Một sự chọn lựa quyết liệt!

Thứ ba - 05/05/2020 06:02  3456
dhn“Anh ơi, đâu phải chỉ mỗi đi tu mới nên Thánh, mà sống trong bậc hôn nhân vẫn có thể nên Thánh được cơ mà…” – em nói trong sự nghẹn ngào, nuối tiếc. Tôi vẫn còn nhớ câu nói ấy của em. Em trả lời như thế khi tôi nói với em quyết định đi tu của mình. Em khuyên can tôi từ bỏ ý định đi tu, để có thể cùng em xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc trong tương lai.

Tôi hơn em 2 tuổi. Cả hai cùng được sinh ra tại miền quê Nam Định – nơi có những ruộng lúa, đồng cỏ xanh bát ngát. Chúng tôi biết nhau từ nhỏ, nhà lại cạnh nhau nên chơi với nhau rất thân. Tôi vẫn còn nhớ bao kỷ niệm đẹp hồi tuổi thơ chơi với em. Những trò chơi của trẻ con trong xóm, lúc nào chúng tôi cũng góp mặt. Rồi những lần em bị đám con trai bắt nạt hay trêu ghẹo, tôi luôn là người đứng ra bênh vực, bảo vệ em. Tôi quý mến em và coi em như là em gái mình vậy.

Vốn xuất thân từ hai gia đình có Đạo, nhà lại gần nhà thờ, anh em tôi thi nhau học kinh văn giáo lý và đi thờ, đi lễ rất chăm chỉ. Do vậy, chúng tôi rất thuộc kinh và được mọi người khen là ngoan nhất trong xóm. Lớn hơn một chút, tôi được tham gia vào hội Giúp lễ, còn em tham gia vào hội Ca đoàn Thiếu nhi của Giáo xứ. Cứ mỗi sáng sớm dậy đi lễ, tôi lại sang gọi em dậy đi cùng. Trong xứ, những bạn chịu khó đi lễ như chúng tôi đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, Cha xứ rất quý mến chúng tôi. Có lần gặp, ngài bảo: Hai con chịu khó đi lễ vậy, sau này đi tu nhé? Cả hai cùng mỉm cười và lấy điều đó làm tự hào, khích lệ nhau hơn. Chứ thực ra chẳng ai trong chúng tôi nghĩ đến chuyện sau này sẽ đi tu cả.

Sau khi em học xong lớp 6, còn tôi học hết lớp 8, do công việc làm ăn, gia đình em chuyển lên Hà Nội ở. Theo sự sắp xếp của bố mẹ, em sẽ học tiếp văn hóa trên đó. Thế là chúng tôi tạm thời phải xa nhau. Trước khi đi, em sang nhà tôi chào. Em ôm chầm lấy tôi và khóc nức nở, vì từ nay em sẽ không được chơi với tôi, không được tôi chỉ dạy cho những bài toán khó nữa, cũng chẳng được tôi bảo vệ mỗi khi em bị bọn con trai bắt nạt nữa… Em coi tôi như người anh trai, có chuyện gì em cũng tâm sự với tôi. Quý mến nhau là thế, anh em tôi không lỡ xa nhau, nhưng hoàn cảnh này thì đành phải chấp nhận thôi. Bố mẹ em xác định lập nghiệp trên Hà Nội nên ngôi nhà cũ cạnh nhà tôi cô chú cũng bán luôn.

Một năm đã trôi qua, tôi thi đỗ vào trường cấp III và học ở quê nhà. Tết và hè em cũng chẳng về quê, thư từ chẳng có, điện thoại thì không. Chúng tôi mất liên lạc với nhau từ lúc ấy, chẳng biết tin tức gì về em cả. Phần tôi vẫn ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Vì tôi xác định nhà mình nghèo, bố mẹ đi làm vất vả lấy tiền nuôi mình ăn học thì mình càng phải học hành hẳn hoi để không phụ lòng bố mẹ. Bên cạnh đó, tôi còn tham gia Ban Giáo lý để dạy Giáo lý cho các em nhỏ trong xứ nữa. Bố mẹ tôi rất tự hào về đứa con ngoan, học giỏi và đạo đức như tôi.

Niềm vui và tự hào ấy của bố mẹ càng được nhân lên khi 3 năm sau, tôi đỗ trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Quả thực, đây là niềm mong ước của gia đình và cũng là mơ ước từ rất lâu của tôi muốn được làm Thầy giáo trong tương lai. Tôi tạ ơn Chúa vì Ngài đã đáp lại lời cầu xin của tôi. Tôi chào gia đình và mọi người để lên Hà Nội học. Dẫu biết rằng cuộc sống nơi đô thị còn lạ lẫm với tôi, sẽ đầy khó khăn, gian khổ và thử thách đang chờ tôi ở phía trước. Nhưng tôi tin tưởng, phó thác trong bàn tay quan phòng của Chúa. Với niềm tín thác ấy, tôi an tâm lên đường nhập học.

Tôi ở trong ký túc xá của trường với giá rẻ. Hơn nữa, ngành Sư phạm của tôi không phải đóng học phí nên cũng đỡ tốn kém cho gia đình. Một môi trường hoàn toàn mới lạ, tôi phải dần thích nghi. Tôi có thêm nhiều mối quan hệ, được làm quen với nhiều thầy cô, bạn bè, và nhất là các bạn trong phòng. Phòng tôi ở có 6 sinh viên, mỗi người một quê, một tính cách khác nhau. Kể cả cách ăn mặc, tiêu xài cũng khác nhau. Đa số các bạn con nhà giàu, có điều kiện nên các bạn chạy theo lối sống hưởng thụ. Còn tôi biết thân biết phận là con nhà nghèo nên tôi không dám đua đòi bạn bè. Mặc cho bạn bè cười chê hay khinh bỉ, tôi vẫn ăn mặc giản dị, tiêu xài tiết kiệm, không lãng phí để phần nào đỡ tốn kém cho bố mẹ bởi tôi luôn ý thức mình đang sống và học tập dựa trên những đồng tiền mà bố mẹ phải kiếm bằng mồ hôi, nước mắt ở quê nhà.

Vốn là con chiên ngoan Đạo, ngay từ những ngày đầu lên đây, tôi đã hỏi thăm và tìm được đến nhà thờ Giáo xứ gần chỗ tôi ở nhất để đi lễ. Dù không đi được thường xuyên như ở quê nhà, nhưng ít ra tôi cũng giữ được lễ thứ Bảy, Chủ nhật và các lễ trọng khác. Ngoài ra, tôi còn tham gia nhiệt tình vào nhóm Sinh viên Công giáo Bùi Chu trên này, vẫn họp mặt, chia sẻ Lời Chúa và kinh nghiệm sống hàng tuần, hàng tháng. Tối nào tôi cũng giữ thói quen: trước khi đi ngủ đọc ít kinh để tạ ơn Chúa và xin cho được giấc ngủ bình an. Bên cạnh đó, tôi cũng không quên cầu nguyện cho bố mẹ, người thân của mình. Thậm chí tôi còn cầu nguyện cho cả các bạn trong lớp, trong ký túc xá nữa: cho các bạn sớm được đón nhận ánh sáng Tin Mừng của Đức Kitô. Trong lớp, trong ký túc xá chỉ mỗi mình tôi theo Đạo. Nhiều bạn đã thắc mắc: “Nam ơi, sao cứ thứ Bảy, Chủ nhật bạn đi đâu vậy?”. Tôi đã không ngần ngại trả lời thật là: đi lễ ở nhà thờ gần đấy. Đây là cơ hội để tôi giới thiệu mình là người có Đạo. Ban đầu các bạn mặc kệ, không quan tâm. Nhưng về sau, thấy tôi ngoan ngoãn, hiền lành cùng với cách sống tử tế của tôi, nhiều bạn đã gặp tôi lân la hỏi chuyện về Đạo. Tôi cũng đã giới thiệu về Chúa, về Đạo cho các bạn. Thậm chí có lần tôi còn rủ các bạn đi lễ cùng, đi sinh hoạt nhóm Sinh viên Công giáo cùng nữa. Tôi ý thức mình là dụng cụ của Chúa nên cứ gieo vãi cách quảng đại, còn chính Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Hơn nữa, truyền giáo bằng lý thuyết thôi chưa đủ, mà còn cần cả việc làm nữa. Truyền giáo cách hiệu quả nhất là dùng chính đời sống chứng tá của mình. Chính vì vậy, tôi càng cần phải sống Đạo tốt hơn nữa để xứng đáng với danh xưng là Kitô hữu, đồng thời phải sống làm sao để phần nào có thể đem Chúa đến cho nhiều người.

Đến năm thứ hai Đại học, tôi đã quen với môi trường sống, quen với đường đi lối lại ở khu vực thành thị này. Được bạn bè và các anh chị lớp trên gợi ý, tôi quyết định đi làm thêm để có chút ít phụ với bố mẹ, cho bố mẹ đỡ vất vả. Với khả năng về môn Toán, tôi chọn nghề Gia sư. Tôi tìm đến Trung tâm gia sư để xin dạy. Sau khi phỏng vấn và thử trình độ của tôi, trung tâm nhận lời và cho tôi dạy Toán kèm một em lớp 12 tại nhà. Họ cho địa chỉ nhà và hẹn ngày giờ tới gặp gia đình học sinh. Hai ngày sau, theo đúng lịch hẹn, tôi tìm đến địa chỉ nhà học sinh với giấy giới thiệu của Trung tâm trên tay. Tôi bấm chuông thì phụ huynh ra mở cửa. Trời ơi, không thể tin vào mắt mình nữa, người đang đứng trước mặt tôi đây là chú Trường – bố của em Mai, là hàng xóm của tôi 5 năm trước. Chú ăn mặc sang trọng kiểu như cán bộ Nhà nước vậy. Chú cũng nhận ra tôi: “Có phải cháu là Nam hàng xóm nhà chú ngày trước không?”. Tôi nhanh nhảu trả lời ngay: “Dạ vâng, cháu đây ạ. Chú vẫn còn nhận ra cháu. Cháu bây giờ lớn khác xưa nhiều rồi đấy ạ!”. Tôi mừng quá vì chú cháu tôi gặp được nhau ở đây sau 5 năm mất liên lạc. Đúng là Trái Đất xoay tròn. Sau khi hỏi thăm về gia đình tôi ở quê xong, chú tranh thủ vào vấn đề chính luôn. Chú bảo tôi:

- Thú thật với cháu, giờ em Mai thay đổi nhiều lắm, chơi bời đua đòi bạn bè nên học hành sa sút. Năm nay lớp 12 cuối cấp, chú lo cho em lắm nên mới đi tìm Gia sư. May quá, Gia sư lại là cháu. Thôi thì cháu cố gắng giúp cô chú kèm Toán cho em nó với nhé.

Chú cũng giới thiệu qua: “Cô chú đang làm việc trong Công ty Bất động sản, chú là Trưởng phòng. Giờ chú phải đi gặp ông Giám đốc – anh họ của chú đây. Cháu ở lại nói chuyện tiếp với cô, chú sẽ gặp lại cháu sau”. Nói xong, chú cầm túi giấy tờ đi ngay, thật vội vàng. Cô ở phòng trong chạy ra, cũng bất ngờ không kém chú. Trông cô trẻ hẳn lên với bộ quần áo đẹp và quý phái. Cô gặng hỏi tôi về kinh tế gia đình và nơi tôi trọ học. Tôi đành thú thật với cô rằng: tôi đang trọ trong ký túc xá chặt chội cho rẻ, vì kinh tế gia đình hơi hạn hẹp… Sau một hồi chia sẻ chuyện gia đình, cuối cùng cô cũng đặt vấn đề:

- Đấy cháu xem, kinh tế nhà cô chú giờ không còn khó khăn như trước nữa, mà có của ăn của để rồi. Cô chú đều có công ăn việc làm ổn định, nhà cửa, xe cộ đàng hoàng đủ hết rồi. Cô chú chỉ lo cho mỗi em Mai, chỉ sợ nó ra hư hỏng mất thôi. Mà cô chú thì bận công việc suốt, không có thời gian kèm cặp nó được. Chỗ cháu thân thiết với nó từ trước, nên cô mới dám nói điều này: Nếu cháu không ngại thì cháu có thể chuyển về đây ở với gia đình cô chú luôn, để kèm cặp em nó cho tiện. Ngoài việc dạy Toán, cô chú cũng xin cháu thay cô chú dẫn dắt, khích lệ, khuyên bảo em nó bớt chơi bời, tập trung vào học hành hơn, được không cháu?

Đây quả là lời đề nghị quá bất ngờ mà tôi chưa hề nghĩ tới. Tôi xin khất cô để gọi điện về hỏi ý kiến bố mẹ đã. Ngày hôm sau, tôi gọi điện về cho bố mẹ, trình bày hết sự việc thì bố mẹ đồng ý: “Ai chứ chỗ gia đình chú Trường thì con an tâm đi. Cô chú tốt bụng lắm đó. Cô chú có ý tốt muốn giúp đỡ con chỗ ăn ở trên đó thì con cũng cố gắng mà giúp lại em Mai là được…”. Thế là tôi chuyển đến nhà cô chú ở. Nhà 3 tầng, gia đình cô chú chỉ ở tầng 2, sinh hoạt chung ở tầng 1, còn tầng 3 dành riêng cho tôi. Căn phòng rộng rãi, thoáng mát, đầy đủ tiện nghi, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi học hành. Còn em thì đã được bố mẹ nói chuyện từ hôm trước về sự có mặt của tôi, nên em không còn bất ngờ nữa. Em vui lắm vì được gặp lại tôi và giờ đây lại còn được ăn cơm cùng, ở cùng trong một căn nhà nữa chứ. Đúng là hơn cả em mong đợi. Trước bữa cơm đầu tiên, bố mẹ em giao em cho tôi:

- Từ nay trở đi, bố mẹ nhờ anh Nam dạy kèm thêm cho con. Con phải ngoan ngoãn nghe lời anh và chịu khó học hành đấy!

Em cười gượng: “Dạ vâng ạ”. Em vui vì được gần tôi, nhưng có lẽ em không vui lắm vì bố mẹ lại bắt em học. Em chơi bời quen rồi, nên giờ lại bắt em cùng tôi vùi đầu vào học là em không được thoải mái đâu. Thấy thế, tôi chen ngang ngay: “Cô chú cứ an tâm đi, cháu sẽ kèm cặp em hẳn hoi và chẳng mấy chốc em sẽ tiến bộ thôi. Giờ cả nhà tập trung vào ăn trưa thôi, kẻo đồ ăn nguội hết rồi”. Bữa trưa hôm ấy đông đủ nhất, ấm áp tình gia đình. Hơn nữa, hôm ấy là ngày Chủ Nhật, em và tôi đều được nghỉ học, cô chú được nghỉ làm, nên bữa cơm vui vẻ kéo dài và thoải mái hơn.

*****
Đúng như lời bố mẹ em nói, giờ em thay đổi nhiều lắm, đến nỗi thiếu chút nữa là tôi đã chẳng nhận ra em. Công nhận em lớn nhanh thật, trắng trẻo và xinh gái hẳn lên, đúng là con gái 18 có khác. Hơn nữa, giờ em trở thành con gái thủ đô rồi, đâu còn như bọn con gái bằng tuổi ở quê nữa. Tính cách em cũng thay đổi. Em không còn ăn nói nhẹ nhàng, dịu dàng như ngày trước nữa, mà giờ em hay cáu gắt, kiêu kỳ và hay lên mặt lắm; vì giờ em là con nhà giàu, được bố mẹ nuông chiều mà. Theo như em chia sẻ, từ hồi lên thủ đô sống, bố mẹ bận công việc, chẳng chịu đi lễ Chúa Nhật. Còn em thì cũng vịn cớ là không có ai chở đi, hoặc cũng bận học nên cũng bỏ Lễ luôn. Cả nhà em dường như chẳng biết đến nhà thờ là gì. Đời sống Đạo nói chung ở đây giảm sút trầm trọng. Chúa Nhật liền sau đó, tôi rủ em đi Lễ. Em cứ lý do này nọ, tôi không chấp nhận: “Nếu em còn muốn anh ở lại đây dạy kèm thêm Toán cho thì hãy sắp xếp đi Lễ với anh…”. Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được em bỏ buổi đi chơi với đám bạn, để đi Lễ Chúa Nhật với tôi. Rồi những tuần sau đó, em đều nghe lời và đi Lễ cùng tôi. Còn về học tập, tôi kiểm tra kiến thức thì thấy em bị hổng nhiều quá, ngay cả những cái căn bản nhất em cũng chẳng biết. Tôi hỏi: “Sao em thi đỗ được cấp III?”. Em bảo là do bố mẹ chạy điểm cho. Rồi trong đợt cuối năm lớp 10 và 11 vừa rồi cũng thế, em không đủ 5 điểm để qua, bố mẹ em biếu quà cho các thầy cô giáo, nên em mới được lên lớp đó. Thế là em lại càng an tâm hơn, ung dung mà ăn chơi thoải mái luôn bởi em thấy chẳng cần học cũng được lên lớp mà. Cứ thế năm này qua năm khác, em bị hổng kiến thức khá nhiều. Còn bố mẹ em thì cứ vùi đầu vào kiếm tiền để lấp đầy những lỗ hổng đó. Vậy là một cách nào đó, chính cô chú đang tiếp tay cho những hư hỏng của em, làm em dễ lên mặt, coi thường thầy cô và bạn bè.

Biết được tình hình này, tôi đã cố gắng sắp xếp thời gian để tiếp cận với em nhiều hơn. Mục đích là để khuyên bảo, khích lệ em thay đổi lối sống và dạy kèm để em tiến bộ hơn. Cô chú lo cho tôi chỗ ăn ở rồi, nên tôi chẳng cần đi làm thêm ở ngoài nữa. Ngoài thời gian học tập của tôi ở Đại học, tôi dành thời gian để dạy em. Tôi cũng cầu nguyện với Chúa giúp cho em trở nên ngoan hơn và học tiến bộ hơn. Nhờ vậy, chỉ sau một tháng, kết quả của em ở trường đã tiến bộ rõ rệt. Cô chú rất vui và tin tưởng tôi hơn. Về phần cô chú, có thể nói rằng: cô chú đã coi trọng vật chất hơn những giá trị thiêng liêng. Từ hồi lên Hà Nội làm ăn tới giờ, công việc bận bịu, cô chú chẳng đến nhà thờ đi lễ nữa, quên cả Chúa luôn. Thấy cô chú có thiện cảm với tôi như vậy, tôi mới mạnh dạn thưa chuyện lễ lậy, sống Đạo với cô chú. Ngại quá, cô chú lấy đủ mọi lý do và rồi cũng ậm ừ cho qua. Tôi cầu nguyện năn nỉ với Chúa hơn để có thể cảm hóa được cô chú quay trở lại Đạo. Rồi 1 tuần, 2 tuần, đến tuần thứ ba thì cô chú được đánh động và nói chuyện với tôi: “Bao nhiêu năm cô chú bỏ lễ, bỏ Chúa rồi, không biết giờ quay lại có được không nữa?” Tôi hiểu tâm trạng của cô chú và khích lệ thêm: “Cô chú cứ an tâm đi, Chúa luôn quảng đại tha thứ và thương xót những người ăn năn trở lại cùng Ngài…” Chúa Nhật ngay sau đó, tôi cùng cả gia đình cô chú đi Lễ và cô chú đã vào tòa xưng tội…

Tôi ở nhà cô chú được khoảng 6 tháng thì nhận được tin bố tôi ốm nặng ở quê. Bố bị hẹp van tim và phải phẫu thuật với chi phí rất lớn, hơn 200 triệu. Mà nhà tôi làm ruộng thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. Tôi buồn lắm. Biết được chuyện, chính cô chú đã về quê chở bố tôi đi phẫu thuật và lo toàn bộ chi phí cho bố tôi. Nhờ đó mà bố tôi được cứu sống kịp thời và hồi phục nhanh chóng. Tôi mang ơn cô chú nhiều lắm, chẳng biết đến bao giờ mới đền đáp được công ơn đó.

*****
Nhờ việc dạy kèm nhiệt tình của tôi, cùng với sự nỗ lực học hành chăm chỉ của em và nhất là nhờ ơn Chúa trợ giúp, em đã tốt nghiệp cấp III loại giỏi và thi đỗ vào trường Đại học Ngoại thương. Quả là niềm vui lớn cho cả gia đình em. Khi có kết quả, cầm giấy báo đỗ Đại học trong tay, em chạy tới báo cho tôi đầu tiên. Em ôm chầm lấy tôi và nói lời cảm ơn sâu sắc bởi như lời em chia sẻ: Nếu không có tôi vực dậy tinh thần cho em thì em đã bỏ học, không muốn học tiếp Đại học; nếu tôi không dạy kèm em nhiệt tình như vậy thì em cũng chẳng thể tiến bộ được như ngày hôm nay… Quả thực, tôi cũng vui đâu kém gì em. Tôi vui vì em đã trở lại ngoan hiền, đạo đức như xưa. Tôi vui vì em đã bỏ chơi bời lêu lổng mà tập trung vào học hành chăm chỉ, nỗ lực hết mình nên mới có kết quả cao này. Vui quá đến nỗi hai anh em ôm nhau khóc lên được. Cái ôm thật chặt này khiến tôi nhớ lại kỷ niệm 6 năm trước, khi em sang nhà tôi chào tạm biệt để lên Hà NộI, nhưng giờ thì cái ôm này có vẻ hơi khác. Tôi cảm nhận được từng hơi thở, từng nhịp tim em đập. Có lẽ tình cảm anh em tôi đã chuyển sang tình yêu lúc nào không hay. Trái tim tôi mách bảo thế. Giờ chúng tôi lớn cả rồi, quý mến nhau, yêu thương nhau như thế cũng là lẽ thường mà.

Tình yêu ấy càng được bộc lộ rõ hơn vào khoảng 1 tháng sau. Lúc ấy tôi bị tai nạn, phải phẫu thuật, nằm viện hơn 1 tuần liền. Ngày nào em cũng có mặt để yêu thương và chăm sóc tôi. Nhất là mấy hôm đầu, tôi mổ mất nhiều máu quá, nằm mê man bất tỉnh, em lo cho tôi lắm nên đã thức trắng để trông chừng tôi (mọi người kể lại, tôi mới biết). Còn tôi thì chập chờn trong giấc ngủ cũng thấy hình bóng em bên cạnh. Lúc tôi tỉnh dậy thì thấy em đang ngồi xoa bóp tay chân cho tôi. Tôi thấy em đã khá mệt mỏi, và khóe mắt em đỏ hoe vì tối hôm trước thức trắng. Quả thực, tôi cảm động lắm. Xuất viện về nhà, em lại càng có điều kiện hơn để chăm sóc cho tôi sớm bình phục. Em giặt giũ quần áo, nấu cháo và đút cho tôi ăn; rồi còn tận dụng thời gian rảnh đọc sách cho tôi nghe. Có người nói chuyện cùng, tôi cảm thấy vui, mau quên đi sự đau đớn và hồi phục nhanh chóng. Công nhận em tâm lý thật đấy! Vẫn phải nói thêm, thú thật trong khoảng thời gian này, tôi bị cám dỗ nhiều lắm ấy. Nhiều ngày bố mẹ em đi vắng, chỉ có 2 anh em tôi ở nhà. “Nhất cự li, nhì tốc độ”, đã có lần chúng tôi định “nếm trái cấm”, bởi cũng hơi tò mò, hơn nữa ở đây kín đáo có ai biết đâu, nhưng lương tâm tôi không cho phép làm thế. Nhớ lại Lời Chúa dạy, nhớ lại lời Cha xứ nhắn nhủ: phải sống sao để xứng đáng là người Kitô hữu. Tôi bừng tỉnh, đúng thế, dù người ta có làm bừa, nhưng chúng tôi là con chiên ngoan Đạo sẽ không làm thế. Em cũng ủng hộ quan điểm ấy của tôi. Tôi càng yêu thương và trân trọng em hơn.

*****
Hai năm sau, tôi tốt nghiệp ra trường. Lúc này, em cũng học được 2 năm trường Đại học Ngoại thương rồi. Đã đến lúc tôi phải có quyết định rõ ràng cho hướng đi tương lai của mình. Mấy ngày nay, tôi đã cầu nguyện và suy nghĩ nhiều lắm về chặng đường tiếp theo. Thú thật, trong suốt 2 năm qua, dù không còn lý do kèm Toán cho em nhưng cô chú vẫn giữ tôi ở lại. Cô chú quý mến tôi như một người con trong gia đình vậy. Rồi còn chuyện cô chú đã ra tay cứu sống bố tôi, chẳng biết bao giờ gia đình tôi mới trả được số nợ đó. Cô chú rất quảng đại, bảo tôi đừng suy nghĩ đến chuyện đó nữa, coi như là món quà cô chú cám ơn tôi vì đã giúp em Mai trở lại, ngoan ngoãn và học tốt, vực dậy tinh thần cho em nó nữa. Cô chú còn bảo: “Nhờ cháu khích lệ mà cô chú có thêm động lực để trở lại Đạo, sống và giữ Đạo tốt hơn đấy”. Được cái cô chú cũng rất tốt lành, năm nay chú còn được lên chức Phó giám đốc nữa. Còn cô sau khi được đào tạo thêm, giờ cô được làm bên quản lý nhân sự. Mức thu nhập của cô chú tăng đáng kể. Cô chú cũng đã liên hệ với một vài tổ chức từ thiện, ủng hộ cho họ khá nhiều. Cách đây 2 tuần, chú còn gợi ý cho tôi: “Tốt nghiệp Sư phạm xong, nếu cháu chưa xin được việc thì cứ về đây làm cùng cô chú”. Cô còn nửa đùa nửa thật: “Sau này cháu mà làm con rể của cô chú, thì toàn bộ công ty này là của cháu đấy…” Tôi cũng cười trừ cho qua vậy thôi. Chứ thú thật, cô chú biết thừa là anh em tôi yêu nhau. Còn em càng lớn lên lại càng xinh gái, càng chững chạc. Em và tôi ngày một gần gũi và hiểu nhau hơn. Ai nhìn thấy chúng tôi đi chơi với nhau cũng đều trầm trồ khen là đẹp đôi. Mà mỗi lần gặp nhau, được ngồi cạnh em, trái tim tôi cứ đập loạn xạ cả lên. Tôi biết đó là biểu hiện của tình yêu.

Thế rồi một hôm tôi đi Lễ Chúa Nhật, được đánh động bởi câu Lời Chúa: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,37-38), tôi chăm chú nghe Cha giảng lễ hôm đó, và quả thực tôi được đánh động. Nhìn lại thời gian qua, tôi đã nhận được biết bao ơn lành từ Thiên Chúa. Tôi cần phải sống làm sao để xứng đáng với những hồng ân đó. Tôi đã cảm nghiệm được tình yêu Chúa, nên cần chia sẻ cho người khác. Tôi đã cố gắng sống Đạo, làm chứng cho Chúa trong mọi biến cố, mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Tôi cũng đã thao thức đem Chúa đến cho mọi người từ lâu. Lời khích lệ của Cha xứ trước khi tôi chào ngài lên đây học: “Con cố gắng sống tốt và đi tu nhé”, giờ đây tái hiện lại. Lời Chúa hôm ấy thực sự làm tôi thức tỉnh: Chúa nhắc nhở qua lương tâm rằng tôi cũng có bổn phận và trách nhiệm trong đám thợ gặt ấy. Chúa đang gọi tôi bước theo Ngài. Tôi cầu nguyện và suy nghĩ thêm mấy ngày, rồi vào trình bày với Cha. Cha vui vẻ đón tiếp và khích lệ thêm: như thế là tôi có ơn gọi, cần tiếp tục tìm hiểu và theo đuổi.

Tôi về gặp em và nói quyết định đi tu của mình. Không hiểu vì sao em khóc. Em ôm chầm lấy tôi và nài nỉ: “Anh quyết định đi tu thật sao? Đâu phải chỉ mỗi đi tu mới nên Thánh, mà sống trong bậc hôn nhân vẫn có thể nên Thánh được cơ mà…”- em nói trong sự nghẹn ngào, nuối tiếc. Tôi hiểu ý em muốn nói gì. Em rất yêu tôi, nên muốn tôi cùng em xây dựng một gia đình nhỏ hạnh phúc trong tương lai. Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm chứ. Tôi phải lựa chọn một trong hai thôi. Một bên là em con nhà giàu, lại xinh đẹp. Nếu lập gia đình với em thì một cách nào đó tôi đang đáp lại sự mong mỏi của cô chú, tôi sẽ có được sự nghiệp, có được cả gia tài của cô chú, tương lai thật ngời sáng. Nhờ đó, tôi sẽ có cơ hội để báo hiếu bố mẹ nữa. Một bên là lựa chọn đi tu theo Chúa thì tôi phải từ bỏ tất cả sự nghiệp, địa vị tương lai, bỏ cả cô vợ xinh đẹp và ngoan hiền như em; bỏ cuộc sống tiện nghi dễ dãi hưởng thụ, để dấn thân phục vụ, đem ánh sáng Tin Mừng đến cho mọi người. Như thế tôi có thể bị thiệt thòi ở đời này, nhưng chắc chắn sẽ sinh ích cho tôi ở đời sau. Sau khi đã cầu nguyện và suy nghĩ chín chắn, tôi đã lựa chọn thật dứt khoát và quyết liệt:

- Cám ơn em đã tin tưởng nơi anh. Anh rất quý mến em, coi em như em gái và anh cũng rất trân trọng tình cảm chân thành em dành cho anh. Nhưng anh đã nghe thấy Chúa gọi anh nên anh sẽ mau mắn lên đường đi theo Ngài. Mong em hiểu và thông cảm cho anh. Anh cũng xin em thêm lời cầu nguyện cho anh nữa…

Em ôm ghì tôi thật chặt, gục đầu vào vai tôi như thể sợ mất tôi. Biết rằng không thể níu kéo tôi lại, nên em phải miễn cưỡng chấp nhận: “Vâng, anh nhớ giữ gìn sức khỏe và hãy coi nhà em như gia đình thứ hai của anh. Nếu có khó khăn gì thì anh cứ nói, bố mẹ và em sẽ giúp đỡ nhé!”

Tôi mỉm cười: “Ừ, được rồi”. Tôi cũng chào em và cô chú luôn để ngày mai tôi về gia đình. Đầu tháng 9 này, tôi sẽ chính thức tham gia vào lớp Tiền Chủng viện của Giáo phận. Với tôi, em vẫn mãi là em gái tốt lành, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Chia tay em, tôi phải dứt bỏ, cũng có đau đớn, nhưng tôi tin Chúa gọi tôi; chính Ngài sẽ xoa dịu vết thương lòng này. Ước gì tôi có thể đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc truyền giáo của Giáo hội. Xin Chúa chúc lành cho lựa chọn của con và gìn giữ con trung thành với lựa chọn ấy.

Tác giả: Từ Tâm

 Tags: hôn nhân, em em
***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập416
  • Máy chủ tìm kiếm30
  • Khách viếng thăm386
  • Hôm nay43,952
  • Tháng hiện tại904,313
  • Tổng lượt truy cập78,907,764
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây