Lễ Mẹ Sầu Bi
Hr 5,7-9; Ga 19,25-27; Lc 2,33-35
Hôm qua, Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Con, nay mừng Mẹ; hôm qua suy tôn Chúa Con, nay suy tôn Thân Mẫu Người; hôm qua suy tôn Con Mẹ trên Thánh Giá, nay Suy Tôn Mẹ với 7 sự đớn đau…
Nếu như Con Mẹ đã xin Chúa Cha tôn vinh mình, Con Mẹ cũng xin Chúa Cha tôn vinh Mẹ Mình, bởi Mẹ đã rong ruổi cùng Con Mẹ, từ hai tiếng Xin vâng đến tận đỉnh đồi Cal-vê. Nếu vinh quang mà Con Mẹ có được là vinh quang đến từ Thập giá, thì vinh quang Mẹ nhận được cũng tháp mình vào Thập giá Con Yêu.
Thập giá của Mẹ được diễn tả thống thiết trong ngắm 7 sự đau đớn: lòng Đức Mẹ lo buồn và đau đớn, những thâu đêm than khóc thảm thiết, hai con mắt như 2 suối nước, như phải dao sắc thâu qua lòng vậy…
Tại sao lại có những hình ảnh diễn tả trái tim tan nát như thế, nếu không phải là tình mẫu tử, tình Mẹ thương con. Thương nên mới đau, mới khổ, dù không làm gì để giúp con khỏi đau, không có cách nào giúp con bớt khổ. Vì thương con nên Mẹ muốn mang lấy trái tim thổn thức về sứ mạng Con Mẹ đã nhận lãnh từ Chúa Cha, dầu Mẹ không hiểu. Vì thương con, Mẹ muốn theo sát bước đường rao giảng của Con yêu. Vì thương con, tâm trạng Mẹ rối bời khi lắm kẻ nhiều phen đồn đại, vu khống đủ điều, ủ mưu thâm độc cùng những tiếng thét gào đòi giết con, Mẹ nghe mà tái tê cõi lòng.
Ngay cả đến những môn đệ thân tín nhất cũng tráo trở bỏ mặc Con Mẹ mà đi. Khi nhìn con Mẹ vác Thánh giá đến hụt hơi, lê bước, cũng những lằn roi dúi dụi không tiếc thương, thì nỗi đau ấy đã ngụp lút tâm hồn Mẹ. Và cuối cùng là hình ảnh Mẹ đứng nhìn Con Mẹ tất tưởi trên Thập giá đã được biết bao nhạc sĩ thêu dệt tấn bi kịch tột cùng: Ngày xưa bên Thánh giá, Mẹ lặng nhìn con thân yêu, 2 tay giang giữa trời, ôm bao nhiêu nỗi đời, Mẹ cùng con đau khổ trăm chiều.
Cũng vì thương con nên bóng dáng của Người Mẹ luôn có trong mỗi chặng đàng thánh giá. Mẹ không đau sao được khi cụ già Si-mê-on tiên báo: Con trẻ này là dấu hiệu bị người đời chống báng. Còn chính Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà (Lc 2,34-35). Về điều này, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II chú giải: “Những lời của cụ Si-mê-on giống như một cuộc Truyền Tin lần thứ hai cho Đức Maria… Những lời ấy cũng cho Mẹ biết Mẹ sẽ phải sống cuộc đời vâng phục đức tin trong đau khổ sát kề Đấng cứu độ, và chức vụ hiền mẫu của Mẹ là một chức vụ đầy mầu nhiệm và đau thương.”
Mừng lễ Mẹ Sầu Bi, Giáo Hội mời gọi ai nấy hãy tháp nhập cuộc đời mình với mầu nhiệm đau thương của Mẹ, mầu nhiệm gắn liền với Thập giá Con Mẹ. Thập giá ấy không gì khác hơn là chính những bổn phận của mỗi người, là những hắt hủi vô tâm, tệ bạc, những chà đạp phẩm giá của vợ chồng, con cái, cha mẹ; chất lên nhau những gánh nặng chồng chất, bắt người khác vác thay thập giá đáng lý mình phải vác…
Khi suy ngắm về biến cố lạc mất con trong Đền thờ, thì ngày nay chúng ta cũng nhiều lần lạc mất trong sự khủng hoảng của Đức tin, những khi tâm hồn khô khan, nguội lạnh, tưởng chừng như muốn bỏ cuộc, như muốn trao thân gửi phận cho sa-tan hoành hành.
Những lúc ấy, chúng ta hãy thân thưa với Mẹ: Lạy Nữ Vương gia đình, Mẹ ở đây với chúng con, vui buồn sướng khổ, Mẹ con cùng nhau chia sẻ. Xa Mẹ chúng con biết cậy trông ai. Đời chúng con gian nan khổ sở lắm, gia đình chúng con long đong tối ngày, nhưng có Mẹ ở bên chúng con, chúng con thấy quên hết ưu phiền, vui sống qua kiếp lưu đày, mong ngày sau sung sướng cùng Mẹ muôn đời trên Thiên Đàng.
Mừng lễ Mẹ Sầu Bi, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm khổ đau của Mẹ trong việc Mẹ thông phần với khổ đau của Chúa Giêsu, Con Mẹ, đồng thời suy gẫm về hành trình đón nhận khổ đau của chính chúng ta trong cuộc đời này. Xin cho chúng ta biết noi gương Mẹ mà thông phần thập giá với Chúa Giêsu để khổ đau thập giá đời ta cũng trở nên thập giá đem lại phúc trường sinh. Amen!