Người trẻ trong kỷ nguyên 4.0

Thứ bảy - 25/04/2020 21:25  1748
unnamed 6Người trẻ là hiện tại và tương lai của Giáo Hội và thế giới.[[1]] Với một con tim tràn đầy năng lượng, một tinh thần nhiệt thành và một sức trẻ năng động, người trẻ không ngừng dấn thân trong các hoạt động của Giáo Hội và xã hội. Nhận thức được sự ảnh hưởng và vai trò quan trọng của giới trẻ, cũng như tình yêu mến và sự quan tâm đối với giới trẻ, các Đức Giáo Hoàng đã đưa ra những chương trình mục vụ đặc biệt cho giới trẻ như một cách thế để nuôi dưỡng đức tin và lòng nhiệt thành của họ. Hơn nữa, Giáo Hội nhận ra những khó khăn và thách đố mà người trẻ đang phải đối diện khi sống trong kỷ nguyên của khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại. Họ dễ dàng bị lôi kéo vào các trào lưu thế tục, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa dửng dưng, chủ nghĩa hưởng thụ, và văn hóa loại bỏ. Những nét đẹp văn hóa, truyền thống đức tin và đời sống luân lý đang bị thay thế bởi những tư tưởng hiện đại, những cách sống phóng khoáng và dễ dãi. Đại Hội thường kỳ thứ XV của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới 2018 đã lấy chủ đề “Giới trẻ, Đức tin và việc Phân định Ơn gọi” với mục tiêu Giáo Hội đồng hành cùng người trẻ trong hành trình đức tin và biện phân ơn gọi. Để đạt được điều đó, Giáo Hội cần đi vào thế giới của người trẻ, hiểu được tâm lý, văn hóa và tình trạng đức tin của họ, nhờ đó sẽ đưa ra chương trình mục vụ phù hợp với bối cảnh mà người trẻ đang sống.

Tâm lý của người trẻ

Không có một định nghĩa phổ quát hay mang tính chất toàn cầu cho việc định nghĩa về giới trẻ, hay còn gọi là “tuổi trẻ”, “người trẻ”, “thanh niên”. Định nghĩa và quy định độ tuổi của giới trẻ sẽ tùy thuộc vào mỗi vùng miền, quốc gia dựa theo văn hóa và truyền thống của họ. Trong Tài liệu chuẩn bị của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2018, “giới trẻ” là những người thuộc nhóm tuổi từ 16 đến 29, nhưng chữ này được thích nghi đối với các hoàn cảnh địa phương. Theo các nhà tâm lý như Carl Jung và Erik Erikson,[[2]] giới trẻ là những người ở trong giai đoạn từ lúc dậy thì cho đến tuổi trưởng thành, họ muốn sống độc lập, xây dựng các mối quan hệ, tạo một chỗ đứng trong xã hội, và khẳng định cái tôi của mình. Đây là giai đoạn phát triển về thể lý, tâm lý, trí tuệ, khả năng tư duy, sáng tạo và khám phá những cái mới. Trong giai đoạn này, ý chí, nghị lực, tinh thần trách nhiệm của người trẻ khá cao. Đồng thời, theo Erikson, tuổi trẻ là tuổi của những sự chọn lựa, của tình cảm và lao động, của học hành và nghề nghiệp. Họ cố gắng đi tìm bản thân qua những câu hỏi như tôi là ai, đâu là những điều tôi tin, tôi thuộc về đâu, đâu là ước mơ của tôi. Họ nhận ra sức mạnh, giá trị, nhân phẩm và tự do của mình. Họ không muốn lệ thuộc vào cha mẹ hay người lớn, họ muốn tự mình quyết định sự nghiệp, tương lai cho mình. Họ bắt đầu lựa chọn nghề nghiệp theo khả năng và đi tìm lý tưởng sống. Một khi đã tìm ra lý tưởng sống, họ sẽ trung thành với lý tưởng đó. Họ chọn cho mình những thần tượng, người mẫu lý tưởng và bắt chước họ từ lối sống đến suy nghĩ và hành động.

