Vươn lòng lên cao

Thứ bảy - 11/05/2024 06:39  1167
 

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH năm B: Lễ THĂNG THIÊN

Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Mc 16,15-20


 

68b10dac8a5f1d42fa86e72de35851e4

Hôm nay Chúa lên Trời cao vời vợi
Xin nâng lòng nhân thế mãi vươn cao
(Thánh Thi Kinh Sáng Lễ Thăng Thiên)

Trong con người chúng ta có hai khuynh hướng đối nghịch nhau: khuynh hướng thượng và khuynh hướng hạ. Nếu khuynh hướng thượng hướng chúng ta lên những điều cao thượng, tốt lành, thánh thiện, thì ngược lại, khuynh hướng hạ kéo ghì chúng ta xuống những điều phàm tục, xấu xa, tội lụy. Mọi nền đạo đức luân lý phải giúp cho “lòng nhân thế mãi vương cao” để sống cao thượng hơn, nhân đức hơn, tốt đẹp hơn.

Lễ Chúa Thăng Thiên hướng lòng chúng ta lên cao, vươn lên khỏi những trói buộc của thế gian và những giới hạn của phận người, để chú tâm về cùng đích của cuộc đời: trời cao. Trời cao ở đâu? Trời cao không là một nơi chốn mà là một tình trạng trong đó vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện. Bất cứ khi nào và nơi đâu vinh quang Thiên Chúa tỏ hiện, “trời” (Nước Thiên Chúa) hiện diện tại đó. Vì thế, “ái mộ sự trên trời” là nỗ lực làm vinh danh Chúa ngang qua cuộc sống của mình, cách cụ thể là tôn vinh Thiên Chúa nơi con người và cuộc sống chúng ta.

Người lên trời

Đây là một kiểu nói hình tượng về một sự kiện Chúa Giêsu được tôn vinh, được siêu thăng. “Lên trời” không có nghĩa là Ngài thay đổi vị trí cư ngụ, bay lên một địa chỉ nào khác trên không trung, nhưng là Ngài thay đổi cách hiện diện, “đánh dấu việc nhân tính của Chúa Giêsu vĩnh viễn tiến vào quyền năng thiên giới của Thiên Chúa” (GLCG 665), nghĩa là hiện diện hoàn toàn như Thiên Chúa: siêu hình và phổ quát, không còn bị giới hạn bởi không gian và thời gian, không còn bị chi phối bởi những định luật vật lý và điều kiện nhân tính. Vì thế, Chúa lên trời không có nghĩa là “vắng mặt” hoặc xa cách chúng ta, nhưng là hiện diện một cách thâm sâu, tròn đầy và mãnh liệt hơn trong cuộc sống của chúng ta.

Ở một góc nhìn khác, “lên trời” có nghĩa là Chúa Giêsu đã hoàn tất cuộc vượt qua của Ngài, hoàn thành công trình cứu chuộc ở trần gian, giờ đây Ngài được vinh thăng toàn quyền trên trời dưới đất, khai mở triều đại Nước Thiên Chúa, trở thành Đấng xét xử trần gian và là Chúa muôn loài. Ngài trở thành Đấng trung gian cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa Cha và là Thủ lãnh dẫn chúng ta vào thiên quốc. (xem Kinh Tiền Tụng lễ Thăng Thiên và Bài đọc 2). Với biến cố thăng thiên, vinh quang còn bị che giấu dưới những nét nhân tính thông thường của Ngài đã được chuyển đổi thành vinh quang toàn diện thần linh vĩnh viễn, tượng trưng qua đám mây và trời (xem GLHTCG 659-660). 

Con mắt tâm hồn

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô cầu xin cho chúng ta được con mắt tâm hồn sáng suốt để phân định. Đây quả thực là điều quan trọng, vì trong cuộc sống, con mắt tâm hồn chúng ta thường bị mù quáng bởi những thứ hào nhoáng trần gian. Cổ nhân từng nói: “Người quân tử chỉ thấy điều nghĩa, kẻ tiểu nhân chỉ thấy cái lợi”. Vinh hoa phú quý, tiền tài danh vọng, quyền hành lạc thú luôn có thể là những bóng đen làm lu mờ con mắt tâm hồn chúng ta.

Cần có đức tin dẫn lối đưa đường để con mắt tâm hồn được sáng suốt. Vươn lòng lên cao mỗi ngày để lòng trí không nặng nề, để tâm hồn thanh thoát bước đi trên đường chân lý. Hướng thượng, hướng lên cao, không có nghĩa là “đứng nhìn trời” để xao lãng những bổn phận trần thế, nhưng là để khuynh hướng hạ không kéo ghì chúng ta xuống, giúp chúng ta dám sống những giá trị Phúc Âm và làm chứng về những giá trị đó trong cuộc sống thường ngày.

Vươn lòng lên cao

Làm thế nào để vươn lòng lên cao? Trước hết, hãy xác định mục đích sống của mình. Chúng ta sống ở đời này để làm gì? Không xác định mục đích sống, sẽ không xác định được đường đi, không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Điều đáng ngại cho chúng ta là khuynh hướng sống vội, sống nhạt, “sống qua ngày, chờ qua đời” đang khá phổ biến! Đặt vấn đề mục đích sống đới với một số người là câu chuyện “hại não”.

Mỗi Kitô hữu là một “dấu chỉ” để hướng lòng mọi người lên cao. Con người có một phẩm giá và vận mệnh cao cả. Không ai tình cờ có mặt trong cuộc đời này. Không ai là sống thừa, không ai sinh ra “buồn nôn” và chết đi vô nghĩa. Mỗi người là một tác phẩm của tình yêu Thiên Chúa, họ được sinh ra làm người để thông chia sự sống, tình yêu và hạnh phúc của Thiên Chúa, để rồi, khi kết thúc cuộc sống trần gian, trở về với sự sống, tình yêu và hạnh phúc viên mãn với Chúa trên trời.

                                                                           ***       
                           

Phụng vụ lễ Thăng Thiên củng cố niềm tin của chúng ta vào quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn thành cuộc chiến thắng trên ma quỷ, tội lỗi và sự chết. Ngài đang hiện diện cách thâm sâu và uy quyền để chuyển cầu cho chúng ta và nâng đỡ chúng ta trong hành trình tiến về thiên quốc.

Là những Kitô hữu, chúng ta được mời gọi hướng lòng về quê hương đích thực trên trời và góp phần mình dọn đường cho mọi người tiến về quê hương vĩnh cửu. Cuộc dọn đường ấy thể hiện qua định hướng sống và nỗ lực dấn thân làm việc thiện trong cuộc sống. Càng nỗ lực cho tình yêu, sự sống, lẽ công chính, bình an, hiệp nhất và hoan lạc trong Thánh Thần, chúng ta càng chứng tỏ lòng mình vươn cao lên tận cõi trời.


 

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm31
  • Khách viếng thăm20
  • Hôm nay13,673
  • Tháng hiện tại345,171
  • Tổng lượt truy cập76,053,437
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây