Lễ Mình Máu Thánh Chúa
Xh 24,3-8; Dt 9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
Sống trong xã hội hiện đại, chúng ta không thấy xa lạ với khái niệm hợp đồng. Chúng ta biết khi hai bên ký hợp đồng là hai bên chấp nhận bị ràng buộc với những quyền lợi và trách nhiệm theo điều khoản của hợp đồng. Là kitô hữu, chúng ta không chỉ được nghe nói đến hợp đồng mà còn được nghe nói nhiều về Giao ước, một sự thỏa thuận giữa Thiên Chúa và con người. Giao ước ấy đã được Thiên Chúa ký kết với dân Israel trong thời Cựu ước qua trung gian Môisê và được ký kết với toàn thể nhân loại trong thời Tân ước qua trung gian Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hỏi Giao ước cũ có ý nghĩa gì với dân Israel trong thời Cựu ước và Giao ước mới có ý nghĩa gì với tất cả nhân loại chúng ta trong thời Tân ước?
Với dân Israel, việc ký kết Giao ước có vai trò quyết định đến vận mệnh của họ. Từ một đám đông ô hợp chịu cảnh nô lệ bên Aicập, họ được Thiên Chúa giải phóng, trở thành một dân tự do, dân thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa nhờ Giao ước. Khi ký kết Giao ước với dân, Thiên Chúa chấp nhận trở thành người dẫn dắt, chở che và gìn giữ dân trước mọi hiểm nguy và thử thách. Ngài ban cho họ lề luật để bảo vệ họ trong sự trung thành với Ngài. Việc trung thành tuân giữ lề luật là bảo đảm cho mọi phúc lành của Thiên Chúa. Chính vì tầm quan trọng đặc biệt của Giao ước mà Môsê, người tôi trung của Thiên Chúa, đã cử hành lễ ký kết rất nghiêm túc và trang trọng. Ông lập một bàn thờ dưới chân núi Sinai và dựng 12 trụ đá cho 12 chi tộc Israel; sai các thanh niên trong dân dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm lễ kỳ an tế Thiên Chúa; lấy một nửa số máu rảy trên bàn thờ và đọc sách giao ước cho dân; toàn dân thưa: “mọi điều Thiên Chúa phán, chúng tôi xin thi hành và tuân theo”; lấy một nửa máu còn lại rảy trên dân và nói: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.” Làm như vậy là Môsê muốn nói với dân rằng Thiên Chúa đã yêu anh em, đã hạ mình ký kết giao ước với anh em, Ngài trở thành Chúa tể, Đấng chở che anh em trước mọi hiểm nguy và chúc lành cho anh em trong mọi hoàn cảnh. Còn anh em, anh em phải trung thành với luật của Giao ước. Việc sống còn của anh em, được hưởng phúc lành hay không là tùy thuộc vào sự trung thành của anh em.
Với toàn thể nhân loại trong thời Tân ước, việc Chúa Giêsu ký kết Giao ước bảo đảm hoàn toàn cho ơn cứu độ. Không giống như Môsê ký kết Giao ước với Thiên Chúa bằng máu chiên bò dê, Chúa Giêsu ký kết bằng máu thánh của chính mình “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người.” Và như vậy, máu của Chúa Giêsu trở thành máu của Giao ước mới, Giao ước có sức cứu độ toàn vẹn nhân loại. Thư Do thái đã diễn tả thật tuyệt vời giá trị máu Giao ước của Chúa Giêsu đổ ra cho nhân loại “Đức Kitô làm thượng tế đem phúc lộc đến cho cả thế giới tương lai. Ngài đi qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm làm nên. Ngài vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình. Ngài vào chỉ một lần và đã lãnh nhận ơn cứu độ vĩnh viễn cho chúng ta.” Như thế, Chúa Giêsu là thượng tế của Giao ước mới, đã dâng mạng sống mình cho cả nhân loại, đã đổ máu mình ra tẩy rửa tất cả tội lỗi của chúng ta, thanh tẩy lương tâm con người khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống. Ngài là trung gian của Giao ước mới, lấy cái chết của mình chuộc lỗi người ta và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi lãnh nhận gia nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.
Không chỉ đổ máu ra để ký kết Giao ước mới, dấu hiệu của tình thương cứu độ, mà Chúa Giêsu còn trao ban thịt làm của ăn, máu làm của uống, đem lại sự sống đời đời cho tất cả chúng ta. Tin Mừng hôm nay kể rằng đang trong bữa ăn Vượt qua, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các tông đồ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Rồi Ngài cũng cầm lấy chén rượu, dâng lời tạ ơn, trao cho các ông và tất cả đều uống. Ngài bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn dân.” Vậy là bánh các ông ăn và chén các ông uống không phải là bánh và rượu bình thường mà là thịt và máu Chúa. Vâng, quả thật là như vậy. Chúng ta còn nhớ trình thuật bánh hằng sống mà thánh Gioan ghi lại thế nào? Trình thuật cho biết Chúa Giêsu đã nói đi nói lại nhiều lần với các thính giả Do thái rằng thịt của Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống, máu của Ngài là của uống đem lại phúc trường sinh. Những lời báo trước ấy đã được thực hiện trong bí tích Thánh Thể. Thánh Phaolô hỏi các tín hữu Côrinthô rằng “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ứ? Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” Thần lương đem lại sự sống đời đời ấy, thức uống đem lại phúc trường sinh ấy vẫn còn được tiếp tục trao ban qua mỗi thánh lễ.
Thiên Chúa đã vì yêu thương mà thiết lập Giao ước với dân Israel, làm cho dân này trở thành dân riêng, dân được tuyển chọn và hưởng phúc lành của Ngài. Giao ước ấy chuẩn bị và là hình bóng của Giao ước mới, Giao ước vĩnh cửu mà Chúa Giêsu đã ký kết chỉ một lần thay cho tất cả với nhân loại. Giao ước mới này được ký kết bằng máu của chính Người. Qua Giao ước này, thịt của Chúa trở thành thần lương nuôi sống linh hồn ta, máu của Chúa trở thành thức uống giải khát vĩnh viễn cơn khát của linh hồn ta. Máu ấy còn có sức tẩy rửa lương tâm ta sạch mọi vết nhơ tội lỗi và làm cho ta trở nên xứng đáng phụng thờ một mình Thiên Chúa hằng sống. Chúng ta cảm tạ Chúa vì hồng ân vô cùng cao cả này và cầu xin Chúa gìn giữ linh hồn ta luôn trong sạch, xứng đáng là nơi cho Chúa Giêsu Thánh Thể ngự vào. Amen.