Nghịch lý tuổi trưởng thành

Thứ tư - 20/05/2020 20:33  1248
download 2“Thay vì tạo ra những đầm lầy, hãy tạo những bể bơi”

Cuộc đời vốn dĩ chứa đầy những nghịch lý. Thật đúng khi có người cho rằng cuộc đời được đan kết bởi những nghịch lý, những nghịch lý mà con người chẳng thể hiểu ngoại trừ việc đầu hàng và “tặc lưỡi” chấp nhận nó như một phần của cuộc sống. Cuộc đời là thế và vẫn sẽ như thế vì nó là “một huyền nhiệm”. Mỗi giai đoạn của đời người đều chất chứa đầy nghịch lý, nhưng có lẽ cái tuổi trưởng thành, cái tuổi phải tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, lại là cái tuổi chứa nhiều nghịch lý nhất.

Cái nghịch lý đầu tiên đến từ chính cái tên mà người ta gán cho những người sống trong độ tuổi này, đó là hai chữ “trưởng thành”. Nếu những cái tên cũng được gán cho độ tuổi này như tuổi trẻ, tuổi thanh thiếu niên, hay tuổi thanh xuân mang lại cảm giác nhẹ nhàng, nên thơ, thì cái tên tuổi trưởng thành lại khiến những bạn trẻ ở tuổi ấy cảm thấy ám ảnh và áp lực nhất. “Trưởng thành” hai chữ nói ra thì “tưởng không khó” nhưng đạt đươc nó lại “khó không tưởng”. Dẫu biết tuổi này là cái tuổi đòi hỏi ở người trẻ một sự suy nghĩ chín chắn, nhân cách ổn định, làm chủ bản thân và định hướng tương lai, nhưng độ tuổi này có quá nhiều sự thay đổi và biến động, những khủng hoảng, thậm chí sa ngã và thất bại. Việc gán hai chữ trưởng thành, cũng như đòi hỏi một sự trưởng thành toàn diện có lẽ là một điều gì đó vượt quá sức của nhiều người trẻ, nhất là khi họ thiếu một sự định hướng giáo dục đúng đắn và trước một xã hội có quá nhiều cạm bẫy.

Người trẻ cũng có nghịch lý và phải chấp nhận những nghịch lý của của chính mình. Những người đang tràn đầy năng lượng, rất nhạy nhạy bén và dồi dào sức sáng tạo, đang muốn làm tất cả để thể hiện bản thân và tìm chỗ đứng trong thế giới. Dù nhiều năng lượng, nhưng cái tuổi này lại là cái tuổi vẫn còn đang thay đổi và hoàn thiện chính mình về tâm sinh lý và nhiều mặt khác. Không ai phủ nhận tương lai thuộc về những người trẻ, họ cần sớm trưởng thành góp phần kiến tạo tương lai, bảo vệ thế giới. Vì thế, thật vui mừng, tự hào khi có rất nhiều bạn trẻ một phần tận dụng sức sáng tạo của bản thân, một phần biết “đứng trên vai những người khổng lồ” để vươn lên, sớm thành công, dùng tài trí của mình đóng góp cho sự phát triển nhân loại với những thành tựu đáng kinh ngạc. Thế nhưng, chúng ta cũng không thể không đau lòng trước sự sa ngã, thoái hóa nơi một bộ phận người trẻ, mất phương hướng và buông mình cho dòng đời, đầu hàng trước số phận, hủy hoại đời mình trong những vòng xoáy tội ác và tệ nạn xã hội. Đau lòng lắm thay!

Đúng là trước những vấn nạn của mình, chắc chắn người trẻ phải có trách nhiệm, nhưng những thế hệ đi trước cũng không thể chối bỏ và đổ hoàn toàn trách nhiệm cho thế hệ trẻ, những người đôi khi chỉ là nạn nhân của thời đại do chính những người đi trươc tạo ra. Đó cũng chính là một trong những nghịch lý của tuổi trưởng thành, nghịch lý này nằm chính nơi những thế hệ đã tạo ra thế hệ này và tạo ra thời đại này. Người trẻ chỉ là những người đang thừa hưởng thành quả của những thế hệ đi trước, những người đặt tiền đề và góp phần làm nên thời đại kĩ nghệ với những thành tựu vượt bậc mà chính họ vẫn vỗ ngực tự hào. Ấy thế mà, thật nghịch lý khi nhiều người ở cái tuổi mà “được coi là trưởng thành”, thay vì tạo điều kiện tốt nhất cho hậu duệ của mình phát triển và vươn xa, lại chỉ dựa vào một số người trẻ suy đồi để cười khẩy, phê bình, lên án và đánh đồng toàn bộ thế hệ trẻ và các vấn đề của họ đến mức sau khi trình bày một vấn đề xã hội nổi cộm nào cũng không quên cho thêm một câu mang tính chất đánh đồng “nhất là thế hệ trẻ”. Nghe nhiều khi phát chán!

 Cùng với đó, nhiều người lại còn lấy những tiêu chuẩn của thế hệ họ, mà nhiều tiêu chuẩn đã trở nên lỗi thời và không còn phù hợp với thời đại này để để ảo tưởng, tự hào về cái hào quang đã qua, áp đặt cho người trẻ để rồi nhấn chìm nhiều người trẻ trong sợ hãi, thậm chí thui chột khả năng sáng tạo và dám sáng tạo. Phải chăng nhiều người thuộc thế hệ trước, vì sợ thế hệ trẻ vượt qua mình, không dám cho người trẻ mượn “đôi vai” của mình để họ có thể vươn lên những tầm cao mới hay dùng “đôi tay khéo léo đầy kinh nghiệm” hướng dẫn, đỡ đần và nâng dậy mỗi khi họ gặp sóng gió và ngã quỵ? Nhiều người lớn còn lấy mình làm tiêu chuẩn và dùng dùng đôi chân của mình đè lên đôi vai yếu ớt của người trẻ, nhấn chìm họ trong sợ hãi và thất bại. Đáng tiếc thay!

Nghịch lý hơn nữa, sau khi ném người trẻ vào guồng xoáy của thời đại, nhiều người được coi là trưởng thành lại nhẫn tâm lợi dụng và kinh doanh trên không ít những người trẻ đáng thương để họ mất phương hướng và gục ngã trước những lời chào hàng quá hấp dẫn và đầy uy lực của người lớn, khiến cuộc đời nhiều người trẻ trở nên mất ý nghĩa, thậm chí trở thành những món hàng, những vũ khí thực hiện tội ác trong tay người lớn. Chưa bao giờ, những món như “đồ đá” hay “rau cần”, “cỏ” hay “anh hùng hero-in” được chính những người lớn dùng để kiểm soát và hủy hoại thế hệ trẻ cả tin và yếu đuối, biến họ thành những món hàng, những công cụ kinh doanh của người lớn. Thật đắng lòng khi thấy trên những trang mạng nhan nhản thông tin về tội ác, tệ nạn khủng khiếp có sự góp mặt của người trẻ, mà đằng sau đó là những bàn tay tàn nhẫn rướm máu của người lớn, những người lẽ ra phải bảo vệ và làm tất cả để giúp con cháu mình trưởng thành và sống có ích. Nhiều người gây ra biết bao hậu quả cho thế hệ sau, hủy hoại môi trường, nhưng lại tặc lưỡi“ít nhất cũng hết đời mình”. Còn bao nhiêu vấn đề mà phần lớn do chính những người lớn đã gây ra cho thế hệ trẻ đương thời và cả thế hệ tương lai nữa.

Dẫu biết trưởng thành vốn là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn, vì đó là tiền đề để đạt tới thành công và hạnh phúc, nhưng “trưởng thành là gì, và phải làm gì để trưởng thành?” dường như lại là một khái niệm quá mông lung và là một ước mơ xa vời với rất nhiều người. Chẳng lạ gì có những cụ ông cụ bà đã thất thập cổ lai hy nhưng vẫn còn những vấn đề “chả mấy trưởng thành”; nhưng cũng có những cu cậu, cô bé lại sớm trở thành những ông (bà) cụ non với những cá tính hết sức chững chạc người lớn ở một số lĩnh vực. Trưởng thành toàn diện đòi hỏi phải hội tụ rất nhiều yếu tố nên mãi mãi chỉ là một giấc mơ xa xôi. Chính vì thế, dẫu biết thế hệ trẻ phải nỗ lực và có trách nhiệm với bản thân, nhưng thiết tưởng cũng không nên tạo quá nhiều áp lực cho họ, trái lại cần phải tạo những điều kiện tốt cho họ phát triển, cùng với những phương pháp giáo dục phù hợp với thời đại đang không ngừng thay đổi và chẳng thiếu cạm bẫy đang giăng sắn chờ đón những đôi chân đôi khi còn hấp tấp và vội vã của tuổi trẻ.

Những thế hệ tiền bối, xin đừng tạo thêm “những đầm lầy” để chôn vùi tuổi thanh xuân, dìm chết tuổi trẻ cùng với năng lượng dồi dào và sáng tạo của họ, vì thế giới đã quá đủ những đầm lầy. Trái lại, hãy xây thêm “những bể bơi” và hãy trở thành những người thầy nâng đỡ và truyền dạy cho hậu duệ những kĩ năng cần thiết để họ có thể đủ trưởng thành vươn ra biển lớn!

Tác giả: Maria Lan

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập225
  • Máy chủ tìm kiếm39
  • Khách viếng thăm186
  • Hôm nay31,070
  • Tháng hiện tại858,847
  • Tổng lượt truy cập69,918,721
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây