Cv 4,8-12; 1Ga 3,1-2; Ga 10,11-18
Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Những việc làm chính yếu bảo đảm cho cuộc sống là trồng nho, ép rượu và chăn chiên. Vì thế mà không có người Do Thái nào xa lạ với hình ảnh đoàn chiên và người mục tử. Các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh gọi Thiên Chúa là mục tử nhân lành của Israel và Israel là đoàn chiên của Thiên Chúa. Hình ảnh Thiên Chúa là mục tử nhân lành được thể hiện rất rõ nét nơi Chúa Giêsu và chính Chúa Giêsu cũng đã nói với người Do Thái rằng “Tôi chính là mục tử nhân lành.” Vậy theo Chúa Giêsu, mục tử nhân lành phải có những đặc điểm gì?
Trước hết, mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Vị này khác hẳn người chăn thuê. Mục tử nhân lành không chạy trốn khi sói đến, không để chiên bị bắt bị giết, sẵn sàng bảo vệ chiên trong mọi hoàn cảnh, ngay cả trong những hoàn cảnh tính mạng bị đe doạ để đoàn chiên được an toàn. Mục tử coi mạng sống và hạnh phúc của đoàn chiên quan trọng hơn mạng sống của mình. Vì sự an toàn, niềm vui và sự phát triển của đoàn chiên, mục tử sẵn sàng làm tất cả. Chúa Giêsu là mục tử nhân lành vì Ngài đã làm mọi sự để cho chiên được sống và sống dồi dào. Thấy đoàn người đông đảo như chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu đã giảng dạy họ nhiều điều. Thấy đoàn chiên có những kẻ ốm đau bệnh tật, Chúa Giêsu đã đưa tay chữa lành. Thấy trong đoàn người đông đảo có những tội nhân cần được tha thứ và làm hoà cùng Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã an ủi, tha thứ và mời gọi họ trở về sống đời lương thiện. Thấy tội lỗi và satan xâu xé đoàn chiên, Chúa Giêsu đã tự nguyện hy sinh mạng sống để đền thay tội lỗi cho đoàn chiên và sống lại để thông ban sự sống mới, sự sống vĩnh cửu cho đoàn chiên.
Thứ đến, mục tử nhân lành biết chiên và chiên biết mục tử. Cái biết của Chúa Giêsu đối với đàn chiên không phải là cái biết bình thường, biết tên tuổi, biết hoàn cảnh, biết vị thế, biết tình trạng của đoàn chiên, nhưng là cái biết hết sức sâu sắc, cái biết của một Thiên Chúa đối với nhân loại, cái biết yêu thương “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” Chúa Cha biết Chúa Con bằng cái biết thấu suốt từ tình trạng, tâm tư, tình cảm cho tới ước muốn sâu xa nhất, sẵn sàng làm và trao ban cho con mọi thứ “mọi sự của Cha đều là của Con, Cha trao cho Con toàn quyền xét xử.” Cũng vậy, Chúa Giêsu biết Chúa Cha, biết được tình thương và ý định của Chúa Cha dành cho mình và cho nhân loại, biết được thánh ý của Chúa Cha và hoàn toàn vâng phục để làm hài lòng và tôn vinh Chúa Cha. Vì Chúa Giêsu là mục tử thấu suốt tâm tư, tình cảm, ước muốn và khát vọng sâu xa nhất của đàn chiên nên là chiên trong đoàn chiên của Ngài, chúng ta không có gì phải âu lo. Hãy trút mọi gánh nặng và lo âu cho Chúa để Ngài nâng đỡ, ủi an, ban ơn và giải thoát chúng ta.
Sau cùng, vị mục tử nhân lành không dừng lại ở chỗ đã có một đàn chiên đông đảo mà còn nỗ lực tìm kiếm những chiên khác không thuộc về đàn. Ngài phải tìm mọi cách đưa chúng về để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử duy nhất. Quả thật, khi còn sống, Chúa Giêsu không chỉ đến với người Do Thái là dân riêng, dân được tuyển chọn, dân thuộc quyển sở hữu riêng của Thiên chúa, nhưng còn đến với dân ngoại. Ngài đến với dân thành Samari và tìm ra cách tốt nhất giới thiệu Chúa Cha cho họ. Ngài cũng tế nhị và khéo léo giúp người phụ nữ Samaria nhận ra Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến, Đấng ban cho chị nguồn nước trường sinh đem lại sự sống vĩnh cửu. Không chỉ giúp chị nhận ra Ngài là ai, nhưng qua chị, Ngài còn giúp cả dân thành nhận ra Ngài là ai để họ tin vào Thiên Chúa và tin vào chính Ngài “Chúng tôi tin Ngài không phải do chị làm chứng mà do chúng tôi đã thấy và biết Ngài.” Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu còn trao cho các tông đồ và các môn đệ sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, cho toàn thế giới với hy vọng tất cả nhân loại làm thành một đàn chiên duy nhất và một chủ chiên duy nhất là chính Ngài. Nhờ đó, ơn cứu độ Thiên Chúa ban trở thành hiện thực cho mọi người.
Sau khi được trao sứ mạng làm mục tử cho thế giới, Giáo Hội đã không ngơi nghỉ thi hành trách nhiệm được trao. Thánh Phểrô không ngừng rao giảng Đức Giêsu, nhân danh Ngài chữa lành những người đau yếu bệnh tật và trừ nhiều quỉ. Sau khi chữa lành người bại liệt và bị chất vấn lấy quyền nào mà làm điều đó, thánh nhận đã mạnh mẽ trả lời “Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô, người Nazareth, Đấng mà quí vị đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quí vị. Đấng ấy là tảng đá mà quí vị là thợ xây loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường.” Hơn nữa, thánh Phêrô còn can đảm khẳng định rằng Chúa Giêsu chính là nguồn ơn cứu độ duy nhất cho toàn thế giới vì dưới gầm trời này không một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để nhân loại nhờ vào danh đó mà được cứu độ. Thánh Gioan làm chứng rằng tình thương yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại quá lớn lao đến nỗi cho chúng ta được làm con Thiên Chúa và đến ngày Chúa Giêsu xuất hiện trong vinh quang, chúng ta sẽ trở nên giống như Người vì Người thế nào chúng ta cũng thấy Người như vậy.
Chúa Giêsu là mục tử nhân lành, mục tử hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Ngài không giống kẻ chăn thuê bỏ chạy khi chiên gặp nguy hiểm, nhưng đối mặt với mọi nỗi thống khổ của đoàn chiên, yêu thương chăm sóc để chiên được sống dồi dào. Ngài biết từng con chiên cách tường tận như cái biết của Chúa Cha về Ngài và cái biết của Ngài về Chúa Cha. Ngài không chỉ nỗ lực chăm sóc những con chiên đã ở trong đàn mà còn không ngừng tìm kiếm những chiên khác ngoài đàn, đem về cùng một đàn để yêu thương chăm sóc hầu cho mọi con chiên đều được hưởng trọn vẹn niềm vui ơn cứu độ. Mỗi chúng ta cũng được mời gọi theo Chúa Giêsu làm mục tử nhân lành trong cương vị hiện tại của mình. Xin cho chúng ta biết theo Chúa Giêsu làm mục tử luôn yêu thương tha nhân hết mình. Amen.