Vấn đề xét đoán trong đời sống
Thứ năm - 03/09/2020 10:42
1197
Xét đoán là khả năng xem xét, nhận định đánh giá của con người trước một biến cố, sự kiện, sự vật…. Đây là một việc làm thường xuyên trong các sinh hoạt đời sống con người. Tuy nhiên, không phải mọi xét đoán đều đúng và có giá trị bởi ở mỗi góc nhìn và những dữ liệu thông tin khác nhau và khả năng hiểu biết của chủ thể khác nhau, người ta sẽ đưa ra những nhận xét khác nhau. Các bài đọc Lời Chúa Thứ Sáu Tuần XXII TN vạch ra các loại xét đoán thường gặp trong đời sống của ta và chỉ ra giá trị đúng sai của nó.
Trong bài đọc I (1 Cr 4,1-5), thánh Phaolô đã tự giới thiệu mình không phải là nhà lãnh đạo mà là “người đầy tớ” hay “người quản gia” của Thiên Chúa. Theo thánh Phaolô, người đầy tớ cần phải làm theo ý chủ khi được ra lệnh. Đặc tính của người đầy tớ là phải trung tín và đáng tin cậy, vì chủ đã đặt trọn niềm tin nơi ông. Do đó, người đầy tớ sẽ bị xét đoán từ ba nguồn khác nhau. Nguồn thứ nhất là bởi người đời; nguồn thứ hai là bởi chính mình; và nguồn thứ ba là bởi chính Thiên Chúa. Trong ba nguồn trên, những xét đoán từ hai nguồn đầu mặc dù rất cần thiết cho tiến trình hoàn thiện bản thân; nhưng không phải là những xét đoán hoàn hảo vì vẫn có khả năng sai lầm do yếu tố chủ quan, hay bởi lòng ghen tỵ, hay tính tự mãn tự, kiêu ngạo đánh lừa. Chỉ có những nhận xét đến từ Thiên Chúa mới đúng và hoàn hảo.
Thánh Phao lô muốn chúng ta lưu tâm tới nhận xét của Thiên Chúa bởi vì chỉ mình Ngài biết mọi hoàn cảnh liên quan tới việc làm của chúng ta; Chỉ mình Ngài nhìn thấu những lý do tại sao chúng ta làm những việc đó; Và chỉ Thiên Chúa không bị chi phối bởi bất kỳ giới hạn nào như con người. Vì những lý do này nên Thánh Phaolô khuyên: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.”
Trong bài Tin Mừng, các Biệt phái và Kinh sư xét đoán Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài về vấn đề ăn chay và cầu nguyện. Đối với họ, cầu nguyện và ăn chay là hai tiêu chuẩn dùng để xét đoán con người có đạo đức hay không, và một cách gián tiếp, đánh giá người Thầy của các môn đệ đó. Bằng một câu nói, họ đã xét đoán và kết tội Chúa và các môn đệ của Ngài là những người không đạo đức vì mê ăn uống. Họ nói với Người: "Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Biệt-phái cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống!" Thấu hiểu được bụng dạ hẹp hòi của họ, Đức Giê su chỉ cho họ biết ý nghĩa đích thực của việc ăn chay và cầu nguyện không phải dừng lại ở việc đạo đức theo tiêu chuẩn con người nhưng là để dâng chính ban thân mình và tha thiết cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Sở dĩ, các môn đệ không cần phải ăn chay vì họ đang có Chúa hiện diện giữa họ. Chàng rể là Chúa Giêsu và khách dự tiệc là những môn đệ của Chúa. Sẽ có ngày Chúa Giêsu rời bỏ các môn đệ, lúc đó họ sẽ ăn chay.
Nhìn vào đời sống cá nhân, rất nhiều lần chúng ta xét đoán, kết tội tha nhân, tổ chức, hội đoàn khi chưa có đủ chứng cứ. Chúng ta nên biết rằng “nhân vô thập toàn”. Chúng ta chỉ là những con người giới hạn và yếu hèn. Do đó, chúng ta đừng quá chú trọng đến những lời phê bình chỉ trích của tha nhân cũng đừng quá chắc chắn với lối nhìn chủ quan của mình. Chỉ có phán xét của Thiên Chúa mới hoàn toàn đúng. Do đó chúng ta hãy can đảm sống chân thành trước sự hiện diện yêu thương của Ngài. Ngoài ra, chúng ta không nên khép kín, mù quáng bảo vệ tất cả cái cũ, nhưng cũng đừng mang thái độ “có mới nới cũ.” Trái lại, Chúng ta cần khôn ngoan đổi mới tâm hồn để mở lòng tiếp nhận cái mới tốt và có can đảm để vứt đi những cái cũ xấu theo tinh thần của Chúa. Vì rượu mới thì phải đổ vào bầu mới.
Tác giả: Nhóm suy niệm BC