Thứ Năm tuần X, lễ thánh Banaba tông đồ
(Cv 11,21b-26;13,1-3; Mt 10,7-13)
“Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12).
Sứ vụ chính yếu và hàng đầu của Đức Giêsu là rao giảng Tin mừng Nước Thiên Chúa. Sứ vụ ấy, Ngài trao cho các tông đồ: “Anh em hãy đi rao giảng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7). Sứ vụ ấy cũng được trao cho thánh Banaba và thánh nhân đã hoàn suất sắc. Hôm nay cả Giáo hội mừng kính Ngài.
Trước hết, chúng ta cần lưu ý đến sứ vụ rao giảng Tin mừng Chúa Giêsu muốn các tông đồ cũng như các môn đệ của người phải chu toàn. Sứ vụ ấy được tóm kết trong câu nói: “hãy chào chúc bình an”. Câu nói này giả thiết rằng mọi suy nghĩ và đánh giá, mọi lời nói hay chia sẻ, mọi hành động hay cách ứng xử của người rao giảng phải toát lên được “Tin Mừng”, “Tin Vui”, “Tin Bình An”, “Tin Tích Cực”,... chứ không thể và không được là những điều ngược lại.
Một cách cụ thể, về công việc của người thừa sai, Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết chỗi dậy, cho người phong được sạch và khử trừ ma quỷ” (Mt 10,8). Đau yếu, chết chóc, phong cùi hay quỷ ám Chúa nói tới ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa đen ám chỉ những thiếu sót, giới hạn về thể lỉ mà còn theo nghĩa bóng, nghĩa biểu tượng ám chỉ tinh thần, tâm lí, thiêng liêng.
Người thừa sai phải có thái độ quảng đại và tuyệt đối tin tưởng vào quyền năng của Chúa, không cậy dựa và sức riêng mình, cũng không quá lệ thuộc vào các phương tiện của thế gian. Ngài nói: “Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường đừng mang theo bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi giày dép hay cầm gậy. vì thợ thì đáng được nuôi ăn” (Mt 10,9-10).
Thêm nữa, người thừa sai cần phải luôn vừa quảng đại vừa khiêm tốn, hoàn toàn vô tư, vô vị lợi và tôn trọng tha nhân, nhất là đối với kẻ đón nhận Tin mừng. Người thừa sai không bao giờ có thái độ kẻ cả, áp đặt, vụ lợi hay ích kỷ. Chúa nói: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng thì bình an của anh em sẽ đến với họ, còn nếu nhà ấy không xứng đáng thì bình an sẽ trở lại với anh em” (Mt 10,13).
Những đặc điểm trên đây về sứ vụ rao giảng Tin mừng đã được thánh Banaba thực hiện thật tuyệt vời. Đúng như tên gọi của mình, Banaba có nghĩa là “người có tài an ủi”. Ngài đã dùng những ân huệ Chúa ban là nhiệt thành, vui vẻ và sẵn sàng lên đường khi Hội thánh tại Giêrusalem cử đi Antiôkhia để “mừng rỡ và khuyên nhủ ai nấy bền lòng gắn bó cùng Chúa” (Cv 11,23). Ông “là người tốt, đầy ơn thánh thần và lòng tin” (Cv 11,24). Ông đã dùng ơn huệ ấy, uy tín ấy để hoạt động, làm cho cánh đồng truyền giáo “có thêm rất nhiều người theo Chúa” (Cv 11,24). Đặc biệt, thánh nhân đã trẩy đi Tácxô tìm Phaolô và đưa về Antiôkhia (Cv 11,25).
Trước lòng hăng say và hoạt động tông đồ mạnh mẽ của Phaolô, Banaba không phải là người sống bên lề do khiêm tốn giả tạo nhưng Ngài đã quảng đại dành cho Phaolô tác vụ rao giảng Lời Chúa (Cv 14,12b). Còn về phần mình, Banaba vẫn tiếp tục hợp tác, nêu gương sẵn sàng hy sinh phục vụ. Chính Banaba như trên đã nói, đi tìm Saolô ở Tácxô đưa về Antiôkhia và cho gia nhập vào cộng đoàn đang dè dặt nghi kị Saolô. Banaba dùng uy tín của mình để Saolô/Phaolô được cộng đoàn đón nhận và tín nhiệm. Rồi, cả hai cùng nhau chuyên tâm rao giảng Tin mừng cho các cộng đoàn mới trong thành phố. Chính tại nơi đây, các tín hữu đầu tiên nhận danh hiệu “Kitô hữu”, có nghĩa là “môn đệ của Đức Kitô” hay “bạn hữu của Đức Kitô” (x. Cv 11,26).
Như vậy, sứ vụ rao giảng Tin mừng của chúng ta, những Kitô hữu, chính là chào chúc bình an. Lời chào chúc ấy cần được thể hiện bằng nội dung rao giảng phải thật sự là Tin mừng, thái độ người rao giảng phải hết sức khiêm tốn, tin thác vào Chúa, còn đối với tha nhân thì luôn giữ thái độ tôn trọng. Xin thánh Banaba cầu cho chúng con biết noi gương Người “biết dùng lời nói và việc làm để trung thành loan báo Tin mừng Đức Kitô như thánh nhân đã can đảm rao truyền” (x. Lời nguyện nhập lễ thánh Banaba). Amen.