CN2 PS: Phúc ai không thấy mà tin
Thứ sáu - 06/04/2018 10:09
1392
Chúa Nhật II Phục sinh (Ga 20, 19-31)
Trong một giờ chia sẻ giáo lí trước thánh lễ cho cộng đoàn người H’Mông, tôi hỏi cộng đoàn: Khi cầu nguyện với Chúa Giê-su trên thập giá, ông bà anh chị em có thấy Chúa Giê-su nói gì với mình không? Có thấy Chúa Giê-su trả lời gì không?
Không có ai trả lời. Bầu khí nhà thờ tĩnh lẵng. Sau ít phút, tôi lại hỏi lần nữa, thì một cánh tay giơ lên. Ông cũng chạc hơn 50 tuổi, thuộc những người lớn tuổi của bản. Tôi mời ông đứng lên trả lời. Ông dõng dạc: “Plig Txiv (pờ-lì chí) ơi, Nó (Chúa) nghe thấy hết đấy, Nó biết hết đấy, nhưng mà Nó không nói gì đâu.”
Tôi hết sức ngạc nhiên trước câu trả lời này. Thật là một đức tin tuyệt vời, rất đơn sơ, rất chân thành. Đức tin của ông cũng nói lên đức tin của mọi người dân bản.
Đức tin của người dân bản đơn sơ, chân thành, không cần phải đòi hỏi một sự kiểm chứng “bắt tận tay, day tận mắt” như ông Tô-ma trong Tin Mừng hôm nay.
Hôm ấy, chiều ngày phục sinh, không hiểu thánh Tông đồ Tô-ma đi đâu, mà không ở cùng các anh em môn đệ khác. Chúa Giê-su phục sinh đã hiện đến đứng giữa các anh em môn đệ. Sau khi cho xem tay và cạnh sườn, Ngài còn ban bình an của Ngài và Thánh Thần cho các môn đệ. Vì thế, khi thánh Tô-ma trở về, các anh em kể lại cho nghe thì ngài đã không tin. Dù được các chứng nhân là anh em tông đồ khác làm chứng, nhưng thánh Tô-ma vẫn không tin. Đức tin của ngài đòi kiểm chứng, đòi được thấy không chỉ bằng mắt mà bằng tay nữa: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài thì tôi không tin".
Thế nhưng nếu có bằng chứng rồi thì đã là chuyện hiển nhiên, đâu còn phải là đức tin nữa. Đó là mức độ thấp của đức tin, nghĩa là tin vì thấy, tin dựa vào bằng chứng. Đức tin không thuộc phạm vi khoa học hay lý luận, nên không dựa trên bằng chứng.
Tám ngày sau, Đức Giê-su hiện ra lần thứ hai. Lần này có mặt Tô-ma. Đức Giê-su bảo riêng Tô-ma hãy đưa tay ông ra chạm trực tiếp vào các vết thương của Ngài. Nhưng khi đó Tô-ma không còn giữ yên yêu cầu “bắt tận tay, day tận mắt” của mình nữa. Ông tuyên xưng đức tin ngay. Ông gọi Đức Giê-su là "Chúa" và là "Thiên Chúa". Tô-ma đã vươn tới mức độ cao của đức tin, đó là tin mà không cần thấy.
Đức Giê-su đánh giá mức độ thứ hai là cao hơn, và kêu gọi chúng ta, qua lời nói với Tô-ma, hãy cố vươn lên mức độ cao ấy: "Tô-ma, vì con đã xem thấy Thầy nên con tin. Nhưng phúc cho kẻ nào không thấy mà tin".
Đọc Tin Mừng, tôi đã biết có tám mối phúc. Bây giờ tôi biết thêm mối phúc thứ chín nữa. "Phúc cho những ai không thấy mà tin".
Tại sao không thấy mà tin thì có phúc ? Tôi nghĩ rằng hạnh phúc thường đi đôi với tình yêu. Khi yêu ai thì người ta dễ tin vào người ấy. Tin thể hiện yêu, và chính vì yêu nên hạnh phúc. Đến đây tôi khám phá một dây liên hệ giữa ba điều: Yêu, Tin và Hạnh phúc.
Những người dân bản H’Mông kia có lẽ có tình yêu Thiên Chúa lớn, nên họ đã tin tưởng Chúa rất dễ dàng, đơn sơ và chân thành. Đức tin không lí luận là bằng chứng thể hiện tình yêu của họ dành cho Thiên Chúa. Yêu thì dễ tin. Yêu thị hạnh phúc. Vì thế mà tôi thấy họ sống rất thanh thản, tự tại và bình an. Chẳng thấy nơi họ sự bon chen, lo lắng. Họ sống vô tư như “chim trời chẳng lo tích trữ”, như “hoa ngoài đồng chẳng phải lo thêu dệt”.
Đức tin của người dân bản H’Mông đáng để cho tôi suy nghĩ về đức tin của tôi vào Thiên Chúa. Chúa cần một đức tin đơn sơ, không đòi phải thấy bằng mắt và sờ tận tay, một đức tin xuất phát từ một tình yêu lớn. Khi Yêu và Tin thì chắc chắn cuộc đời sẽ Hạnh Phúc. Amen. Ra Đi