CN3 MC: Có nên giận dữ?

Thứ sáu - 02/03/2018 21:21  1453

Xh 20,1-17; 1Cr 1,22-25; Ga 2,13-25

Có ai trong chúng ta không hơn một lần nóng nảy tức giận? Có thể ông bà nóng nảy giận dỗi các cháu vì sự nghịch ngợm của chúng, cha mẹ bực bội nóng giận vì sự ngang bướng của các con, vợ chồng nóng nảy bực bội với nhau vì vô tình hay cố ý đã gây ra cho nhau những đau khổ, con cái cũng có thể bực bõ với cha mẹ, các cháu nóng nảy với ông bà… Giả như nóng nảy tức giận mà có lý do chính đáng ta có thể tạm chấp nhận, nhưng ngặt một lỗi nhiều lúc chúng ta nóng nảy vô cớ, không lý do, chỉ vì giận cá băm thớt hoặc vì lý do quá nhỏ mọn. Tin Mừng hôm nay kể rằng Chúa Giêsu vô cùng giận dữ đến nỗi đã dùng dây bện lại thành roi xua đuổi chiên bò ra khỏi đền thờ, hất tung tiền bạc, lật nhào bàn ghế của những người đổi tiền bạc tại các hành lang đền thờ Giêrusalem. Hành động của Chúa Giêsu xem ra hoàn toàn khác với bản chất hiền lành, khiêm nhường và nhịn nhục của Ngài. Tại sao Ngài lại có những phản ứng gay gắt, quyết liệt và không nhượng bộ như thế?

Với người Do thái nói chung và Chúa Giêsu nói riêng, đền thờ luôn có tính thánh thiêng, chỉ dùng cho việc thờ phụng Thiên Chúa. Dân chúng đến đền thờ cầu nguyện, dâng của lễ, nghe lời Chúa, đón nhận thánh ý và những ân huệ của Thiên Chúa để sống tốt hơn với bổn phận là một dân được tuyển chọn. Đền thờ không thể được dùng vào những việc thế tục và càng không được biến thành nơi buôn bán, kiếm chác, trục lợi. Vậy mà giới chức quản lý đền thờ cũng như những kẻ buôn bán đã làm ngơ và bỏ qua vai trò đích thực của đền thờ. Họ biến nơi đó thành nơi buôn bán, đổi chác, kiếm tiền và trục lợi. Càng tệ hơn nữa là họ đã nhân danh tôn giáo, nhân danh Thiên Chúa và sự thánh thiêng của đền thờ để làm chuyện thế tục ấy. Là người yêu mến Chúa Cha, say mê với công việc của Chúa Cha, hết lòng dẫn đưa con người đến với Chúa Cha, yêu mến đền thờ là nơi Chúa ngự, Chúa Giêsu không thể làm ngơ. Khi chứng kiến hành động của Chúa Giêsu, các môn đệ đã nhớ lại lời Kinh Thánh “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt vào thân.” Vì yêu mến Chúa Cha mà Chúa Giêsu làm tất cả dù phải thiệt thân.

Không chỉ vì muốn trả lại ý nghĩa đích thực cho đền thờ, Chúa Giêsu còn muốn lên án sự bất công, bóc lột, thiếu bác ái của giới chức quản lý đền thờ hay những người có liên hệ tới đền thờ. Theo luật thì mỗi người Do thái từ 19 tuổi trở lên phải nộp một khoản tiền thuế cho đền thờ, để duy trì việc dâng các sinh tế và lễ nghi trong đền thờ hàng ngày. Số tiền này tương đương với 2 ngày lương của một công nhân. Trong việc giao dịch bình thường, mọi loại tiền đều có giá trị lưu hành ở Palestine, nhưng tiền nộp thuế cho đền thờ phải là tiền của người Do thái, tiền của người ngoại bị coi là ô uế không thể dâng cho Thiên Chúa. Do đó, khách từ khắp nơi về đây phải đổi tiền Do thái để dâng vào đền thờ. Những người đổi tiền đã lợi dụng cơ hội này đổi tiền với giá cắt cổ. Cứ đổi 4 đồng tiền Do thái thì họ lời được một đồng tương đương một ngày công. Do đó, số tiền thuế đền thờ thu được và lợi tức đổi bạc vô cùng lớn. Thật là bất công và tệ hơn nữa là người ta nhân danh tôn giáo để làm điều bất công ấy.

Việc dâng chiên, bò, bồ câu cũng vậy. Thông thường mỗi lần đến đền thờ, người Do thái dâng một lễ vật tương ứng có thể để cảm tạ Thiên Chúa cho chuyến hành hương được bình an, hoặc cho các biến cố tốt đẹp xảy ra trong cuộc sống, hay về những ân huệ Chúa ban… Điều hết sức tự nhiên và tiện lợi là khách hành hương có thể mua lễ vật ấy tại sân đền thờ. Lễ vật muốn dâng hiến phải được kiểm duyệt để đảm bảo lành lặn không tì vết. Mỗi con vật được kiểm duyệt phải mất một khoản tiền nhất định. Nếu mua ở ngoài phải được kiểm duyệt tại đền thờ, nhưng việc kiểm duyệt này lại không dễ dàng và thường bị từ chối. Vì thế, khách phải mua lễ vật tại sân đền thờ. Mỗi con vật được mua ở đây đắt gấp 15 lần so với con vật được mua ở bên ngoài. Như vậy, khách hành hương bị bóc lột một cách trắng trợn nếu muốn dâng lễ vật. Bất công này càng trở nên tệ hơn vì nó được thực hiện dưới danh nghĩa Thiên Chúa. Làm sao một người dậy công bằng, đấu tranh cho công bằng, yêu thương hết tình, lại có thể chấp nhận cho bất công tự do tung hoành như vậy?

Cuối cùng, Chúa Giêsu còn cho thấy đền thờ cũ sẽ qua đi và nhường lại vị trí cho đền thờ mới. Đền thờ này mới thực sự là nơi Thiên Chúa hiện diện sung mãn. Nơi đây, con người sẽ tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý và sự thật, có thể gặp được Thiên Chúa trọn vẹn diện đối diện. Đền thờ ấy chính là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã mạc khải điều này khi trả lời chất vấn của người Do thái: “Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi: nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Đền thờ Giêrusalem xây dựng mất bao nhiêu thời gian “46 năm”, tốn bao nhiêu công sức, bao nhiêu tiền của, ai dám phá và nếu bị phá, ai có thể xây dựng nhanh như thế? Thật ra, ở đây Chúa Giêsu không có ý nói đến đền thờ vật chất như người Do thái vẫn nghĩ mà nói đến đền thờ thiêng liêng, đền thờ ấy chính là thân xác phục sinh của Ngài. Chính thánh Gioan đã khảng định “Đền thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây chính là thân thể Người” và các môn đệ cũng đã hiểu chân lý này sau khi Chúa Giêsu trỗi dậy từ cõi chết. Quả thật, chính sự hiện diện của Chúa Giêsu phục sinh và hằng sống đã khiến cả thế gian trở thành đền thờ của Thiên Chúa.

Chúng ta đã hiểu được lý do và mục đích sự nóng giận của Chúa Giêsu đối với những giới chức quản lý đền thờ và những người lợi dụng danh nghĩa đền thờ để trục lợi. Chúa phản ứng gay gắt dữ dội vì muốn trả lại ý nghĩa linh thánh cho đền thờ, lên án sự bất công bóc lột, mạc khải một đền thờ mới, đền thờ đích thực là thân xác phục sinh của Ngài. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta vẫn có những lúc nóng nảy tức giận, nhưng hãy nhớ rằng muốn nóng nảy tức giận phải có lý do và mục đích chính đáng. Không được giận cá băm thớt, tức với người này mà trút gánh nặng giận dữ lên người kia và tốt hơn là không nên tức giận. Hơn nữa, mỗi chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa làm sao cho xứng đáng qua thân xác phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời phải giữ tâm hồn cho xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa giúp chúng ta sống những gì chúng ta vừa xác tín, để chúng ta thực sự là người có Chúa và thuộc về Chúa. Amen.

Tác giả: Lm. Giuse Nguyễn Văn Toanh

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập394
  • Máy chủ tìm kiếm48
  • Khách viếng thăm346
  • Hôm nay52,983
  • Tháng hiện tại946,179
  • Tổng lượt truy cập78,949,630
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây