CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, NĂM B
Cv 3,13-15.17-19; 1Ga 2,1-5a; Lc 24,35-48
"Chính anh em là chứng nhân của những điều này." (Lc 24,48)
Bài Tin Mừng hôm nay nối tiếp câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành với hai môn đệ trên đường trở về làng Emmau (Lc 24,13-35). Sau khi được Chúa giải thích Kinh Thánh, được Chúa đồng bàn và nhận ra Chúa, hai ông đã vội vã trở lại Giêrusalem để gặp Nhóm Mười Một và “thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh”. Thánh sử Luca kể tiếp: “Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!”. Chúa Phục sinh đã cố gắng củng cố niềm tin cho các tông đồ và các môn đệ. Các ông “hoảng hốt” và “ngờ vực”, Chúa Phục sinh phải cho các ông xem chân tay mình. Các ông vẫn “còn chưa tin”, Người phải “cầm lấy và ăn trước mặt các ông”. Xem ra vẫn chưa đủ, Chúa Giêsu muốn xây dựng đức tin của các Tông đồ trên nền tảng vững chắc hơn, đó là dựa trên Thánh Kinh. Khi nhắc lại cho các ông tất cả các sách Luật, các Ngôn Sứ và Thánh Vịnh đã chép về Ngài phải được ứng nghiệm, tức là Chúa Giêsu nhắc đến toàn bộ Thánh Kinh đã nói trước về “Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại”. Cũng như trong bài đọc 1 cho thấy thánh Phêrô đã trích lời Kinh Thánh để làm chứng cho việc Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài nhắc đến việc Thiên Chúa hứa với các Tổ phụ rằng sẽ ban Đấng Cứu Thế cho nhân loại. Tuy nhiên, những thế hệ con cháu của các tổ phụ đã từ chối và đã đóng đinh Ngài trên cây thánh giá. Nhưng Thiên Chúa quyền năng đã tôn vinh Đức Giêsu và làm cho Ngài từ cõi chết sống lại. Điều quan trọng lúc này là hãy sám hối về hành động ấy, quay trở lại với Thiên Chúa và tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô.
Khi kể lại tất cả các sự kiện trên, thánh sử Luca dường như muốn nói cho chúng ta biết rằng: biến cố phục sinh ngay từ đâu không phải là một điều dễ tin, dễ chấp nhận. Đó là một sự kiện hết sức mới mẻ, vượt mọi dự tính, suy đoán và hiểu biết của con người. Và để có được một niềm xác tín vào Đấng Phục sinh, đòi hỏi hết mọi người tín hữu phải sẵn lòng để Chúa Phục sinh dạy dỗ và giải thích cho mình. Có hai môi trường và hoàn cảnh thuận lợi cho việc Chúa Phục sinh hiện diện và dạy dỗ chúng ta, đó là đời sống cộng đoàn và Lời Chúa. Hai môn đệ đã được gặp Chúa dọc đường, các ông lại được gặp Chúa lần nữa khi trở về với Nhóm Mười Một. Lòng các ông đã chẳng “bừng cháy lên” khi được Chúa nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho đó sao! Nhất là khi các ông được Chúa “mở trí” cho để am hiểu Kinh Thánh. Điều này chứng tỏ rằng: Để đón nhận được Tin Mừng Phục Sinh và trở thành người loan báo về mầu nhiệm Phục Sinh cần phải đọc lại Kinh Thánh và tin vào những gì Kinh Thánh đã nói về Chúa Giêsu. Đây chính là nền tảng cho đức tin của chúng ta, vì ngày nay, chúng ta không được thấy Chúa Phục Sinh hiện ra, nhưng chúng ta vẫn có thể tin và đón nhận Chúa Phục Sinh nhờ lời minh chứng của Kinh Thánh và của Giáo Hội. Chỉ khi nào chúng ta ở trong bầu khí của cộng đoàn Giáo hội, chúng ta siêng năng lắng nghe và suy gẫm Lời Chúa, niềm xác tín của chúng ta vào Đấng Phục sinh mới chắc chắn và vững vàng. Sự xa rời cộng đoàn, sự trễ nải trong việc lắng nghe Lời Chúa là những lý do làm cho đời sống đức tin của chúng ta sa sút và yếu kém.
Nếu những người không có đạo, không có đức tin đặt cho chúng ta một câu hỏi: “Vậy ông bà, anh chị em nói rằng mình tin Chúa Giêsu Kitô đã phục sinh, nhưng điều đó có ảnh hưởng gì trong cuộc sống của ông bà, anh chị em không?” Có lẽ chúng ta không dễ dàng để trả lời câu hỏi này, nếu cuộc sống của chúng ta không có gì khác biệt hơn, không tốt lành hơn, không bác ái hơn, không ngay thẳng hơn, hoặc không có điều gì nổi bật hơn cuộc sống của những người chung quanh, hay của những người vô thần, không có đạo, không có đức tin. Nếu chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô Phục sinh và muốn được sống lại với Ngài, thì chúng ta phải chấp nhận những sự hy sinh và thiệt thòi, phải khiêm nhường chấp nhận những đau khổ, khó khăn và thập giá như Ngài. Nếu chúng ta muốn làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục sinh, thì chúng ta cũng phải tuân giữ các giới răn của Ngài, như lời thánh Gioan tông đồ đã dạy trong bài đọc 2: “Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy”.
Chúng ta cầu xin Chúa ban ơn nâng đỡ cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa, để xây dựng gia đình, giáo xứ chúng ta thành một cộng đoàn sống hiệp nhất yêu thương nhau, mà làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người. Xin Chúa cũng luôn hiện diện giữa chúng ta, hướng dẫn và ban bình an hạnh phúc cho chúng ta. Amen.
Lm. GB. Vũ Quốc Đạt