THỨ NĂM TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN
Lc 7,36-50
“Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47).
Bài Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giêsu đến nhà một người Pharisêu có tên là Simon dùng bữa. Biết vậy, một người phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Đức Giêsu mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người, lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Người Pharisêu thấy vậy liền nghĩ trong bụng rằng nếu Đức Giêsu là ngôn sứ thì hẳn Người phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi. Đức Giêsu biết ông nghĩ vậy liền gọi ông và bảo: Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người nợ năm chục. Vì cả hai không có gì để trả nên chủ tha cho cả hai. Vậy ai mến chủ nợ hơn? Ông chủ nhà Simon đáp: Người đã được tha nhiều hơn. Đức Giêsu bảo: Ông xét đúng lắm.
Rồi quay về phía người phụ nữ, Đức Giêsu nói với ông Simon về việc chính ông đã tiếp đón mình hết sức bình thường và đơn giản. Trái lại, người phụ nữ đã đối xử hết sức trang trọng, nặng tình nặng nghĩa với Người hết sức như dã thấy trên đây. Vì thế, Đức Giêsu nói: Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.
Chị phụ nữ này yêu mến nhiều vì đã được tha nhiều. Còn ai và cụ thể là ông chủ Pharisêu có tên là Simon này, yêu mến ít vì được tha ít. Câu nói xem ra có vẻ như nói ngược nhưng thực ra lại không ngược chút nào cả! Vì sao?
Vì như những gì Tin mừng thuật lại, có vẻ như người phụ nữ đã yêu mến nhiều, cụ thể đã chủ động tìm đến với Đức Giêsu và thể hiện sự quý mến, trân trọng khi dùng nước mắt mà rửa chân Chúa, lấy tóc mình mà lau chân Chúa và lấy dầu thơm mà sức chân Chúa nên mới được Chúa tha cho bà nhiều. Người nói: “Tội của chị đã được tha rồi” (Lc 7,48). Có vẻ như việc tha thứ của Chúa đến sau, như là hậu quả của việc chị này đã có những nỗ lực tuyệt vời: cam đảm và quảng đại đối với Chúa (tự mình tìm đến nhà một người Pharisêu, khóc, lấy tóc mà lau, lấy dầu thơm đắt tiền mà đổ lên chân Chúa).
Nhưng thật ra, đúng như Chúa đã nói: Sở dĩ chị có thể yêu mến nhiều như vậy là vì trước đó chị đã được tha thứ nhiều rồi, tha thứ trước đó rồi. Làm sao lại có thể như vậy được? Thưa, đúng là bể ngoài như bài Tin mừng cho thấy người phụ nữ chủ động tìm đến Đức Giêsu và sau khi thể hiện tình yêu chị ta dành cho Chúa, Chúa mới nói với chị ta là tội chị đã được tha. Nhưng sở dĩ chị ta dám đến với Chúa là vì chị tin như cuối bài Tin mừng Chúa Giêsu đã nói với chị: “Lòng tin của chị đã cứu chị” (Lc 7,50). Lòng tin ấy là gì? Chị tin rằng Chúa nhân hậu, giàu lòng từ bi và thương xót. Chị tin rằng Chúa không xua đuổi, xa lánh chị khi chị đến với Người. Chị tin rằng Chúa sẽ bảo vệ chị trước sự tấn công hay con mắt tấn công, dò xét của người Pharisêu. Chính niềm tin mạnh mẽ ấy đã khiến chị có đủ can đảm và quảng đại mà đến với Chúa và thể hiện với Chúa ngay cả trước mặt mọi người mà không hổ thẹn, không sợ hãi. Trước khi đến với Chúa, chị đã tin Chúa chấp nhận chị, tha thứ cho chị.
Điều quan trọng là niềm tin của chị về Chúa là thật. Vì quả vậy, Chúa là đấng giàu lòng xót thương và tha thứ. Đến gặp Chúa, chị đã được Chúa đã đón nhận. Chúa đã tha thứ cho chị. Chúa lại cũng cho phép chị diễn tả niềm tin, tình mến và lòng biết ơn của chị dành cho Chúa, vị ân nhân của chị, như lòng chị ước mong. Chính Chúa Giêsu đã xác nhận điều này khi Ngài gọi ông Pharisêu Simon riêng ra và nói: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông, nước lã ông không đổ lên chân tôi, còn người phụ nữ này lấy nước mắt mà tưới ướt chân tôi...” (Lc 7, 44-46). Rồi cuối cùng, Người đã kết luận: “Tội của chị rất nhiều nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47).
Như vậy, việc yêu mến nhiều là bằng cớ của việc được tha thứ nhiều. Nói cách khác, nhờ được tha thứ nhiều mà người được tha mới có khả năng yêu mến nhiều, mới có khả năng diễn tả lòng yêu mến ấy ra cụ thể, sống động và thuyết phục được. Yêu là bằng chứng của người được yêu, được tha thứ. Amen.