Cầu nguyện trong khiêm nhường

Thứ bảy - 22/10/2022 04:17  627
Chúa Nhật XXX Thường Niên – Năm C
Hc 35,15b-17.20-22a; 2Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9-14

1 2Lời Chúa trong Chúa Nhật tuần trước dạy các tín hữu phải kiên trì cầu nguyện. Tiếp tục đề tài cầu nguyện, Lời Chúa của Chúa Nhật tuần này, chỉ cho chúng ta một thái độ cần thiết phải có khi cầu nguyện. Đó là thái độ khiêm nhường.

Các nhà tu đức nói rằng: Nếu như nước mưa chỉ đọng lại trên chỗ trũng, thì ơn Chúa chỉ đọng lại trên những tâm hồn khiêm nhường mà thôi. Nếu như lời nói của người khiêm nhường dễ lay động lòng người khác thế nào, thì lời cầu nguyện của người khiêm nhường cũng dễ chạm đến lòng thương xót của Chúa như vậy. Nếu như người ta thích đến gần, chuyện trò với người khiêm tốn thế nào, thì có thể nói, Thiên Chúa cũng luôn muốn ở gần những kẻ có tâm hồn khiêm nhường, tin tưởng chạy đến với Người như vậy.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu kể một dụ ngôn nói về hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người là Pharisiêu và một người thu thuế. Hai người này cầu nguyện với hai nội dung, hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau, và kết quả nhận được sau lời cầu nguyện cũng khác nhau.

Khi lên đền thờ cầu nguyện, người Pharisiêu nghênh ngang đứng thẳng một mình, và thưa với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con”. Chúng ta thấy lời cầu nguyện của người Pharisiêu như là một bài báo cáo thành tích của mình trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Ông tự mãn khoe khoang những việc tốt lành của mình. Ông ta nghĩ rằng, nhờ có những việc tốt ấy mà Thiên Chúa phải ban cho ông nhiều ơn khác nữa. Đáng trách hơn nữa là ông tỏ ra khinh thị người khác, khi so sánh công trạng mình với người thu thuế tội lỗi. Thế nhưng, sai lầm lớn nhất của ông là ông tự cho mình làm được mọi sự mà không cần đến ân sủng và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Ngược lại với ông Pharisiêu, người thu thuế không có gì để khoe khoang. Ông biết mình là người tội lỗi, nên đứng tận đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Ông nói ít lời, nhưng thái độ của ông và lời cầu nguyện là sự khiêm nhường thẳm sâu trong tâm tình sám hối, cần được Thiên Chúa tha thứ và xót thương. Ông nhận thấy mình thiếu thốn, yếu hèn, chỉ biết phó thác cho lòng thương xót của Chúa. Ông kêu xin với lòng khiêm nhường và ông đã được Thiên Chúa nhận lời ban ơn tha thứ và ra về nên người công chính.

Chúa Giêsu đã đưa ra kết luận: “Tôi bảo cho các ông biết, người thu thuế ra về thì được trở nên công chính, còn người kia thì không.” Nghĩa là khi trở về, người thu thuế đã đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa, được chữa lành trong tâm hồn và được ơn trợ giúp để biến đổi nên người tốt, nên người công chính. Trái lại, người biệt phái thì không được gì, vì anh đã có quá nhiều, quá dư thừa, anh tỏ ra không cần đến sự trợ giúp của Thiên Chúa nữa. Vì thế, anh ra về mà không được biến đổi.

Như thế, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng đến với Chúa trong sự khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người không làm giảm giá trị của con người, nhưng là thái độ được Thiên Chúa và mọi người yêu mến. Hơn nữa, người đến với Chúa trong thái độ khiêm nhường hạ mình, thì chính Thiên Chúa sẽ nâng người ấy lên cao: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm về cuộc đời của mình đã được Thiên Chúa yêu thương nâng đỡ. Thánh nhân đã dành trọn cuộc đời để phục vụ Chúa Kitô và Tin Mừng. Ông được nhiều cộng đoàn tín hữu yêu mến, nhưng Phaolô đã không đòi hỏi bất cứ điều gì từ cộng đoàn. Trái lại, ông đặt mình như một đầy tớ đã cần mẫn chu toàn bổn phận và chỉ đợi chờ triều thiên Chúa dành cho người công chính.

Trong đời sống Đạo, chúng ta rất dễ rơi vào lối sống Đạo kể lể công đức với Chúa và với mọi người để rồi chê bai, khinh bỉ người khác: tôi vẫn đi lễ Chúa Nhật mỗi tuần, tôi chẳng trộm cắp giết người hay làm thiệt hại của ai, tôi và gia đình vẫn dâng cúng ủng hộ đóng góp cho nhà thờ cái này, cái kia, tôi còn làm ông này bà nọ trong cộng đoàn…, mà chúng ta quên không biết rằng mình được như thế là do ơn Chúa ban để khiêm tốn tạ ơn Chúa và thờ phượng Ngài trong yêu thương đồng thời biết sẻ chia đồng hành và nâng đỡ người kém may mắn hơn, kém đạo đức hơn hoặc nghèo hơn mình thay vì tự mãn, khinh chê người khác. Bởi lẽ, trước mặt Thiên Chúa, chúng ta đều là những yếu kém và tội nhân.

Thánh lễ là lời cầu nguyện chân thành và đẹp nhất của Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa. Tham dự thánh lễ, chúng ta được mời gọi nhìn nhận thân phận yếu đuối của mình, tin tưởng vào tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa. Qua thánh lễ được cử hành mỗi ngày nơi bàn thờ, hy lễ thập giá lại được dâng lên Thiên Chúa Cha, xin ơn tha thứ và thánh hoá con người. Do đó, tham dự thánh lễ mỗi ngày là dấu chỉ cho thấy sự khiêm nhường và thành tâm của mỗi người; là dấu chỉ thể hiện rằng chúng ta luôn cần đến Chúa.

Ước gì, qua Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta ý thức con người giới hạn, tội lỗi bất xứng của mình trước mặt Thiên Chúa, để luôn khiêm tốn chạy đến với Ngài để được Ngài ủi an nâng đỡ bổ sức. Xin Chúa thương giúp mỗi người chúng ta luôn biết sống khiêm nhường nhờ đó biết yêu thương, tôn trọng và nhân ái với tất cả mọi người. Và khi cầu nguyện, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình cầu nguyện của người thu thuế mà thưa lên với Chúa: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Amen.

Tác giả: Nhóm Suy Niệm Bùi Chu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập426
  • Máy chủ tìm kiếm37
  • Khách viếng thăm389
  • Hôm nay39,494
  • Tháng hiện tại899,855
  • Tổng lượt truy cập78,903,306
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây