Chúa Nhật Lòng Thương xót, Tuần II Phục sinh
“Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em
hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.” (Rm 12,1)
Tin Mừng cho chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ ông Tôma đã vắng mặt. Nhưng khi được các tông đồ khác loan báo Tin Mừng Phục Sinh (x. Ga 20,25), ông Tôma đã phản ứng: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (Ga 20,25).
Vì đã vắng mặt lúc Chúa hiện đến, nên ông Tôma chưa nhận được sự bình an và sứ mạng của Đấng Phục Sinh (x. Ga 20,19.21). Và hệ quả, ông vẫn còn sợ hãi và đóng kín. Cho đến lúc được gặp Chúa Phục Sinh sau đó tám ngày, chắc là Tôma sầu khổ lắm. Nỗi sầu khổ của ông hẳn là cũng góp phần làm cho bầu khí cộng đoàn trở nên u sầu, nặng nề.
Tôma chưa tin vào Đấng Phục Sinh: Do ông cứng lòng? Hay bởi vì chứng tá của cả tập thể thiếu sức mạnh khả tín?
Nếu do sự cứng lòng của mình, Tôma cần sám hối. Đức tin luôn là ơn ban, nhưng đồng thời cũng là thái độ tự do chấp nhận và vâng phục sứ điệp mặc khải và Đấng Mặc Khải. Ngày nay vẫn còn những người ngoan cố không chịu tin Thiên Chúa dù Ngài đã nhiều lần gõ cửa lòng họ.
Nếu do tập thể thiếu gương sáng chứng tá thì tập thể cần sám hối. Thế giới hôm nay vẫn còn nhiều người chưa biết Chúa, có lẽ có phần lỗi của những người Kitô hữu vì cách sống đạo của họ chưa cho thấy chứng từ sống động về Chúa Phục Sinh.
Chúa Giêsu lại hiện đến, và lần này có mặt Tôma. Trước sự hiện diện tỏ tường của Thầy Giêsu uy nghi sáng láng, Tôma đã được ơn hoán cải và tuyên xưng lòng tin son sắt của mình vào Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20,28). Xem ra, chúng ta thích kinh nghiệm thiêng liêng này của tông đồ Tôma hơn, vì gần gũi với chúng ta hơn. Vì “nhờ” ông, chúng ta biết rằng mình được chúc phúc: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29).
Thiên Chúa có kế hoạch cho từng người. Và trước mặt Chúa mỗi người phải trả lẽ và sinh lời về mọi nén bạc hay ơn huệ đã lãnh nhận do lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong mức độ ơn huệ Chúa Phục Sinh dành riêng cho từng người, chúng ta được mời gọi mở lòng để cho tình yêu thương xót của Chúa thu hút và biến đổi chúng ta nên tông đồ của lòng thương xót Chúa cho anh chị em của mình như lời Thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người” (Rm 12,1).
Trương Hoàng Sơn, SJ, Nhóm Suy niệm BC