Giai đoạn tuổi trẻ cũng là gia đoạn gặp nhiều khó khăn và khủng hoảng. Sự thay đổi về thể lý, tâm lý và tình cảm khiến họ dễ rơi vào bối rối, nghi ngờ, và mơ hồ. Họ ở giai đoạn giữa trẻ con và người lớn, nên tính cách trẻ con vẫn còn ở trong họ, trong khi họ chưa đủ lớn để quyết đoán mọi sự. Họ muốn hành động như một người trưởng thành nhưng các nhân cách và phẩm chất của một người trưởng thành chưa hoàn thiện trong họ. Hơn nữa, trong mắt người lớn họ vẫn còn là một đứa trẻ, trong khi đối với trẻ con thì họ đã là người lớn. Sự giằng co trong giai đoạn này khiến người trẻ dễ rơi vào sự khủng hoảng tâm lý. Do đó, người trẻ cần có những người đồng hành để được hướng dẫn và tham khảo, đó là những người  gần gũi, đáng tin cậy, biết lắng nghe những chia sẻ của họ, đón nhận những giới hạn của họ với lòng vị tha, cảm thông, không kết án, nhưng khuyến khích và nâng đỡ họ, nhờ đó họ tìm được định hướng đúng đắn cho cuộc đời mình.[[3]]

Văn hóa của người trẻ

Sống trong thế giới hiện đại, người trẻ được thừa hưởng sự phát triển của kinh tế, khoa học kỹ thuật và công nghệ. Sự phát triển này đưa lại cho họ những cơ hội và cả những thách thức. Văn hóa và lối sống của họ rất khác so với thế hệ của cha mẹ và những nhà giáo dục của họ. Giới trẻ hôm nay được gọi bằng những cái tên rất “hot” như thế hệ “X”, “Y”, “Z”, thế hệ “Net”, thế hệ “Facebook”, thế hệ “Selfie”. Họ muốn trở nên nổi tiếng, tạo sự khác biệt, muốn làm giàu và tự chủ. Đồng thời họ cũng mang trong mình khát vọng cống hiến và phục vụ. Với một năng lượng tích cực tràn đầy, người trẻ muốn được đóng góp cho sự phát triển của xã hội và con người. Đối với người trẻ Công giáo, rất nhiều bạn đã hăng say trong các hoạt động tình nguyện, các công việc bác ái, giúp đỡ người nghèo, giảng dạy giáo lý và truyền giáo. Đây là cơ hội để họ để họ khám phá và đào sâu đức tin, cũng như biện phân ơn gọi của mình. Bên cạnh đó họ sử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội như một không gian để nối kết, giao lưu, chia sẻ, và học hỏi lẫn nhau. Họ cởi mởi đón nhận sự sự đa văn hóa, tôn giáo, sắc tộc và quốc gia để kiến tạo hòa bình, hòa nhập và đối thoại.[[4]] Họ đã dùng kỹ thuật truyền thông hiện đại để trở nên một “thế hệ siêu nối kết”[[5]] trong sự hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn.

Nghệ thuật, âm nhạc, thể thao là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người trẻ. Nơi đó họ được thể hiện niềm đam mê, sở thích và tài năng của mình. Thượng Hội Đồng Giám mục đã đánh giá rất cao tầm quan trọng của những người trẻ dành cho nghệ thuật dưới mọi hình thức. Ngôn ngữ của âm nhạc, thể thao, nghệ thuật đã đưa lại những phong cách và cảm xúc cho người trẻ. Vậy nên việc sử dụng nghệ thuật trong mục vụ giới trẻ là điều cần thiết, vì đó là cách thế hữu hiệu để gặp gỡ, lắng nghe và đi vào thế giới của người trẻ, đồng thời là phương tiện người trẻ dùng để truyền bá Tin Mừng và Phúc Âm hóa.

Bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển của thế giới hiện đại và phương tiện truyền thông, người trẻ còn gặp nhiều khó khăn khi đối diện với mặt tiêu cực của nó. Sống trong một xã hội thay đổi không ngừng đòi hỏi người trẻ luôn phải cố gắng để thích nghi và có đủ khả năng đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của nó. Trong khi đó người trẻ là người dễ bị tổn thương và chịu nhiều áp lực. Sự kỳ vọng quá lớn của lớn của gia đình, sự thất bại của bản thân, sự kỳ thị của xã hội, thất nghiệp, sự bất công, bạo lực, loại trừ và bỏ rơi là những cú sốc tâm lý gây nên những thương tổn trong cuộc sống của người trẻ. Hơn nữa sống trong môi trường khắc khổ của chiến tranh, di cư, thất nghiệp, đã khiến nhiều người trẻ trở thành nạn nhân của nạn buôn người, các băng đảng tội phạm, bị lạm dụng tình dục, và bóc lột sức lao động. Họ trở nên nô lệ cho những hình thức bóc lột mới.

Công nghệ hiện đại cũng trở thành công cụ cám dỗ tinh vi đối với người trẻ. Họ bị lôi cuốn vào thế giới kỹ thuật số với các trào lưu và lối sống ảo. Mạng Internet là nơi nối kết, nhưng cũng là nơi làm cho người ta ra xa nhau nhất. Mỗi ngày người trẻ bỏ ra hàng giờ để lướt facebook, chơi game, trong khi đó họ lại không có giờ để gặp gỡ gia đình, bạn bè và cầu nguyện. Trong Christus Vivid số 90, Đức Giáo Hoàng Phanxico nhận định, “Việc chìm đắm trong thế giới ảo dễ dàng đưa tới một kiểu “di cư kỹ thuật số”, nghĩa là xa rời gia đình cũng như các giá trị văn hoá và tôn giáo. Thái độ này đẩy nhiều người vào một thế giới cô đơn và tự dò dẫm, đến mức họ cảm thấy mất gốc mặc dù trong thực tế họ vẫn ở chỗ đó”. Đồng thời lối sống ảo cũng làm cho người trẻ dễ bị mất phương hướng và rơi vào trạng thái nghi ngờ căn tính của mình; các giá trị đức tin, văn hóa truyền thống, đạo đức và luân lý cũng bị giảm sút nơi người trẻ. Tư tưởng hiện đại, phóng khoáng và thuyết tương đối tạo nên lối sống dễ dãi và thích hưởng thụ. Sống thử trước hôn nhân, phá thai, các loại nghiện ngập (ma túy, Internet game, cờ bạc) đang trở thành vấn nạn trong xã hội ngày nay. Trong bối cảnh này, Giáo Hội cần quan tâm đặc biệt đến người trẻ, bảo vệ cuộc sống và nhân phẩm của họ bằng những chương trình mục vụ cụ thể.

Đức tin nơi người trẻ

Hình ảnh hàng ngàn bạn trẻ quy tụ tham dự các kỳ Đại Hội Giới Trẻ cấp quốc tế, và cấp giáo phận được Giáo Hội Hoàn vũ cũng như Giáo Hội địa phương tổ chức như một dấu chỉ cho thấy người trẻ vẫn đang rất khát khao một đời sống đức tin và khát vọng tìm kiếm chân lý. Thực vậy, sống trong bầu khí sôi động của thế giới cùng với lòng hăng say của tuổi trẻ, các bạn muốn thể hiện đức tin của mình một cách sống động và cụ thể. Rất nhiều bạn tích cực tham gia vào các phong trào được tổ chức trong các giáo xứ, cộng đoàn. Họ là thành phần nòng cốt trong đội ngũ giáo lý viên, thiện nguyện viên. Các công tác bác ái xã hội, phục vụ và giúp đỡ người nghèo cũng được các bạn tích cực hưởng ứng. Rất nhiều bạn trẻ còn giữ được những việc đạo đức truyền thống và tham dự Thánh lễ, nhất là Thánh lễ Chúa Nhật. Họ đã thiết lập được tình bạn với Chúa Giêsu qua việc gặp gỡ Ngài trong các Bí tích và nơi những người họ được mời gọi để phục vụ. Tinh thần trẻ trung của Giáo Hội đã được thể hiện nơi họ.

Tuy nhiên, không phải tất cả các bạn trẻ giữ được ngọn lửa đức tin và lòng nhiệt thành tông đồ trong mình. Vì thế, một trong những vấn nạn mà Giáo Hội quan tâm hiện nay là vấn đề đức tin và luân lý của giới trẻ, đặc biệt tại các nước phát triển. “Đối với rất nhiều người trẻ, những từ “Thiên Chúa”, “tôn giáo” và “Giáo Hội” dường như không có ý nghĩa gì, nhưng họ lại bị đánh động bởi nhân vật Giêsu, khi họ được nghe giới thiệu cách hấp dẫn và thực tế về Người”.[6] Rất nhiều người tuyên bố họ có đời sống tâm linh, nhưng không thuộc về tôn giáo, hoặc tin vào Thiên Chúa nhưng không thuộc về Giáo Hội. Tư tưởng “đạo nào cũng là đạo nào”, hoặc “đạo tại tâm” làm cho họ “đánh đồng” niềm tin Kitô giáo, và cảm thức “thuộc về” một cộng đoàn đức tin hay Hội Thánh đã bị đánh mất nơi họ. Vậy nên, đời sống đức tin của nhiều người trẻ bị sa sút. Họ không còn cảm thấy cần thiết để tham dự các Thánh lễ, kể các Thánh lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng, các Bí tích và các điều răn. Hậu quả của việc coi thường niềm tin là đời sống đạo đức, luân lý bị xuống cấp. Như đã đề cử bên trên, việc bỏ qua các chuẩn mực đạo đức đã dẫn dẫn đến lối sống dễ dãi và buông thả nơi nhiều người trẻ này nay.

“Này bạn trẻ, Ta bảo con: Hãy chỗi dậy” (cf. Lk 7:14) là câu chủ đề của sứ điệp cho ngày Giới trẻ thế giới 2020, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dùng lời Chúa Giêsu thúc dục con trai bà góa thành Nain để nói với giới trẻ rằng Chúa Giêsu cũng đang thúc giục các bạn trỗi dậy từ “sự mất sức sống nội tâm, các giấc mơ, sự hào hứng, tính lạc quan và lòng quảng đại”. Vì thế, Mục vụ Giới trẻ cần đưa ra những chương trình cụ thể để đồng hành với người trẻ, nhằm giúp các bạn đáp lại lời thúc giục của Chúa Giêsu và mau mắn bước đi trên con đường mới. Nhưng việc đồng hành ở đây không chỉ là trách nhiệm của một mình Giáo Hội, hay các vị lãnh đạo trong Giáo Hội, mà cần có sự cộng tác của gia đình, nhà trường và xã hội, vì đây là những môi trường ảnh hưởng lớn đến sự hình thành nhân cách và lối sống của người trẻ. Ước mong người trẻ nhận được sự quan tâm và đồng hành nhiều hơn nữa, nhờ đó họ được lớn lên trong đức tin, trưởng thành trong nhân cách, và chọn lựa cho mình một ơn gọi phù hợp với lý tưởng sống

[[1]] Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng - Christus Vivit. http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/TongHuan/ChristusVivit/03Christusvivit_LCD.htm
[[2]] Fiest, J., Fiest, G. J., & Roberts. Theories of personality (9th Ed.). MCGraw-Hill Education. 2018.
 
[[3]] Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ XV về Giới trẻ. http://catechesis.net/tai-lieu-chuan-bi-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-lan-thu-xv-ve-gioi-tre-thang-10-2018/
[[4]] Tài liệu kết thúc Thượng Hội Đồng Giám mục về Giới trẻ 2018. http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/Giaohoi/HoiNghi/GioiTre/09TaiLieuKetThuc.htm
[[5]] Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám mục lần thứ XV về Giới trẻ. Ibid.
[[6]] Christus Vivid, 39. Ibid.

Tác giả: Sr. Mary Bernadette

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập372
  • Máy chủ tìm kiếm69
  • Khách viếng thăm303
  • Hôm nay32,848
  • Tháng hiện tại1,021,245
  • Tổng lượt truy cập79,024,696
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây