Cửa hẹp và sự đảo ngược

Thứ tư - 26/10/2022 21:40  446
Ep 6, 1-9; Lc 13, 22-30

doorBài Tin Mừng thứ Tư sau Chúa nhật XXXTN-C nằm trong diễn từ Cánh Chung, có lẽ nói đến việc Thiên Chúa ruồng bỏ người những Do Thái bất trung và kêu mời dân ngoại. Thánh Luca nhắc lại việc Đức Giêsu lên Giêrusalem một lần nữa, ngụ ý rằng đây là một giai đoạn mới. Chương 13, từ câu 22 đến 30 gom một số ngôn từ về việc gia nhập Nước Trời.

Cửa hẹp

Cuộc chiến đấu để được vào Nước Trời sẽ không có ưu tiên dành cho những người có có gốc gác tốt. Ở đây Luca muốn nhắm đến những người Do Thái. Họ suy luận rằng: Tước hiệu dân riêng của Chúa, tước hiệu con cháu của Abraham, là một bảo đảm chắc chắn, là một tấm giấy ưu tiên để được vào Nước Trời. Sự phân biệt giữa người được vào bàn tiệc và kẻ ở ngoài, giữa người được ở trong bàn tiệc với Abraham, Isaac và Giacob, với kẻ bị đuổi ra chốn tối tăm ở chỗ họ có chiến đấu đủ và đúng thời đúng buổi để đi ngang qua khung cửa hẹp hay không?

Chữ “hẹp” chỉ sự thách đố, đòi hỏi nỗ lực của người muốn vào. Cần phải “chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào”, vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống đời đời” (Mt 7,14). Nước Trời luôn là một mầu nhiệm được ẩn giấu. Chỉ có những người thành tâm thiện chí kiếm tìm qua việc đau đáu với chân lý mới đạt được. Giả như chiếc tàu hỏa nghĩ rằng, tại sao tôi cứ phải bị gò bó bởi hai cái thanh sắt này? Tại sao tôi không chạy nhảy như hươu, như nai, băng qua đồi núi, trẩy qua cánh đồng như bao nhiêu muông thú. Rồi nó thoát ra khỏi hai đường sắt gò bó, để được tự do tung hoành... Thì kết cục của sự chọn lựa này là vô cùng bi thảm. Nhưng nếu nó chấp nhận đi theo hai đường ray chật hẹp, nó sẽ về đến ga cuối cùng một cách an toàn.

“Cửa hẹp” theo tác giả thư Do thái, là sự kiên nhẫn trong thử thách. “Anh em hãy kiên trì để cho Thiên Chúa sửa dạy. Người đối xử với anh em như với những người con. Thật vậy, có đứa con nào mà người cha không sửa dạy?”. Những gian khó mà chúng ta gặp phải trên đường đời, nếu được đón nhận bằng đức tin, sẽ được coi như sự sửa dạy của Chúa để chúng ta nên con người hoàn thiện. Mà nếu Chúa sửa dạy ai, là vì Ngài yêu thương người đó và muốn kéo người đó lên kẻo họ chìm sâu trong ô nhơ tục lụy.

Sự đảo ngược

Tin Mừng lại viết, “Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Trong khi trên thực tế những người được nghe giảng dạy lại bị từ chối? Có thể với sự “ngủ quên trong gốc gác”, người Do Thái không được coi là những “kẻ bé mọn” (Mt 11,25) khiến họ phải ở ngoài. Những điều huyền diệu của “Mầu Nhiệm Nước Trời” được tỏ lộ ra cho mọi người, nhưng chỉ ai nghèo hèn bé mọn, những kẻ không có gì, mới có thể đón nhận những điều sâu nhiệm của Nước Trời. Thái độ coi mình là dân duy nhất được Chúa chọn vô tình khiến người Do Thái không còn khả năng đón nhận lời của Chúa. Họ cứ ngỡ mình đang ở trong, nhưng thực ra lại đang ở ngoài.

Gặp gỡ Chúa Giêsu, sống nên một với Ngài, là phải biến đổi mình, thành kẻ bé mọn. Đức Giêsu hoàn toàn ra không, hoàn toàn bé mọn, nên Tình Yêu từ Thánh Giá và Phục Sinh mới tuôn trào chan chứa. Nếu gặp gỡ, ăn uống với Chúa Giêsu, mà chưa qua cửa hẹp, chưa biết tự hủy, thì chắc hẳn, chưa gặp Ngài.

Trở nên kẻ bé mọn có lẽ không mấy hệ tại ở những lễ nghi hoành tráng, những cuộc rước linh đình, hay những nhà thờ được xây cất đồ sộ… Trở nên bé mọn là sự hoà giải, kéo lại cho gần, giữa những niềm riêng với điều phổ quát, giữa không gian của kiếp lưu đày với thời gian sử tính của phận người, giữa cái giới hạn của ngã vị với cái tuyệt đối của huyền nhiệm con người được tặng ban, soi tìm lại cái thiên lương tản mạc vì gió lốc thời cuộc dập vùi. Nhờ đó, bao con tim được hòa giải, để bên kia cái xô bồ, người ta vẫn còn nhận ra một nhân sinh quan đem lại hi vọng và tương lai.

Cho nên, nhiều người từ đông chí tây, từ bắc chí nam, tưởng như chưa hề gặp, chưa hề tuyên xưng mình là môn đệ Chúa Giêsu, chẳng dán mác gì, có khi còn rất “bên ngoài”, chẳng chung đường với chúng ta, nhưng một khi đã qua cửa hẹp, đã biến mình ra không, đã để cho ngọn gió và lửa tình yêu của trời đất tuôn chảy nơi con người trống không, thì họ lại là kẻ đồng bàn trong Nước Thiên Chúa. Họ tưởng như những người sau hết, lại trở nên trước hết.

Lời Chúa  hôm nay cũng như một lời nhắc nhở để mỗi người có sự quân bình trong cái nhìn về mầu nhiệm Nước Trời, tránh để mình rơi vào lối nghĩ: “cửa hẹp ấy mà, đâu mấy người được cứu, mình là gì mà dám hy vọng”; đàng khác, cũng tránh thái độ chủ quan rằng: “khắp mọi miền người ta vào dự tiệc Nước Chúa, mình sống đạo mà, rửa tội rồi mà, thế nào chẳng có phần”.

Thiên đàng có cửa, để vào được cửa Thiên đàng phải phấn đấu với rất nhiều cố gắng và quyết tâm nỗ lực… Cửa hẹp mà vào được thì mới quý, mới hãnh diện. “Hãy chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào” là lời mời gọi mang tính hiện sinh thúc giục người tín hữu bước theo Đức Kitô trên đàng nhân đức. Ai chấp nhận đi qua cửa hẹp, trở nên những người khiêm nhường thì như lời Thánh Phaolô: “sẽ gặt được hoa trái là bình an và công chính”.

Tác giả: Đức Hữu

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập451
  • Máy chủ tìm kiếm83
  • Khách viếng thăm368
  • Hôm nay50,851
  • Tháng hiện tại911,212
  • Tổng lượt truy cập78,914,663
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây