Thằng mõ hay đứa vỗ tay
Thứ tư - 10/06/2020 05:35
1109
“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Kính thưa Anh Chị em,
Bài đọc sách Các Vua kể cho chúng ta câu chuyện ly kỳ đầy thách thức và liều lĩnh của Êlia trước những người chạy theo Baal thần ngoại mà quên đi lề luật của Thiên Chúa. Êlia đã đem mạng sống mình để làm tất cả những gì có thể hầu đưa dân về lại với Chúa. Cũng thế, Chúa Giêsu, Êlia mới, rồi đây sẽ đánh cược mạng sống mình cốt để người đương thời trở về với Đức Chúa Trời. Ngài nói trong Tin Mừng hôm nay, “Anh em đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri. Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.
Dưới thời Akháp, không ai hiểu rõ Israel bằng Êlia, đó là một Israel phân rã, bên trong thì phá sản, luật pháp rối loạn, luân lý xuống cấp; ngoài biên thuỳ thì Babylon gầm gừ, thôn tính đe doạ và ‘hứa hẹn’ những năm tháng lưu đày. Akháp bạc nhược, đắm mình trong tửu sắc, xây cung điện nguy nga; ông là thủ phạm vụ án cướp đất và giết Navốt, lòng tham không đáy của vua được tiếp ứng bởi những thủ đoạn hèn mạt của hoàng hậu Ideven. Điều đau đớn là dân chúng, kỳ mục và thân hào làm theo lệnh bà, họ chạy theo các Baal của bà từ vua cho đến dân. Êlia gióng giả, dân đã lạc xa Chúa, dân đang ở giữa một cuộc khủng hoảng đức tin, khủng hoảng đạo đức, “Các ngươi còn đi nước đôi cho đến bao giờ? Nếu Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người; nếu Baal là chúa, hãy chạy theo nó!”
Với Israel, qua mọi thời, lề luật là một cái gì linh thánh Thiên Chúa đã ban cho dân qua Môisen; đó là khuôn vàng thước ngọc giữ cho dân đi trong đường lối Người về mặt tôn giáo cũng như dân sự xã hội. Thế nhưng, qua dòng thời gian, lề luật đã bị thêm thắt, giải thích theo mặt chữ để rồi, trở nên hình thức đang khi cốt lõi bên trong lại bị đánh mất. Cốt lõi đó là yêu thương. Đã bao lần Chúa Giêsu ra sức giải thích cho người đương thời, lề luật có ra vì con người chứ không phải ngược lại. Ngài cố tình đưa lề luật lên một cấp độ cao hơn, thâm sâu hơn; cấp độ của tâm hồn, của con tim, cấp độ của lòng yêu mến trong Thánh Thần. Lề luật giờ đây không chỉ được khắc trên bia đá hay viết trên da thuộc, nhưng được viết trong tim, khắc trong hồn. Thế nhưng, Ngài vẫn bị coi là kẻ gây rối, mất trật tự, vi phạm lề luật, phá lệ Sabbat… gây khủng hoảng và dù, đúng là một cuộc khủng hoảng đạo đức và lề luật thật sự.
Về sự khủng hoảng, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Tôi cảm thấy tiếc cho một nhân loại không có khủng hoảng! Vì tất cả đều hoàn hảo, tất cả đều trật tự, tất cả đều đã được là ủi bóng loáng, phẳng phiu. Nếu đánh giá một nhân loại như vậy, nó sẽ là một nhân loại bệnh hoạn, rất bệnh hoạn”. Ngài nói tiếp, “Trong một cuộc khủng hoảng, nỗi sợ hãi xâm chiếm con người; chúng ta tự khép mình như những cá nhân và bắt đầu nhẩm đi nhẩm lại những gì là lợi ích vốn vô cùng ít ỏi. Chúng ta làm cho mình ra trống rỗng trước những ý nghĩa, che giấu ơn gọi của mình và đánh mất vẻ đẹp, một vẻ đẹp, như Dostoyevsky nói, sẽ cứu thế giới”.
Anh Chị em,
Thời nào cũng thế, xã hội và Giáo Hội cần đến những con người lội ngược dám khua chiêng gõ mõ như Êlia, như Chúa Giêsu trước những cơn khủng hoảng hơn là những con người chỉ biết vỗ tay, bầy đàn. Một đất nước, một thể chế, một tổ chức… rất cần thiết phải có những tiếng nói độc lập, đó là chưa nói đến đối lập. Nước Mỹ không chỉ có những con người Cộng Hoà, nhưng còn cần đến tiếng nói của người Dân Chủ và các nhóm khác nữa; không chỉ cần voi nhưng còn cần đến lừa và cả sư tử, hắc báo cùng các con vật khác.
“Lạy Chúa, con là thằng mõ hay là đứa vỗ tay”, Amen.