Sống căn tính kitô hữu giữa dòng đời này

Thứ sáu - 28/08/2020 19:51  1477
TUẦN 22
Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 21,16-27

disc exp pmpAnh chị em thân mến,
Là kitô hữu nhiều năm rồi, nhưng có bao giờ chúng ta ngồi xuống thinh lặng và tự hỏi căn tính kitô của tôi là gì? Tôi đã sống căn tính ấy ra sao giữa dòng chảy xiết của cuộc đời này? Tôi sống theo mẫu mực nào cho đời sống đức tin kitô hữu của tôi? Đã có lần nào chúng ta thất vọng vì không tìm ra những câu trả lời thích đáng cho những câu hỏi như vậy và rồi chúng ta để mặc cho đức tin kitô hữu của tôi trôi dạt theo năm tháng? Có khi nào chúng ta chủ trương rằng sống đức tin kitô chỉ còn lại là giữ những luật lệ và đi nhà thờ mỗi Chúa Nhật là xong chuyện? Cuộc đời của ngôn sứ Giêrêmia và của Đức Giêsu chính là câu trả lời xác đáng nhất cho căn tính kitô hữu và cách sống đạo của mỗi chúng ta.

Giêrêmia là một ngôn sứ vĩ đại trong thời Cựu Ước. Ông được Thiên Chúa quyến rũ và ông để cho Thiên Chúa quyến rũ vì Thiên Chúa mạnh hơn ông và Ngài đã thắng ông. Vì làm ngôn sứ của Thiên Chúa nên ông chấp nhận nên trò cười cho thiên hạ, bị nhạo báng, chê cười và chế giễu suốt ngày. Ông phải chịu như thế vì theo yêu cầu của Thiên Chúa, mỗi lần nói năng ông phải la lớn tiếng “Bạo tàn! Phá hủy!” Đã có nhiều lần ông định thoái lui để không còn phải nghĩ đến Thiên Chúa, không còn phải nói nhân danh Thiên Chúa nữa. Tuy nhiên, ông đã không thể làm được điều này vì tình yêu của ông dành cho Thiên Chúa và lời của Ngài “Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, âm ỉ trong xương cốt”, và rồi cuối cùng Giêrêmia đã trung thành với Thiên Chúa đến cùng.

Ơn gọi và sứ mạng ngôn sứ của Giêrêmia báo trước cho ơn gọi và sứ mạng của Đức Giêsu. Ngài được Phêrô tuyên xưng là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa. Ngài là Đấng Kitô và Con Thiên Chúa không theo quan niệm của người Do Thái và các tông đồ. Ngài là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa theo nghĩa Ngài phải lên Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ do các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi chịu giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Như vậy, để thi hành vai trò Kitô, Đấng Cứu Thế và con Thiên Chúa, Đức Giêsu phải mang lấy mọi khổ đau và chấp nhận cái chết nhục nhã nhất trên thập giá do chính những người cần được cứu độ đã gây ra cho chính Ngài. Thánh Phêrô và các tông đồ đã không hiểu được thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa nên đã kéo Đức Giêsu ra mà can ngăn “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.” Nhưng vì đây là kế hoạch cứu độ đã được Thiên Chúa dự liệu nên Đức Giêsu đã can đảm chu toàn.

Ơn gọi và sứ mạng của Giêrêmia cũng như của Đức Giêsu là mẫu mực cho ơn gọi làm môn đệ của chúng ta đối với Đức Giêsu. Muốn làm ngôn sứ cho Thiên Chúa hay muốn làm môn đệ cho Đức Giêsu, người kitô hữu phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo, phải hy sinh mạng sống mình vì Đức Giêsu, phải chấp nhận thiệt mất sự sống và phải từ bỏ cả thế gian này. Chính Đức Giêsu đã nói với các môn đệ như vậy “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy.” Từ bỏ, hy sinh và dâng hiến chính là dấu hiệu của một tình yêu mãnh liệt. Nếu chúng ta hết lòng yêu mến Đức Giêsu, thì chúng ta không ngại từ bỏ, hy sinh và dâng hiến cho Ngài. Hơn nữa, việc hy sinh, từ bỏ và dâng hiến của chúng ta không vô ích vì đổi lại chúng ta giữ được mạng sống mình cho đời sau. Đức Giêsu đã hứa ở cuối đoạn Tin Mừng “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng với việc họ làm.”

Được gọi làm ngôn sứ cho Thiên Chúa và làm môn đệ của Đức Giêsu, người kitô không khỏi băn khoăn tự hỏi “tôi phải có thái độ sống thế nào cho phù hợp với ơn gọi của mình và sống ra sao để sứ mạng được trao phó dễ dàng được thực hiện?” Thánh Phaolô đã trả lời thật rõ ràng trong thư gửi tín hữu Rm “Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.” Của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa chính là không rập theo thói đời này, là đổi mới tâm thần để nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, biết phân biệt cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Thiên Chúa, cái gì hoàn hảo. Thói đời mà chúng ta dễ nhận thấy là gian dối, không trung thực, thiếu thật thà, ham mê của cải, thỏa mãn dục vọng, lười biếng, ăn chơi vô độ,… Nhận ra thánh ý của Thiên Chúa, biết phân biệt cái tốt, hiểu được điều làm đẹp lòng Thiên Chúa chưa đủ, người kitô còn phải làm những điều tốt đẹp ấy trong từng hoàn cảnh sống của mình nữa.

Anh chị em thân mến,
Giêrêmia đã để cho Thiên Chúa quyến rũ và trở thành ngôn sứ say mê lời Thiên Chúa và can đảm thi hành sứ mạng giữa muôn vàn thử thách. Đức Giêsu đã hoàn thành vai trò của Đấng Kitô, Con Thiên Chúa thông qua con đường đau khổ, chịu giết chết rồi sau ba ngày mới sống lại để đem ơn cứu độ đến cho toàn thể nhân loại. Là môn đệ của Đức Giêsu, mỗi người kitô hữu chúng ta được mời gọi từ bỏ chính mình và vác thập giá của mình mà theo Ngài mỗi ngày. Chúng ta có dám mạnh mẽ và can đảm vác lấy khổ đau trong cuộc đời, chấp nhận những hy sinh và dâng hiến chính mình cho Chúa và tha nhân vì tình yêu hay không? Nguyện xin Chúa cho chúng ta tin chắc chắn rằng đi theo Đức Giêsu đòi phải hy sinh nhưng hy sinh ấy không vô nghĩa vì đổi lại chúng ta được sự sống đời được, được Chúa thưởng phạt công minh trong ngày Ngài quang lâm. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập364
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm296
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,021,220
  • Tổng lượt truy cập79,024,671
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây