Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Ga 20, 19-23
"Tha thứ" một điểm nhấn quan trọng đã được nói riết trong Mùa Chay, mà sao hôm nay, Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống lại còn bàn đến?... Để trả lời cho câu hỏi này, ta cùng đi vào bản văn Tin Mừng.
Trước hết, ta cần nhận định rằng: Nếu những lần hiện ra của Chúa Giêsu Phục Sinh được các Tin mừng Nhất Lãm thuật lại với một bầu khí lo lắng, sợ hãi, bất an nơi các tông đồ đến độ sứ điệp đầu tiên của Chúa Phục Sinh gởi đến hầu trấn an các ông là “Đừng Sợ!” (Mt 14,27) thì Gioan lại đặt những lần hiện ra của Chúa Giêsu trong một bối cảnh hoàn toàn khác: Được nhìn thấy Chúa, được đón nhận lời cầu chúc bình an, được chạm vào tay và cạnh sườn Chúa Phục Sinh như một món quà người yêu ban tặng, thật sung sướng, hạnh phúc: “Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì được xem thấy Chúa” (c.20).
Chưa hết, Thánh Gioan còn kể tiếp: “Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: Bình an cho các con” (c.21). Xem ra đây là một lời cầu chúc không cần thiết nếu không dám nói là thừa thãi bởi vì nếu như sau khi đã được trấn an từ Chúa Phục Sinh rồi mà các môn đệ vẫn lo lắng, hoảng hốt hay bối rối thì lời cầu chúc lần thứ hai này sẽ hợp lý. Chẳng lẽ đây là một lời cầu chúc không cần thiết thật sao?
Vậy, thực ra Thánh Gioan muốn nói với chúng ta điều gì khi thuật lại lời ban bình an này của Chúa Giêsu? Thưa anh chị em, cần phải đọc lời chúc bình an này đi liền với các hành động tiếp theo của Chúa Giêsu, ta mới có thể hiểu được ý nghĩa của nó. Thánh Gioan kể: sau khi chúc bình an, lần thứ hai, Chúa Giêsu nói tiếp: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”(c.21b). Thì ra, lời chúc bình an này không khơi lên nơi các môn đệ niềm vui như lần chúc bình an ban đầu, mà nó nhằm chuẩn bị cho các ông lãnh nhận một sứ mạng.
Chưa hết, Thánh Gioan kể tiếp: “Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông” (c.22). Hành động thổi hơi của Chúa Giêsu làm ta liên tưởng đến cuộc tạo dựng của Thiên Chúa mà sách Sáng thế đã thuật lại: Thiên Chúa dùng Lời để sáng tạo và khi ấy Thần khí của Chúa bay lượn trên mặt nước (St 2,7). Như vậy, để sai các môn đệ lên đường, Chúa Phục Sinh đã thổi hơi để trao ban Thánh Thần hầu biến đổi các ông thành những thụ tạo mới: không nhát đảm, không sợ sệt, không lo lắng, hay bất an nhưng ngập tràn niềm vui, tin tưởng và hy vọng.
Vâng, đó chính là những hoa trái mà chính Thánh Thần đã làm nẩy nở nơi các môn đệ Chúa Kitô. Đến đây, chúng ta đặt câu hỏi: Vậy sứ mạng của các ông là gì? Có phải là đi khắp tứ phương thiên hạ để giảng dạy rồi làm phép rửa hay làm chứng về Chúa cho họ (Mt 28,19) như các Tin mừng Nhất lãm đã thuật lại cho chúng ta không? Sứ mạng sau phục sinh của Chúa Kitô cho các môn đệ, theo Thánh Gioan, không phải là đi rao giảng, mà chính là ra đi trao ban sự THA THỨ. Nói cách khác, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy rao giảng cho Nước Chúa bằng chính sự THA THỨ. Suy cho cùng, tha thứ chính là điều kiện cần và đủ để môn đệ Chúa Ki-tô có thể làm chứng cho Chúa. Vì thế, sau khi đã trao ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su đã nói: “Các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha”.
Trong Kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn đọc hằng ngày và khi dâng thánh lễ: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ mắc nợ chúng con”. Lời cầu xin này nhấn mạnh cụm từ “Như chúng con cũng tha”: Vậy thế nào là NHƯ? giống như, y chang như: hai anh em giống nhau như hai giọt nước. Đúng rồi, từ “như” còn có nghĩa là tương tự như: hai cái áo giống nhau nhưng chất liệu vải, người may, kích cỡ thì hoàn toàn khác, chỉ hình dáng là giống. Chữ “như” trong kinh Lạy Cha có lẽ phải được hiểu theo nghĩa thứ hai này, nghĩa là chúng ta hãy tha thứ, dù ít hay nhiều, chứ đừng dã man như tên mắc nợ đã được Chúa tha bổng cho mình mà lại không biết thương xót một tý nào cho anh em mình (Mt 18,23-35). Nếu chúng ta không tha thứ, nghĩa là chúng ta không đủ điều kiện để được lãnh nhận ơn tha thứ của chúng ta gây ra do tội lỗi của mình.
Chúng ta hãy cộng tác với Chúa Thánh Thần để biết sống tha thứ và thứ nhiều hơn mỗi ngày. Đó là dấu chứng chúng ta thực sự có Chúa Thánh Thần, vì như Lời Chúa nói rõ ràng trong Tin mừng hôm nay: “Các con tha tội cho ai thì tội người ấy được tha.”
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ chật đường và chữa cho lành nơi thương tích của chúng con, ngõ hầu ai nấy đều trở thành khí cụ bình an và tha thứ của Chúa cho con người và thế giới hôm nay.