Bài 16: Sống tình liên đới

Thứ hai - 11/11/2019 22:04  3577
Ủy Ban Giáo Dân
Hội đồng Giám Mục Việt Nam
PHẦN TU ĐỨC
SỐNG TÌNH LIÊN ĐỚI (Mc 2, 1-12)
 
maxresdefaultKhi phục vụ trong Hội đồng mục vụ giáo xứ, không ít lần chúng ta đối diện thách đố trong việc xây dựng tương quan mục vụ, có khi chúng ta cảm nghiệm tình trạng “bại liệt” ở đâu đó trong tương quan với tha nhân, khi phục vụ hoặc khi cộng tác trong việc chung; có khi chúng ta từng bị hay đang bị “bại liệt” trong tương quan với chính mình, với Thiên Chúa, và với nhau. Chứng “bại liệt” vô hình nhưng lại gây hậu quả hữu hình, đó là tình trạng im lặng bàng quan, phê bình tiêu cực, hay tẩy chay hoặc  “ném đá” nhau… Như anh bại liệt và các bạn (Mc 2,1-12), chúng ta cần lời bao dung tha thứ của Đức Giêsu, cho chính mình hoặc cho anh chị em mình, để mỗi người chúng ta có sức mạnh và tình yêu đảm nhận gánh nặng phục vụ cộng đoàn.
 
Theo trình thuật Mc 2,1-12, anh bại liệt và các bạn có vẻ lọt thỏm và mất hút giữa đám người rất đông đang tụ tập quanh Đức Giêsu, nhưng họ lại thực hiện một hành động táo bạo khiến họ đến gần Đức Giêsu và trở nên nổi bật: “Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống.” (2,4) Đáp lại hành động táo bạo này, Đức Giêsu làm cho mọi người kinh ngạc khi ban lời tha thứ: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: ‘Này con, con đã được tha tội rồi.’” (2,5) Trong hoàn cảnh này, người bệnh và có khi cả chúng ta nữa, chờ đợi một phép lạ chữa lành thể lí, vì đó là một nhu cầu khẩn cấp, nhưng Đức Giêsu lại nói với người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi”. Đức Giêsu chữa lành người bại liệt cả thể lí và tinh thần, nhưng nếu Người chữa lành thể lí cho anh ngay từ đầu, chắc sẽ chẳng gây ra cớ cho người ta xì xầm, thậm chí lên án: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” (2,7).
 
Chữa lành thể lí đúng là việc khẩn cấp, nhưng được lành bệnh, phục hồi sức khỏe thể lí cũng đâu giải quyết được hết mọi vấn đề cuộc sống. Thật vậy, nếu xảy ra phép lạ chữa lành thể lí, thì sức khỏe mà phép lạ ấy đem lại cũng đâu tồn tại mãi; người bại liệt được chữa lành, nhưng một ngày kia anh ta lại sẽ “bại liệt”, liệt mãi mãi không thể đứng dậy, nếu không đón nhận ơn phục sinh. Đàng khác, ngoài tật bệnh thể lí, người bại liệt và cả chính chúng ta nữa, còn có những vấn đề sâu xa trong tâm hồn như những vết thương lòng, cảm thức tội lỗi, bại liệt trong tương quan với Thiên Chúa-bản thân-và tha nhân… Chỉ nơi Đức Giêsu, chúng ta được lãnh nhận ơn tha thứ và chữa lành: “Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: ‘Con đã được tha tội rồi’, hai là bảo: ‘Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi’, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội” (2,9-10).
 
Khi ban ơn tha thứ cho người bại liệt, Đức Giêsu muốn đưa dẫn anh đi xa hơn việc tìm lại sức khỏe thể lí, đó là đi vào sự sống đích thực; đồng thời, người cũng mặc khải chính căn tính của Người là Con Thiên Chúa. Được chữa lành và được tha thứ, cả hai đều cần thiết và quan trọng cho sự sống con người; chúng ta không thể sống bình an khi mang vác những tổn thương và tương quan “bại liệt”. Đức Giêsu gắn liền hai ơn huệ này với nhau, nhưng luôn hướng ơn chữa lành đến ơn tha thứ, vốn là ơn huệ thiết yếu cho sự sống con người. Khi làm như thế, Đức Giêsu táo bạo đánh liều chính sự sống bản thân, và sẽ táo bạo đến tận cùng bằng cái chết trên thập giá, để tha thứ và chữa lành nhân loại, mọi người và mỗi người chúng ta.
 
