CN 33: Lễ các thánh Tử đạo Việt Nam
Kn 3,1-9 – Rm 8,31b-39 - Lc 9,23-26
Giai đoạn lịch sử thời các thánh Tử Đạo Việt Nam kéo dài đúng 117 năm, tính từ hai vị tử đạo tiên khởi 1745 (thánh Phanxicô Federich Tế và Matthêu Liciniana Đậu) đến vị cuối cùng 1862 (thánh Phêrô Đa), qua các triều đại vua Lê - chúa Trịnh, Tây Sơn và triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức).
Nếu xét lịch sử Giáo hội Việt Nam theo niên biểu 1533, khởi đầu bằng giáo sĩ I-ni-khu (Iñigo) được nhắc đến trong Khâm Định Việt sử, thì thời các thánh tử đạo phải nói là hoa quả của hơn hai thế kỷ Lời Thiên Chúa đã được gieo trồng trên quê hương Việt Nam. Xét về thành phần tử đạo, ngoài các giám mục và linh mục, ta thấy còn có các giáo dân thuộc mọi tầng lớp như quan trường có thánh Hy, quan án có thánh Khảm (con là cụ cai Tả), quân ngũ có những cai đội hoặc chưởng vệ, xuống đến những binh sĩ tầm thường, hương chức có những chánh tổng, lý trưởng. Xét về nghề nghiệp ta thấy có lang y, thương gia, có thợ may, thợ dệt, thợ mộc, cả dân chài, nhưng đông đảo nhất vẫn là giới nông dân (10 vị).
Martyr theo nguyên ngữ có nghĩa là nhân chứng. Trước khi phải làm chứng cho Chúa bằng máu đào, cuộc đời của các thánh tử đạo đã là một chứng từ. Để trả lời câu hỏi: các thánh tử đạo đã sống thế nào? Chúng ta có thể chú ý đặc biệt đến năm vấn đề sau :
1. Sống thân ái với mọi người
Người Việt Nam thường nói: "Phép vua thua lệ làng". Mặc cho triều đình nhà Nguyễn ra những chiếu chỉ bách hại, người Công giáo vẫn sống tình làng nghĩa xóm với bà con lương dân. Ngay cả khi vua Tự Đức đã ra chiếu chỉ phân tháp ngày 5-8-1861, phân tán các tín hữu, giao cho lương dân quản lý cả người lẫn của cải, Giáo hội vẫn tồn tại nhờ nhiều người không theo lệnh vua. Chính trong bối cảnh thân ái của đại đa số người dân Việt Nam, các tín hữu có nhiều cơ may thể hiện sự gắn bó, tinh thần phục vụ và lòng bác ái của Tin Mừng.
2. Tôn trọng vua quan và hết lòng vì quê hương
Là người dân trong nước, các vị tử đạo cũng như mọi tín hữu khác sẵn sàng thi hành nghĩa vụ công dân, từ thuế khóa cho đến gia nhập quân ngũ. Các ngài còn làm chứng cho nội dung Tin Mừng bằng thái độ sống của mình với vua quan. Tất cả các ngài đều tỏ vẻ kính trọng giới quan quyền, nói năng lịch sự, hòa nhã, thưa bẩm đúng qui cách. Dường như đối với các ngài, phải tìm mọi cách để giúp quan quân gặp được Chân lý của Tin Mừng.
3. Sống Tin Mừng yêu thương
Chân dung đích thực cuộc đời các thánh tử đạo nổi bật ở lòng yêu thương, rộng rãi giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật. Những mẫu gương yêu thương của các thánh tử đạo với mảnh đất và con người Việt Nam là một di sản quí giá thôi thúc kêu mời chúng ta phải phát huy, với những cách thế hữu hiệu và cụ thể hơn để phục vụ tha nhân, nhất là những người cùng khổ.
4. Mặn nồng tình nghĩa gia đình
Một trong những đóng góp của đạo Công giáo vào cơ chế Pháp lý gia đình Việt Nam, là luật lệ một vợ một chồng. Trong danh sách 117, trừ một số theo đạo khi đã trưởng thành, còn những ai sinh ra trong gia đình Công giáo đều được rửa tội và giáo dục đức tin ngay từ bé. Thầy Đaminh Úy từng mạnh dạn tuyên bố, giữ vững niềm tin là giữ đạo cha ông : "Nếu tôi cả gan bước lên thánh giá, thì tôi xúc phạm đến Chúa và bất hiếu với cha mẹ. Vì song thân sinh ra tôi đã dạy tôi trung thành với niềm tin cho đến chết". Nói chung các vị tử đạo khi bị bắt không thoát khỏi tình cảm quyến luyến với người thân, có điều các vị chọn lựa Thiên Chúa và tin tưởng phó thác người thân cho Ngài. Ông Martinô Thọ căn dặn các con vào thăm ông trong tù: "Các con thân mến, cha không còn làm gì giúp các con ở thế gian này được nữa, cha chỉ còn lo chuẩn bị tâm hồn đón nhận những thử thách cuối cùng. Ý Chúa đã muốn cha xa lìa các con mãi mãi, nhưng các con còn có mẹ, hãy cố gắng vâng lời mẹ. Các con lớn hãy nhớ quan tâm săn sóc em mình. Các con nhỏ phải biết kính trọng vâng lời anh chị. Hãy thương yêu nhau, siêng năng làm việc đỡ đần mẹ. Hãy nhớ đọc kinh tối sáng và lần chuỗi Mân Côi hằng ngày. Chúa trao cho mỗi người một thánh giá riêng, hãy vui vẻ vác theo chân Chúa và kiên trung giữ đạo". Bà mẹ binh sĩ Anrê Trông đã có mặt trong cuộc hành quyết để dâng hiến người con trai duy nhất. Bà đi cạnh con, không than khóc, không sầu buồn, lại bình tĩnh khuyên con bền chí. Và khi đầu vị tử đạo rơi xuống, bà mạnh dạn tiến vào pháp trường và nói với quan : "Đây là con tôi, xin các ông trả lại cái đầu nó cho tôi". Rồi bà mở rộng vạt áo, bọc lấy thủ cấp của người con yêu quí, đem về an táng ngay trong nhà.
5. Kính yêu Đức Trinh Nữ Maria
Nếu nói đến đời sống các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta không thể bỏ qua lòng tôn sùng Đức Maria của các vị. Lòng tôn kính đó thể hiện qua các thứ Bảy đầu tháng, với những cuộc rước long trọng, qua tháng Hoa và tháng Mân Côi mỗi năm, đặc biệt qua việc siêng năng lần chuỗi Mân Côi hằng ngày, cả khi trong ngục tù cũng như trên đường ra pháp trường.
Mừng kính các thánh Tử đạo Việt nam, chúng ta nhớ lại cuộc sống và cái chết của các ngài. Chúng ta ý thức được rằng đức tin mà chúng ta lãnh nhận, đã được gieo trồng trong máu các thánh tử đạo, và được vun xới bằng bao công sức gian khổ của tiền nhân, chúng ta phải hết sức trân trọng, giữ gìn và phát huy đức tin bằng cả cuộc đời. Mỗi người chúng ta hãy noi gương các bậc tiền nhân anh dũng, cùng nhau viết tiếp trang sử vàng của lòng trung thành với niềm tin Kitô giáo, can đảm sống đạo qua những hành động cụ thể: sống thân ái, tôn trọng và yêu thương mọi người, mặn nồng tình nghĩa gia đình, để qua nếp sống hằng ngày của mỗi người trong địa vị và môi trường sống của mình, chúng ta trở nên những chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa lòng Giáo Hội và xã hội hôm nay.
Lm. Gioan B. Vũ Quốc Đạt