Học biết đếm tháng ngày mình sống
Thứ tư - 02/11/2022 00:17
530
Là con người, chúng ta chỉ có một lần được sinh ra, có một cuộc đời để sống và một cùng đích để trở về – về với nguồn gốc của chính mình. Ai trong chúng ta rồi cũng phải bước qua cánh cửa sự chết và những gì sẽ xảy ra sau khi chết vẫn còn là một ẩn số. Đó quả là một sự thật phũ phàng, một thực tế trần trụi sau tấm áo nhân sinh. Vịnh Gia đã cho chúng ta thấy:
“Đời sống con người chóng qua như cỏ.
Như bông hoa nở trong cánh đồng.
Một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi,
Nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích” (Tv. 102:3).
Và
“Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết,
kẻ ngu đần dại dột cũng tiêu vong,
bỏ lại tài sản mình cho người khác.
Tuy họ lấy tên mình mà đặt cho miền này xứ nọ,
nhưng ba tấc đất mới thật là nhà,
nơi họ ở muôn đời muôn kiếp.
Dù sống trong danh vọng,
con người cũng không thể trường tồn ;
thật nó chẳng khác chi
con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49,11-13).
Vì thế, sống như thế nào mới là điều quan trọng, đáng để chúng ta lưu tâm. Sống để chuẩn bị cho cái chết là một sự chuẩn bị khôn ngoan. Chúng ta sẽ sống như thế nào và chuẩn bị những gì? Lời khôn ngoan của Vịnh gia đã khuyên dạy chúng ta:
Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống,
Ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90,12).
Trào lưu “Khôn Ngoan” trong Cựu Ước cho chúng ta nhiều suy tư về ý nghĩa cuộc sống, khởi đi từ cái vắn vỏi phù du của kiếp nhân sinh. Điều cốt yếu để ta nên khôn ngoan có lẽ ở ý chí hơn là lý trí. Lịch sử con người đã chứng minh cho chúng ta điều ấy. Cuộc sống con người là giới hạn. Napoleon có sai người đi khắp nơi tìm mọi phù phép cho ông trường thọ, nhưng ông đã ngủm lâu rồi. Với những dòng chữ vụn dại, xin đưa ra một vài ý tưởng về sống và chết trong các góc nhìn khác nhau.
1. Cách nhìn bình dân của một số văn nhân
Nguyễn công Trứ, người đã có công đóng góp cho đất nước qua việc lập nên vùng đất phì nhiêu là huyện Tiền Hải, thuộc tỉnh Thái Bình hiện nay đã viết trong tác phẩm Chơi xuân kẻo hết xuân đi: “Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy – Nếu không chơi thiệt đấy ai bù” . Sau khi đã tích cực đóng góp cho đời, “kẻ sĩ” đã lui về ở ẩn để hưởng “thú điền viên”, sống thanh thản trên mặt đất, dưới ánh mặt trời, để ngao du sơn thủy, chiêm ngắm và hưởng cái êm đềm của thiên nhiên trước khi nhắm mắt lìa đời. Trong cách nhìn này, xem ra phần thưởng của đời người ở ngay trên mặt đất này.
Một người cùng thời với ông là Cao Bá Quát lại có một cái nhìn rất khác: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, cảnh phù du trông thấy cũng nực cười…”. Ông viết tiếp: “Bạn không biết rằng nước sông Hoàng Hà từ trên trời xuống, chảy xuôi ra biển chẳng quay lại”. Có lẽ đây là những câu thơ ông viết ra bằng cái trí, nhưng cuối cùng, ông kết luận bằng một câu chất chứa cái “tâm” về kiếp nhân sinh: “Làm chi cho mệt một đời!”
Những lời ấy được Cao Bá Quát viết nên trong bối cảnh ông đã “mệt” với cuộc sống này. Sống trong một triều đình mà vua quan chỉ có cái “danh” mà “thực” thì chẳng giống ai. Vua thì tối ngày đi săn và ngâm thơ với một thi xã, trong khi dân tộc đang bị ngoại xâm dòm ngó. Cao Bá Quát mỉa mai lối sống ấy bằng những khổ từ: Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An. Còn mấy ông quan thì Cao Bá Quát ví như bầy chó khi ông được vua hỏi về hai ông quan đánh nhau: “không biết vì lý do gì, hai người cãi nhau, đi tới chỗ đánh nhau, tôi thấy nguy tôi bỏ chạy.”. Rõ ràng, Cao Bá Quát là người có tài nhưng bị vui dập, chèn ép. Ông thất chí khi không có cơ hội để đóng góp cho đất nước. Điều ấy khiến ông đi vào con đường bạo loạn, cuối cùng bị tru di tam tộc. Ông từ giã cuộc đời bằng một một câu đối: “Ba hồi trống giục, mồ cha kiếp – Một nhát gươm đưa, đ… mẹ đời”.
Rõ ràng, cuộc sống này là tương đối. Vì thế mà bước vào cõi nhân sinh, mỗi người có một cái nhìn và cảm nhận rất khác nhau. Đó là trên bình diện cá nhân. Cũng có thể, môi trường xã hội thay đổi cũng khiến con người khác đi trong cái nhìn của mình về cuộc sống và cái chết. Người xưa không có tục mừng sinh nhật (birthday) riêng rẽ, bởi vì tất cả mọi người đều được tăng thêm một tuổi với ngày đầu năm. Đó là niềm vui hay nỗi buồn? Chắc chắn là niềm vui. Thời xưa, người ta vui mừng hãnh diện vì tuổi thọ, lên lão làng. Nhưng ngày nay, tuổi cao mang lại nỗi buồn thay vì niềm vui, bởi vì người già bị gạt ra ngoài lề xã hội, nhưng lại chưa sẵn sàng bước qua bên kia thế giới. Tuy vậy, người ta có những cái nhìn tích cực về sự sống và cái chết. Cuộc sống là ơn trời lộc nước, cái chết là kết thúc tất yếu, chung cho mọi người, chẳng có chi để sợ hãi âu lo.
2. Kitô giáo thì sao?
Đối với các Kitô hữu, giáo lí của Hội Thánh giúp các tín hữu có nhìn sâu sắc và lạc quan về sự đau khổ cũng như sự chết. Nhờ đó, chúng ta có thể tìm cho mình lời giải đáp khác cho những vấn nạn trên dưới con mắt đức tin và lăng kính mặc khải. Giáo hội không cổ võ cũng như không tôn thờ đau khổ, hay sự chết. Đau khổ không đến từ Thiên Chúa vì Ngài cũng không muốn chúng ta phải chết. Tác giả sách Khôn ngoan xác quyết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.” (Kn 1,13). Tự bản chất, đau khổ và cái chết là xấu vì phát xuất từ sự dữ mà sự dữ không do Thiên Chúa làm nên nhưng do bởi hậu quả của tội lỗi. Đức tin Công Giáo dạy chúng ta rằng con người được dựng nên có nhân vị và sống mối tương quan nhân vị với Thiên Chúa và với tha nhân. Ngay từ đầu, con người được dựng nên trong tình trạng đầy tràn ân sủng, thánh thiện và công chính. Thiên Chúa đã ban cho con người được hưởng hạnh phúc trọn hảo, không biết đến đau khổ và cũng không phải chết.
Chính vì tội lỗi xâm nhập, các mối tương quan đổ vỡ và con người tự đánh mất ân sủng đã được ban tặng. Vậy thế, con người sau khi chết, cần được thanh luyện đủ trước khi được ở bên Chúa trong vương quốc vĩnh cửu. Vì lý do ấy mà Giáo hội lữ hành dành cả tháng 11 này để cầu nguyện cho những người tín hữu đã ra đi trước. Việc cầu nguyện ấy nảy sinh nhiều ơn ích bởi lẽ:
Bản chất của Hội thánh là hiệp thông
Hiệp thông (koinonia), từng được các văn bản của Công Đồng Vaticanô II nêu rõ (Xem Hiến Chế tín lý Lumen Gentium (GH) 4,8,13-15,18,24-25;Dei Verbum (MK), 10; Gaudium et Spes (MV), 32; Sắc Lệnh Unitatis Redin - tegratio (HN), 2-4, 14-15, 17-19, 22), là một khái niệm đặc biệt thích hợp để diễn tả sự thâm sâu của Mầu nhiệm Giáo Hội. Quả thế, hiệp thông được hiểu như là mầu nhiệm của mối liên kết một cách cá nhân giữa mỗi người với Thiên Chúa Ba Ngôi, và với những người khác, khái niệm hiệp thông "nằm ngay ở điểm chính yếu của sự việc Giáo Hội tự nhận thức về mình”: mối liên kết ấy khởi đầu với lòng tin, và hướng tới tình trạng viên mãn cánh chung nơi Giáo Hội trên trời, nhưng đồng thời, đó cũng là một thực tại đang hiện diện manh nha nơi Giáo Hội tại thế. Trong Kinh Tin Kính sau khi tuyên xưng “Hội Thánh hằng có ở khắp thế này” chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm “các thánh thông công”. Thánh Tôma Aquinô cũng nói rằng, các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất, nên điều thiện hảo của người này được truyền thông cho người khác. Vì vậy mà giữa các “tình trạng Hội thánh” có sự hiệp thông với nhau trong Đức Kitô trong đức mến hỗ tương. Khi ấy, chúng ta sống phù hợp với ơn gọi thâm sâu của Hội Thánh.
Các linh hồn cần cậy nhờ vào lời cầu nguyện của người còn sống
Trong Thánh Vịnh, ta tìm thấy những lời kêu van xuất phát từ một tâm hồn đang mang trong mình bao thổn thức. Vịnh gia miêu tả bản thân như một người khốn khổ lâm tình trạng cùng quẫn, gần kề cái chết, vì ốm đau từ thuở bé, bị bạn hữu bỏ rơi, xa lánh, và như bị Thiên Chúa nổi giận, ruồng rẫy bỏ quên. Trong tình trạng bi đát này, người ấy chỉ biết than van và dâng lên Chúa lời kêu cứu.Những lời ấy, tuy còn hàm hồ, nhưng phần nào gợi lên trạng thái của con người sau khi chết.
Thánh Tôma Aquino, một thần học gia lỗi lạc thời kỳ Trung Cổ, trong bộ Tổng luận Thần Học, đã đưa ra quan điểm: “Những kẻ ở trong luyện ngục mặc dầu ở “trên” chúng ta do tính không thể phạm tội, nhưng vẫn ở tình trạng dưới chúng ta nếu chúng ta xem xét sự đau khổ mà họ phải chịu. Về phương diện này, họ không ở trong tình trạng có thể cầu nguyện cho chúng ta, đúng hơn là chúng ta phải cầu nguyện cho họ.”. Chính vì thế, sự chuyển cầu của những người còn sống có thể giúp các linh hồn đang chịu thanh luyện mau chóng đạt đến sự thánh thiện vẹn toàn.
Dù chết trong ơn nghĩa Chúa, ta vẫn cần phải thanh luyện
Hội Thánh dạy rằng: “Những người chết trong ân sủng và tình thân nghĩa của Thiên Chúa, nhưng chưa được thanh luyện hoàn toàn, thì tuy họ chắc chắn sẽ được cứu độ muôn đời, họ còn phải chịu thanh luyện sau khi chết, để đạt được sự thánh thiện cần thiết hầu tiến vào hưởng niềm vui thiên đàng.”. Như thế, nơi thanh luyện chính là chốn Thiên Chúa tỏ bày tình yêu của mình. Lòng thương xót của Thiên Chúa minh nhiên lớn hơn sự phán xét công minh của Ngài.
Có những người đã nên hoàn thiện trong thành Thánh Giêrusalem thiên quốc nhờ việc “băng qua lửa” (1Cr 3,15) nhưng trong số họ vẫn còn những kẻ phải ở lại. Tuy nhiên, trong lịch sử, nhiều cuộc bút chiến nổ ra để viết về nơi thanh luyện “purgare”. Cụ thể là thánh Êpiphaniô đã chống lại chủ trương không có luyện ngục và loại trừ việc cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời của phái Ariô.
Tạm kết
Đếm tháng ngày sống không phải là thái độ thụ động, bi quan về cuộc sống trần thế, nhưng là thái độ chuẩn bị tích cực, suy gẫm về ý nghĩa của cuộc đời để tâm hồn luôn được an nhiên trong tâm thế sẵn sàng, lạc quan và vui mừng vì có niềm hi vọng. Tâm trí khôn ngoan luôn hướng lòng về Thiên Chúa vì “kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan.” (Tv 111,10) và “lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khoẻ dồi dào.” (Hc 1,18). Như vậy, chúng ta mới có thể đón nhận sự chết như một lối mở dẫn ta đến sự sống trường sinh như thánh Phaolô xác quyết: “Đối với tôi sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21).
Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho các tín hữu đã qua đời được lên chốn nghỉ ngơi!
Hành lạc trong văn chương thời Nguyễn công Trứ không có cái nghĩa quen thuộc của ngày nay, mà chỉ nói đến “hưởng nhàn”
Những câu trong một bài thơ của Cao Bá Quát được người đời đặt cho cái tên là “Chán đời”
Đây là câu thơ Cao Bá Quát trích của một văn sĩ Trung Quốc, phiên âm Hán Việt: “Quân bất kiến Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đáo hải bất phục hồi”
Thời đó Nghệ An chuyên sản xuất nước mắm, con thuyền Nghệ An là thuyền chở nước mắm!
Phiên âm Hán Việt: Bất tri ý hà, lưỡng tương đấu khẩu, dĩ chí đấu ẩu, thần kiến thế nguy thần tẩu”. Ta có thể thấy cái hóm hỉnh là ông dùng nhiều lần âm “ẩu”, đọc lên ta như nghe tả hai con “cẩu” cắn nhau!
Trích trong bài phát biểu của cha Phan Tấn Thành, Linh mục Dòng Đa Minh trong bài phát biểu chào mừng lễ trao bằng cử nhân Thần học của Học viện Đa Minh năm 2013. Xin xem thêm: https://catechesis.net/bai-phat-bieu-cua-cha-phan-tan-thanh-op-giam-doc-trung-tam-hoc-van-daminh/
Tiếng Latin: Praeterea, sicut sancti qui sunt in patria sunt superiores nobis, ita et illi qui sunt in Purgatorio, quia iam peccare non possunt. Sed illi qui sunt in Purgatorio non orant pro nobis, sed magis nos pro eis. Ergo nec sancti qui sunt in patria pro nobis orant. (Summa Theologiae II, q.83, a.11)
Tông Huấn Giáo Lý Ân Xá, (Indulgentiarum Doctrina), số 3