Chúa Nhật III Mùa Vọng
Is 61,1-2a.10-11; 1Tx 5,16-24; Ga 1,6-8.19-28
Chúa Nhật thứ III Mùa Vọng cũng còn gọi là Chúa Nhật của niềm vui. Lời kêu gọi rất rõ của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay là: "Anh em hãy vui mừng luôn mãi". Vì thế, Thánh lễ hôm nay chủ tế có thể mặc phẩm phục hồng để diễn tả niềm vui ấy.
Bài đọc I trong sách ngôn sứ Isaia diễn tả tâm tình tràn đầy niềm vui và hy vọng của đoàn dân Chúa sau cuộc lưu đầy ở Babylon trở về tái thiết quê hương và Đền Thờ. Isaia vui mừng vì được Thiên Chúa sai đi với một sứ vụ rõ ràng: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố năm hồng ân của Đức Chúa, ngày báo phục của Thiên Chúa.” Ơn gọi và sứ vụ của ngôn sứ Isaia được “hiện thực hóa” nơi Đức Giêsu khi Người công bố tóm lược ơn gọi và sứ vụ của Người lúc bắt đầu sứ vụ tại hội đường Nagiarét (Lc 4,18-19).
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày sứ vụ và căn tính của Gioan Tẩy giả: Người được Thiên Chúa sai đến để làm chứng cho Đức Giêsu là “Ngôi Lời Nhập thể, là sự sống, và là ánh sáng cho nhân loại” (Ga 1,6-7). Toàn con người và sứ vụ của Gioan nhắm đến sứ vụ làm chứng điều này.
Nhìn vào đời sống và những việc ông làm, nhiều người nghĩ ông là một ngôn sứ, hoặc là Êlia phải đến trước khi Đấng Kitô xuất hiện, tới mức có người tưởng ông là Đấng Kitô. Cả ba lần ông đều khẳng định “Không phải”, những tiếng “không” dứt khoát và trung thực. Ông không ảo tưởng, không nhận những danh hiệu người ta nghĩ về mình. Ông biết mình là ai và biết Đức Giêsu là Đấng nào, khi ông nói: “Người sẽ đến sau tôi và tôi không dáng cởi quai dép cho Người”.
Ông biết mình chỉ là “tiếng người hô trong hoang địa”. Sứ vụ đó làm nên tước hiệu “Tiền Hô” của Gioan. Thánh Augustinô đã giải thích như thế này: “Thánh Gioan là tiếng, còn Chúa, ngay từ nguyên thuỷ, đã là Lời. Thánh Gioan là tiếng trong thời gian, còn Đức Ki-tô, ngay từ lúc khởi đầu, đã là Lời vĩnh cửu”. Tiếng hô của Gioan là để diễn tả lời của Thiên Chúa với sứ điệp: “Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi”.
Với sứ vụ như trên, Gioan xuất hiện trong hoang địa Giuđê, quanh khu vực sông Giócđan kêu gọi dân chúng chịu phép rửa trong nước để tỏ lòng sám hối, chuẩn bị đón ơn cứu độ, và làm chứng về Đức Giêsu là Đấng phải đến. Mọi lời nói và hành động của Gioan gắn chặt với cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu - Ngôi Lời Nhập Thể. Chính thân phụ của Gioan cũng đã nói tiên tri khi Gioan chào đời: “…Con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người, bảo cho dân Chúa biết rằng Người sẽ cứu độ, là tha cho họ hết mọi tội khiên” (Lc 1,76-77).
Đức Giêsu đã đến với nhân loại từ hơn 2000 năm rồi, nhưng cho đến hôm nay vẫn còn nhiều người chưa nhận biết Ngài. Họ vẫn còn khắc khoải đi tìm những nẻo đường cứu độ, thật đúng như lời Gioan đã nói: "Giữa các ngươi có một Ðấng mà các ngươi không biết" (Ga 1,26). Chúng ta hãy xin Chúa biến đổi chúng ta thành những người làm chứng như Gioan Tẩy Giả, để chúng ta giới thiệu Chúa cho những người đang tìm kiếm Ngài. Điều kiện tiên quyết của người làm chứng phải có là sống đúng với chứng từ của mình. Chúng ta hãy sống đúng với danh xưng kitô hữu của mình trong cuộc sống hằng ngày.
Những lời Thánh Phaolô nhắn gửi các tín hữu Thêxalônica trong Bài đọc II cũng là những việc làm thiết thực của Mùa Vọng để chuẩn bị đón Chúa đến ban tràn đầy niềm vui cho chúng ta: “Hãy cầu nguyện không ngừng, tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, đừng dập tắt Thần Khí”, và “Hãy cân nhắc mọi sự: điều tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì tránh cho xa”. Nguyện xin Chúa thương giúp chúng ta sống sao để trở thành chứng nhân cho ánh sáng.