Tràn đầy Thánh Thần

Thứ sáu - 17/05/2024 20:15  1450
 

Lễ HIỆN XUỐNG

Cv  2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 7,37-39

 

spei 0002

« Nếu không có Chúa Thánh Thần, thì Thiên Chúa ở xa, Chúa Kitô vẫn còn trong quá khứ, Tin Mừng là một chữ chết, Giáo hội chỉ là một tổ chức, quyền bính là thống trị, truyền giáo là tuyên truyền, phụng tự là hồi tưởng, hành động Kitô hữu là một luân lý nô lệ.

Nhưng, với Chúa Thánh Thần, vũ trụ được nâng lên và rên xiết trong sự khai sinh của Nước Trời, con người đấu tranh với xác thịt, Chúa Kitô phục sinh đang ở đó, Tin Mừng là sức mạnh của sự sống, Giáo hội có nghĩa là sự hiệp thông Ba Ngôi, quyền bính là sự phục vụ giải thoát, truyền giáo là một lễ Hiện Xuống, phụng vụ là tưởng nhớ và thưởng nếm trước, hành  động của con người được thần hóa»

 
(Đức Trưởng Giáo chủ Ignatios de Lataquié)

Chúa Thánh Thần được gọi là Thiên Chúa Ẩn Mình, là Đấng hay bị lãng quên. Ngài là Đấng Ẩn Mình vì tuy Ngài hoạt động trong Giáo hội và thế giới, nhưng Ngài không tỏ hiện hữu hình như Chúa Con, mà chỉ hoạt động cách vô hình nơi Ngôi Vị của Ngài. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nhận biết Ngài qua những hiệu năng bởi sự hiện diện và hành động của Ngài nơi chúng ta và trên thế giới. Tiếc là, vì Ngài ẩn mình, nên Ngài cũng là Đấng hay bị lãng quên!

Lễ Hiện Xuống là dịp chúng ta tái khám phá sự hiện diện của Chúa Thánh Thần để nhờ đó đời sống đức tin của chúng ta trở nên tươi mới và năng động hơn. Các bài đọc Kinh Thánh hôm  nay giúp chúng ta phần nào khám phá sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần qua ba biểu tượng (gió, lửa, ngôn ngữ), qua sự hiệp nhất và qua sứ mạng truyền giáo.

Gió, lửa, tiếng lạ

Gió biểu lộ sức mạnh thần linh nơi hoạt động của Chúa Thánh Thần, đó là động năng siêu nhiên qua đó Thiên Chúa biến đổi chúng ta từ bên trong và thánh hóa chúng ta. Chúng ta không thấy gió bằng mắt thường, nhưng có thể cảm nhận được tác động của gió. Tương tự như thế, chúng ta không nhìn thấy Chúa Thánh Thần, vì Ngài không nhập thể như Chúa Con, nhưng chúng ta có thể nhận biết Ngài qua các hiệu quả do Ngài hoạt động nơi chúng ta. Những hiệu quả đó là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ... (x. Gl 5,22-23).

Lửa biểu tượng cho nguồn mạch hơi ấm và ánh sáng, diễn tả Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi và soi sáng chúng ta. Trong Kinh Chúa Thánh Thần, chúng ta đọc Chúa Thánh Thần là Đấng “đốt lửa kính mến trong lòng chúng ta”, “ yên ủi dạy dỗ chúng ta làm những việc lành”. Lửa tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa (bụi gai bốc cháy) và tình yêu của Ngài, tình yêu mà Thiên Chúa “đã đổ vào lòng chúng ta nhờ Thần Khí mà Ngài ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Lửa thì mạnh mẽ và lan tỏa. Lửa trong ngày lễ Ngũ Tuần đã làm cho các tông đồ tràn đầy sức mạnh và nhiệt huyết để nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và sẵn sàng đón nhận mọi hy sinh, kể cả hy sinh mạng sống vì Tin Mừng.

Một dấu hiệu khác là ơn nói nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khi các tông đồ rao giảng, mọi người ở Giêrusalem đều nghe thấy tiếng thổ ngữ của mình. Đây là đặc sủng ngôn ngữ, nói tiếng lạ hoặc hiểu tiếng lạ, mà Chúa Thánh Thần ban cho người nói và người nghe. Nếu tháp Babel xưa bị sụp đổ vì bất đồng ngôn ngữ, nay nhờ Chúa Thánh Thần, mọi ngôn ngữ, chủng tộc, quốc gia và văn hóa đều hiệp nhất với nhau. Phép lạ này cho thấy Chúa Thánh Thần là nguồn mạch sự hiệp nhất của Giáo hội. Ngài làm cho chúng ta nên một với Chúa Giêsu Kitô và kết hợp chúng ta trong sự hiệp nhất của Chúa Con với Chúa Cha. Qua Giáo hội, Ngài sẽ quy tụ muôn dân về một mối.

Trong một Thánh Thần

Nơi bài đọc 2, thánh Phaolô nhấn mạnh cho chúng ta vai trò hiệp nhất của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài giúp chúng ta nhận biết Chúa Giêsu là Chúa  và giúp chúng ta nên một với nhau nhờ cùng một đức tin và một phép rửa. Thật vậy, nhờ bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta trở thành chi thể của thân thể mầu nhiệm là Hội thánh, do Chúa Kitô là Đầu. Vì thế, các tín hữu cần hiệp nhất với Chúa Kitô và anh chị em mình, như chi thể luôn gắn kết với thân mình duy nhất.

Trong Hội thánh, Chúa Thánh Thần ban cho nhiều đặc sủng, nhưng đều vì lợi ích chung. Sự xuất hiện của Thánh Thần được ban cho mỗi người tùy vào lợi ích chung. Điều này hướng chúng ta đến tâm tình biết ơn không những vì những đặc sủng Chúa ban cho mình mà còn cả vì những đặc sủng Chúa ban cho những người khác nữa. Cộng đoàn sẽ hiệp nhất biết bao nếu mỗi người đều nhìn nhận các ân sủng, chức vụ, công việc của nhau như là ơn ban chung cho cộng đoàn, chứ không phải là ích lợi riêng để vênh vang hay ganh ghét.

Thổi hơi và sai đi

Chúa Thánh Thần là tác nhân siêu việt và chính yếu của sứ mạng truyền giáo (xem Redemptoris Missio, chương 3). Chúa Giêsu cho thấy vai trò của Chúa Thánh Thần qua hành động “thổi hơi” trên các tông đồ và truyền dạy các ông: “Hãy nhận lấy Thánh Thần” cùng với việc sai đi. Sứ mạng ấy chính yếu là trao ban bình an và ơn cứu độ. Điều này đều nhờ vào ơn Thánh Thần hoạt động, vì hoa trái của Thánh Thần là bình an và thánh thiện.

Chúa Thánh Thần giúp các tông đồ thoát khỏi sự sợ hãi nhát đảm, thoát khỏi những cánh cửa đóng kín, để can đảm và hăng say lên đường cho sứ mạng truyền giáo. Ngài là nguồn mạch của năng động truyền giáo, truyền cảm hứng và sức mạnh cho các tâm hồn đang còn do dự hay khép kín trong vùng an toàn của mình. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo hội đi ra, đến với vùng ngoại biên đang chờ được đón nhận ánh sáng Tin Mừng.

                                                                           ***                   
               

Với phụng vụ Lễ Hiện Xuống hôm nay, chúng ta một lần nữa tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần “là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. Chúng ta xin Ngài “xuống đầy lòng” chúng ta, để “đốt lửa kính mến’ trong lòng chúng ta, “sửa lại mọi sự trong ngoài” chúng ta, yên ủi dạy dỗ chúng ta làm những việc lành…

Đặc biệt, chúng ta cầu xin một lễ Hiện Xuống mới trong Hội thánh, để mọi người chúng ta ngày càng đi vào tiến trình hiệp hành (hiệp thông-tham gia-sứ vụ), nhất là biết chân thành gặp gỡ, khiêm tốn lắng nghe, nghiêm túc phân định, để Hội thánh ngày càng hiệp nhất và bình an, tỏa lan vẻ đẹp và niềm vui Tin Mừng cho mọi dân, mọi nước.

Nếu như lễ Phục Sinh nhắc nhớ chúng ta về bí tích Rửa tội, thì lễ Hiện Xuống kêu mời chúng ta sống Bí tích Thêm Sức. Chúng ta đã lãnh nhận đầy ơn Chúa Thánh Thần qua bí tích này, nên cần sống đạo một cách trưởng thành hơn qua việc tham gia tích cực vào đời sống Giáo hội và nhiệt thành truyền giáo.


 
Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan,
và chữa cho lành nơi thương tích.

Xin uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng,
chỉnh đốn lại chỗ trật đường.

Xin Chúa ban cho các tín hữu,
là những người tin cậy Chúa, được ơn bảy nguồn.

Xin ban cho họ được huân nghiệp nhân đức,
được hạnh phúc cứu độ và được hoan hỉ đời đời.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng họ.
(Ca tiếp liên và câu xướng trước Tin Mừng)



 

Tác giả: Lm. Đaminh Trần Ngọc Đăng

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập415
  • Máy chủ tìm kiếm23
  • Khách viếng thăm392
  • Hôm nay44,320
  • Tháng hiện tại904,681
  • Tổng lượt truy cập78,908,132
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây