CN 29 - CN truyền giáo
Rm 10,9-18 ; Mt 28, 16-20
Trong Chúa Nhật 29 này, toàn thể Giáo Hội cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng của mình gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp. Câu hỏi đặt ra cho mỗi người tín hữu chúng ta là truyền giáo là gì? Tại sao chúng ta phải truyền giáo? Chúng ta phải truyền giáo như thế nào cho đạt kết quả tốt như Chúa mong đợi?
1. Truyền giáo là gì?
Theo nghĩa rộng, truyền giáo là loan báo Phúc Âm cho mọi người theo lệnh truyền của Chúa Kitô “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em ãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,18-19). Nói một cách cụ thể, truyền giáo là giới thiệu đức tin, tình yêu và niềm hy vọng của Giáo Hội vào Thiên Chúa Ba Ngôi cho người khác. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng, yêu thương và cứu độ nhân loại. Như thế, mục đích của truyền giáo chính là làm cho con người được tham dự vào tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, làm cho Phúc Âm của Đức Ki tô thấm nhập mọi khía cạnh của cuộc sống.
Theo nghĩa hẹp, truyền giáo là truyền bá đức tin Kitô và thiết lập các giáo đoàn mới nơi các dân tộc hay các nhóm người chưa tin Chúa Kitô, làm cho Phúc Âm thấm nhập vào nền văn hoá của các dân tộc. Nói thế có nghĩa là làm cho mọi người biết Thiên Chúa, biết Chúa Kitô, biết và sống Tin Mừng của Ngài trong những hoàn cảnh cụ thể. Nói một cách cụ thể, truyền giáo là giúp mọi người biết suy nghĩ, nói năng và hành động theo các giá trị của Tin Mừng trong từng hoàn cảnh sống. Ví dụ: sống đạo đức, yêu thương, tha thứ, hiệp nhất, rộng lượng, bao dung…
2. Tại sao phải truyền giáo?
Trước hết, chúng ta phải truyền giáo vì đó là lệnh truyền của Đức Kitô. Quả thật, đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể lại rằng sau khi sống lại từ cõi chết và trước khi lên trời, Chúa Giêsu đã hiện ra và nói với các môn đệ “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em” (Mt 28, 18-20). Tin Mừng theo thánh Gioan cũng ghi lại lệnh truyền của Đức Giêsu như sau: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,20). Như thế, rao giảng Tin Mừng chính là lệnh truyền của Đức Giêsu.
Thứ đến, chúng ta phải truyền giáo vì đó là sứ mạng căn bản hay căn tính của Giáo Hội. Giáo Hội không còn là Giáo Hội của Chúa Kitô nữa nếu Giáo Hội không con truyền giáo, kitô hữu không còn là kitô hữu nữa nếu không hết lòng giới thiệu Thiên Chúa, Chúa Kitô và Tin Mừng cho tha nhân. Mọi kitô hữu đã được lãnh nhận sứ mạng này trong ngày chịu phép Rửa tội cùng với chức năng tư tế và vương giả. Nếu chức năng ngôn sứ hay rao giảng Tin Mừng bị mất đi thì giả thiết chúng ta không còn thực sự là kitô hữu nữa. Mặt khác, dù đã hơn hai ngàn năm rồi, nhưng Tin Mừng cứu độ của Đức Kitô mới chỉ có trên dưới 1/3 nhân loại hiểu biết và đón nhận, chưa kể đến tình trạng nhiều người có đức tin nhưng lại không thực sự sống các giá trị Tin Mừng.
3. Phải truyền giáo bằng cách nào để có được kết quả tốt?
Trước hết, chúng ta truyền giáo bằng cách giới thiệu Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho người khác. Thánh Phaolô bảo rằng, người ta sẽ không thể nghe Tin Mừng nếu không có người rao giảng, không thể có người rao giảng nếu không có người được sai đi. Vì thế, mỗi kitô hữu phải ra đi loan báo Tin Mừng cho người khác. Muốn nói về Chúa và Tin Mừng cho tha nhân, các kitô hữu phải hiểu biết Chúa và Tin Mừng của Ngài. Để hiểu biết sâu sắc về Chúa và Tin Mừng, ccs kitô hữu phải học hỏi, tìm kiếm và khám phá về Chúa. Cách tốt nhất để khám phá về Chúa và Tin Mừng là đọc, suy gẫm, cầu nguyện và sống Lời Chúa. Hỏi rằng chúng ta đã nghiêm túc và chăm chỉ làm công việc ấy chưa?
Thứ đến, không thể rao giảng Lời Chúa một cách hiệu quả nếu kitô hữu không xác tín và sống điều mình rao giảng. Về điểm này, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Thế giới hôm nay cần chứng nhân hơn là thầy dạy.” Thật vậy, một người nói hay về Chúa, nói tốt về Tin Mừng mà không hề tin, không hề sống điều mình trình bày thì thật khó để thuyết phục người khác tin và sống Tin Mừng. Người ta vẫn thường nói “Lời nói lung lay, gương lành lôi kéo” = một người sống tốt thì đương nhiên đời sống của họ đã là lời rao giảng hùng hồn rồi.
Sau khi lãnh nhận bí tích Rửa tội, các kitô hữu được thông phần vào sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội, sứ mạng phát xuất từ lệnh truyền của Chúa Giêsu. Muốn cho sứ mạng ấy đạt được kết quả tốt đẹp, người kitô hữu vừa phải rao giảng vừa phải sống điều mình rao giảng. Thử hỏi là môn đệ Chúa Kitô, tôi đã thực sự ý thức sứ mạng truyền giáo cao cả làm nên căn tính của tôi chưa? Tôi có nỗ lực đem Tin Mừng của Chúa đến với người khác bằng lời rao giảng và một đời sống tốt lành không? Xin Chúa cho chúng ta vừa biết rao giảng Tin Mừng vừa biết sống những giá trị mình rao giảng bằng cách yêu thương, tha thứ, phục vụ, kiên nhẫn, hy sinh, đoàn kết và đạo đức trong những hoàn cảnh cụ thể. Amen.