TUẦN 3
Cv 3,13-15.17-19; 1 Ga2,1-5a; Lc 24,35-48
Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu Phục Sinh đã nhiều lần hiện ra với các tông đồ và môn đệ. Đầu tiên, Người hiện ra với bà Maria Madalena và sai bà đi báo tin cho các môn đệ rằng Người đã sống lại và sẽ đến Galilê trước các ông. Sau đó, Người hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, giải thích Kinh Thánh và cho họ nhận ra Người qua nghi lễ bẻ bánh quen thuộc. Ngoài ra, Người còn hiện ra nhiều lần khác nữa với số đông các tông đồ và môn đệ. Theo thánh Ga, Người hiện ra ít nhất ba lần. Trước hết, Người hiện ra vào ngày chiều ngày thứ nhất trong tuần, sau đó 8 ngày, Người lại hiện ra với các ông trong căn phòng đóng kín cửa và cuối cùng, Người hiện ra với các tông đồ tại bờ biển hồ Galilê cùng ăn uống với các ông sau một đêm các ông vất vả không bắt được con cá nào. Tại sao Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra nhiều lần như vậy với các tông đồ và các môn đệ sau khi từ cõi chết sống lại?
Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta phần nào câu trả lời. Trước hết, Người hiện ra để các ông tin rằng Thầy của mình đã thực sự sống lại như lời các ngôn sứ đã tiên báo. Bằng chứng chắc chắn cho chân lý này là việc Người hiện ra để khích lệ các ông “Sao anh em lại hoảng hốt? sao lòng anh em lại nghi ngờ. Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà? Cứ rờ mà xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây.” Không chỉ dùng lời nói trấn an, động viên, khích lệ, Người còn cho các ông xem tay chân và cạnh sườn Người, và ăn uống trước mặt các ông. Chưa dừng lại ở đó, Người còn giải thích Kinh Thánh để các ông hiểu và tin rằng “Theo Kinh Thánh: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại.” Nhờ những lần Người hiện ra trấn an, cho xem tay chân và cạnh sườn, giải thích Kinh Thánh, các ông dần dần tin rằng Người sống lại là nguồn sống và niềm hy vọng của họ.
Chúng ta không khỏi thắc mắc tại sao các môn đệ không nhận ngay ra Chúa sau khi Người từ cõi chết sống lại? Hơn nữa, mỗi lần Người hiện ra, họ thường sợ hãi, hoảng hốt và tưởng là thấy ma? Chúng ta có thể trả lời cho thắc mắc ấy rằng sự kiện sống lại là một biến cố quá vĩ đại và nhiệm mầu, vượt lên trên mọi tư tưởng của con người nên họ không thể hiểu và tin được. Làm gì có chuyện kẻ chết sống lại, nào đã có ai từng thấy người chết mà sống lại? Ngoài ra, sau khi từ cõi chết sống lại, thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn liên kết với thân xác tự nhiên. Chẳng hạn, Người vẫn còn có một thân xác rõ ràng của con người, vẫn còn những dấu đinh, các vết thương như các tông đồ các môn đệ thấy, nhưng điều quan trọng hơn cả là thân xác ấy đã được biến đổi một cách kỳ diệu đến nỗi không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian nữa. Cùng một lúc Người có thể hiện diện ở nhiều nơi và ngay cả khi cửa nhà các môn đệ đóng kín, Người vẫn có thể hiện ra với họ, đứng trước mặt họ, cùng ăn uống với họ. Vì thế, biến cố phục sinh không những là một sự kiện thật, nhưng còn là một sự thật hết sức nhiệm mầu đối với tất cả chúng ta.
Một mục đích nữa hết sức quan trọng mà Chúa Phục Sinh muốn nhắm đến là sau khi đã kiện toàn lòng tin của các tông đồ và môn đệ, Ngài sai các ông ra đi làm chứng cho Người. Phần cuối của đoạn Tin Mừng nói rõ điều này “Có lời Kinh Thánh chép Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em làm chứng nhân về những điều này.” Các ông là những người đã nghe, đã thấy, đã sờ và đã tin Chúa Giêsu nên có trách nhiệm rao giảng, làm chứng, kêu gọi muôn dân tin vào Người, sám hối trở về với Thiên Chúa để được tha tội. Như thế, sứ mạng chính yếu của các tông đồ, các môn đệ nói riêng và mọi kitô hữu nói chung là rao giảng Chúa Kitô đã chịu khổ hình, chịu chết và sau ba ngày sống lại, kêu gọi mọi người tin vào Người, sám hối đổi mới đời sống để xứng đáng với tình thương tha thứ và ơn cứu độ Thiên Chúa ban qua Chúa Giêsu Kitô.
Sau khi nhận được sứ mạng từ Chúa Giêsu Phục Sinh cùng với ơn Chúa Thánh Thần, các tông đồ và môn đệ đã bắt đầu cuộc rao giảng đầy nhiệt huyết cho dù không thiếu thử thách gian nan ở phía trước. Thánh Phêrô đã làm chứng rằng Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu là Tôi Trung của Người, Đấng mà người Do Thái đã trao nộp và chối bỏ trước mặt Philatô, đã xin Philatô cho đóng đinh vào thập giá. Người là Đấng thánh, Đấng Công Chính, Đấng khơi nguồn sự sống, đã bị giết chết, nhưng đã được Thiên Chúa cho sống lại từ cõi chết. Vì thế, để được tha thứ mọi tội lỗi và xứng đáng với tình thương cứu độ của Thiên Chúa, họ cần sám hối và trở về cùng Thiên Chúa. Trong thư của mình, thánh Gioan khuyên các tín hữu đừng phạm tội. Nếu lỡ phạm tội thì phải chạy đến cùng Đức Kitô, là Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha. Người là của lễ đền bù tội lỗi cho chúng ta và cho cả thế gian. Bằng chứng cho việc nhận biết Người là tuân giữ các giới răn của Người. Kẻ tuân giữ giới răn là kẻ có sự thật trong tâm hồn, là kẻ đã làm cho tình yêu của Thiên Chúa thực sự nên hoàn hảo.
Đức Giêsu đã chết và sống lại như Kinh Thánh đã nói. Người đã hiện ra nhiều lần để củng cố niềm tin cho các tông đồ và môn đệ. Sau khi đức tin của họ được kiện toàn, Người sai họ ra đi rao giảng, làm chứng về Người cho thế giới, và kêu gọi mọi người sám hối trở về cùng Thiên Chúa để được tha tội. Mỗi kitô hôm nay cũng được Chúa Giêsu Phục Sinh trao cho sứ mạng rao giảng, làm chứng Chúa đã sống lại và kêu gọi mọi người sám hối trở về với Thiên Chúa giống các tông đồ và các môn đệ xưa kia. Để xứng đáng với tư cách là người rao giảng và làm chứng Chúa đã sống lại, chúng ta được mời gọi tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa như thánh Gioan đề nghị để tình yêu của chúng ta nên trọ. Xin Chúa kiện toàn lòng tin của chúng ta, cho chúng ta nên can đảm và nhiệt thành bằng ơn thánh, nên khôn ngoan và nhiệt thành nhờ Thánh Thần để chúng ta luôn sống xứng đáng với sứ mạng tông đồ Chúa trao. Amen.