòng tham lúc bấy giờ.
Isabela Flora sinh vào ngày 30 tháng 4, đúng vào ngày Lễ thánh Catarina Siena, tại thủ đô Lima, nước Pêru, năm 1586, vì xinh đẹp nên được gọi là Rosa. Từ nhỏ, thánh nhân đã được Chúa Hài Đồng yêu thương, dạy cho biết đọc, biết viết và ban nhiều năng khiếu. “Ai có thể nói ra điều Chúa đã làm cho đứa bé có lòng yêu mến Người?” Dù được cha mẹ chiều chuộng, yêu thương, thánh nhân vẫn tỏ ra là con người của sự khiêm nhường và đơn sơ, luôn hy sinh vì người khác và một lòng muốn dâng trọn trái tim cho Chúa trong Dòng Đa Minh. Thật vậy, ngay cả con bướm trắng đen trong vườn cô cũng thích hơn những con khác vì chúng nhắc cô nhớ về hai màu sắc của Dòng Đa Minh. Trải qua nhiều biến cố và được Đức Mẹ hướng dẫn, cuối cùng cô cũng đã gia nhập Dòng Ba Đa Minh với sự chủ tọa của cha Alonso Velasquez. Từ đó, thánh nhân đã trở thành một người con của thánh Đa Minh, chuyên chăm cầu nguyện và kết hợp với những đau khổ mà Con Chúa đã chịu vì yêu thương con người.
Trong bút ký để lại của mình, thánh Rosa đã viết:
Chúa Cứu thế đã lên tiếng và Người nói hết sức trịnh trọng: Mọi người nên biết rằng ân sủng sẽ đến liền sau đau khổ. Hãy nhận rằng mình không đạt tới ân sủng mà không mang nặng khổ đau. Hãy hiểu rằng đau khổ có gia tăng thì mức độ của các ân ủng mới tăng theo. Vậy loài người hãy ý tứ kẻo lại lạc lối lầm đường; đấy mới thực là nấc thang dẫn lên thiên đàng, và ngoài thánh giá, không còn con đường nào đưa đến thiên cung.
Thật thế, người đau lòng khi nghĩ tới những linh hồn chưa được ơn đức tin, nhất là những người còn vướng mắc trong việc thờ ngẫu tượng tại những miền đất bao la ở Mỹ châu. Vì xót thương họ nên lúc nào người cũng nghĩ đến họ, chỉ mong sao phá được mọi ngăn cách, để “bay đến” với họ bằng đôi cánh thiêng liêng, hầu soi sáng và cứu độ họ. Người muốn trở thành đá và vôi bít lối, để không ai phải xuống hỏa ngục. Có lẽ vì thế mà thánh nhân đã chọn con đường thập giá như một phương cách để hiệp thông với Chúa và Mẹ, hầu mong có thể đem ơn cứu rỗi cho các linh hồn.
Thật vậy, càng tìm hiểu sâu hơn, ta càng nhận thấy người có một tình yêu mãnh liệt và một tinh thần không ngại đau khổ theo chân chúa Giêsu Kitô. Ngài ăn chay hầu như suốt đời, chỉ trộn một ít thức ăn nuôi sống thân xác với một ít rau đắng. Ngài bôi trên bàn tay và bàn chân nhỏ bé của mình với vỏ cây và bột tiêu Ấn Độ để làm cho chúng trở nên xấu xí, bỏng rộp, sưng tấy. Trong suốt 15 năm, ngài luôn đội một vòng đóng 99 chiếc đinh nhọn trên đầu để nhắc nhở về chiếc vòng gai của Đấng Tình Quân. Chung quanh thắt lưng ngài mang một chiếc dây sắt ba, nó cấn vào trong da thịt và gây ra những cơn đau khủng khiếp. Ngài yêu mến kỉ luật nên dùng nó thường xuyên khi được cha giải tội cho phép. Không những thế, trong vườn, ngài còn cất giữ một cây thánh giá gỗ dùng để vác trên đôi vai tiều tụy trong suốt thời gian yên lặng của đêm tối, và đây là cách tốt nhất để suy niệm và bắt chước vác Thánh Giá theo Chúa Kitô. Ngài ngủ rất ít, và gối đầu trên một tảng đá. Do vậy, cơ thể ứa máu, bàn tay và bàn chân sưng rộp, trên trán hằn đầy những thương tích do đinh nhọn gây ra, nhưng những điều đó chẳng hề hấn gì, bằng một tâm hồn trong trắng, Rosa đã trèo lên tới “đỉnh núi hoàn thiện”.
Cuối cùng, gần đạt đến tuổi của Đấng Tình quân, Chúa đã hái đóa hoa hồng tuyệt đẹp trong vườn hoa muôn màu muôn sắc của Giáo hội khi Ngài mới 31 mùa xuân, để đời đời người được diện kiến và ca tụng Chúa trên nước trời. Có thể nói, sự ra đi của thánh nhân không những nêu gương cho chúng ta theo vết chân người mà hơn thế, còn mở ra con đường mới để chúng ta bước theo; từ đó, sự sống và cái chết sẽ được thánh hóa một cách trọn vẹn và mang một ý nghĩa mới. Bí quyết của Thánh nữ không gì khác, ngoài việc sống sự đơn sơ nơi cuộc đời đâu đây còn đầy bùn nhơ này!
Có bao nhiêu bài học mà cuộc đời đơn sơ này không dạy chúng ta? Tình yêu nồng cháy của Thiên Chúa, tình yêu của Thánh Tâm thay đổi mọi sự và mạnh mẽ hơn cái chết là ý niệm trước nhất và trung tâm. Tình yêu của Thiên Chúa đưa tâm hồn ra khỏi thế giới, làm thay đổi các giác quan và đóng đinh thân xác, rửa sạch và thánh hóa những ai tìm kiếm nó, nó đưa linh hồn vào nơi thanh tịnh để gặp Chúa Giêsu, để chuyện trò với Người, để đau khổ với Người, và đem ơn cứu độ cho các linh hồn. Để cứu các linh hồn không nhất thiết phải đi giảng dạy và làm phép lạ. Một cuộc sống tĩnh lặng, trong sạch và sốt sắng với Chúa là một ngọn lửa chiếu sáng, tình yêu và sự sống. Thánh Rosa loan truyền cách sống này. Còn tôi, tại sao không?
Muôn dân nước khắp cùng cõi đất,
Nào hân hoan mừng chúc Rosa,
Sướng lên cung điệu chan hòa,
Hợp lòng khen ngợi đóa hoa thiên tài.