Đức Giêsu đến để chúng ta được sống và sống dồi dào. Người trao ban sự sống này bằng lời tha thứ, lời tái tạo, lời phục hồi; và Người trao ban sự sống này ngay trong thân phận con người và ngay trong hoàn cảnh đầy thách đố của mỗi người chúng ta. “Này anh, anh đã được tha tội rồi”: đây là lời tha thứ và tái tạo, lời vô hình nhưng đem lại hiệu quả hữu hình trong đời sống chúng ta. “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà”: lời đưa dẫn chúng ta sống tình liên đới và mang vác nhau, ngay cả những yếu đuối bất toàn của nhau.
 
Hồi tâm.
1/Người bại liệt và các bạn trong Tin mừng sống liên đới với nhau và đến gần Đức Giêsu: tôi cảm nghiệm thế nào về tình liên đới trong Hội đồng mục vụ giáo xứ.
2/ Tôi có từng cảm nghiệm tình trạng “bại liệt” trong tương quan với cha xứ-với thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ? Tôi làm gì để thay đổi tình cảnh?
3/ Đâu là đặc điểm của người lãnh đạo phục vụ có khả năng hành động táo bạo như các bạn hữu của người bại liệt?
 
Toma Vũ Ngọc Tín SJ.
 
PHẦN QUẢN TRỊ MỤC VỤ
DÙNG UY… LẤY QUYỀN...
 
“Nhưng Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: ‘Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân’” (Mt 20,25)
 
Dẫn vào
Liên hệ với nội hàm của từ ngữ “thủ lãnh” (hay còn gọi là “thẩm phán”) trong sách Thủ lãnh thuộc Cựu ước, thuật ngữ thủ lãnh được hiểu là người đứng đầu, người có quyền, người làm lớn… người giúp hướng dẫn các quy tắc theo phán quyết từ Thiên Chúa.[1] Dưới sự lãnh đạo của Giô-su-ê và các vị thủ lãnh khác, hành trình tiến vào Đất Hứa của “dân Chúa chọn” đã diễn ra. Vai trò lãnh đạo của Giô-su-ê trở nên hữu hiệu cách đặc biệt khi ông chọn một miền đất tại Si-khem, cho mời tất cả những người từ Ai-cập trở về và những người ở lại đến gặp nhau trong một đại hội. Vì thế, khái niệm “… thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân”[2] sẽ có thể được thấu hiểu hơn khi các thủ lãnh và toàn dân chọn “Gia-vê”… và trên niềm tin vững vàng vào một “Gia-vê” Thiên Chúa Toàn Năng, nhân từ và giàu lòng xót thương.[3]
 
Thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị
 
Theo lối đời, thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị..., nhưng trong đạo thì không. Với niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, lãnh đạo là để phục vụ mà “thống trị” cũng phải là phục vụ. Thật vậy, trách nhiệm và nghĩa vụ của người lãnh đạo là phục vụ dân. Ngay như trong nhân gian, quan chức thương dân cũng phải hành động như những công bộc đích thực của dân.[4] Theo đó, nhà lãnh đạo nên tìm hiểu xem những người thuộc cấp cần gì, người dưới quyền mình muốn gì để tìm cách đáp ứng cho tốt nhất có thể.[5] Khái niệm “ý dân là ý trời” của đông phương rất giống với khái niệm “lãnh đạo tôi tớ” (servant leadership) của tây phương với xuất phát điểm từ chính văn hóa Ki-tô giáo.[6]
Anh em biết, người được coi là thủ lĩnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân….[7]
 
Người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản
 
Theo lối đời, người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản..., nhưng trong đạo thì không. Những kiểu nói sau đây phản ánh lề thói của đời: “Con ơi nhớ lấy câu này, cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”; “Một người làm quan, cả họ được nhờ”; “Quan là cha mẹ của dân…”. Tuy nhiên, trong đức ái chân thành, với niềm tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, người làm lớn phải là “nhà lãnh đạo tôi tớ” (servant leader), như gương sống của các thánh, các mục tử trong đạo. Theo đó, các đức giáo hoàng vẫn luôn ý thức và thường xưng mình là “tôi tớ của các tôi tớ của Thiên Chúa (servant of the servants of God, servus servorum Dei).[8]
 
Chính Đức Ki-tô Giêsu đã dạy các tông đồ, các môn đệ phải là “nhà lãnh đạo tôi tớ”, đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, không được lên giọng kẻ cả sắm vai quan chức “hành dân là chính”. Thật vậy, ai muốn làm lớn…
 
… giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em, và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.[9]
 
Minh họa nội dung
Một anh thợ hớt tóc nọ vừa hớt tóc vừa “phán” với một thân chủ lớn tuổi: “Này bác ơi, tôi cho rằng trên đời này làm gì có Thiên Chúa nhân từ”. Người khách ngạc nhiên hỏi: “Tại sao anh lại nói thế…”. “Thì bác cứ ra phố mà xem”, anh thợ nói, “nhiều người phải lang thang kiếm sống, dầm mưa dãi nắng, đêm đến phải mượn vỉa hè để ngủ. Ấy là chưa kể đến các bệnh viện nhếch nhác với biết bao bệnh nhân, bệnh tật đau đớn. Nếu có Thiên Chúa nhân từ giàu lòng thương xót, thì làm sao lại có những chuyện như thế chứ?” Ông khách làm thinh.
 
Khi trả tiền xong, bước ra khỏi tiệm hớt tóc, ông khách thấy một người râu tóc lùm xùm, rõ là lâu ngày rồi không hớt cũng chẳng cạo gì. Khách bèn quay trở vào tiệm nói lớn: “Này anh phó cạo ơi, trên đời này làm gì có thợ hớt tóc nhỉ?” Anh thợ sửng sốt: “Bác nói vậy mà nghe được à, thế tôi là ai đây, ai vừa mới hớt tóc cho bác?” Ông khách mời anh phó cạo ra cửa, nói: “Thì anh thấy đầy, nếu có thợ hớt tóc thì người kia đã không phải để râu tóc lùm xùm như vậy”. “Sai bét! Thợ hớt tóc vẫn có, nhưng tay đó không chịu bước vào tiệm thì dẫu bao nhiêu thợ hớt tóc đi chăng nữa cũng đành phải bó tay!”.
 
Ông khách mỉm cười: “Theo tôi, Thiên Chúa nhân từ, giàu lòng xót thương cũng vậy. Ngài luôn đưa tay ra chờ đợi, nhưng có thể vì kiêu ngạo, ai đó trong chúng ta không chịu nắm lấy tay Ngài…”.
 
Câu hỏi giúp thảo luận
1/ Theo bạn, thế nào là phục vụ đúng nghĩa?
2/ Là quý chức phục vụ trong giáo xứ, khi làm việc chung với nhau, bạn có hay dùng uy, lấy quyền để thi hành việc bổn phận không?
3/ Bạn có tin vào một Thiên Chúa là Cha nhân từ, mọi người là anh chị em của nhau, người đứng đầu, người có quyền, người làm lớn… là những người phục vụ? Có phải chỉ khi phục vụ người khác thì ai đó mới thể hiện tinh thần lãnh đạo Chúa dạy?
 
GTHH
PHẦN HUẤN GIÁO
Phần IV: GIÁO DÂN TRONG CHIẾU KÍCH RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO THẾ GIỚI
 
TIN MỪNG HÓA CÁC LÃNH VỰC ‘DẤU CHỈ’ HÔM NAY:
TRUYỀN THÔNG – DI DÂN –  MÔI TRƯỜNG
 
Khi các ngươi thấy mây kéo lên từ phía tây, các ngươi nói ngay: ‘mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: ‘trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét” (Lc 12:54-56)
 
Dấu chỉ thời đại’ là thành ngữ gắn chặt với cách nói của Hội Thánh Công Giáo thời Công Đồng Vatican II, bắt đầu vào những năm 1960 dưới thời ĐTC Gio-an XXIII, liên quan tới nội dung các  đoạn Tin Mừng Mt 16:2-3 và Lc 12:54-56. Nó mang ý nghĩa như sau, Hội Thánh (như một tập thể, cũng như từng cá nhân Ki-tô hữu) cần phải biết lắng nghe, biết học hỏi từ các biến cố đang dồn dập xảy ra quanh mình trên thế giới, để nhận biết được điều Chúa đang muốn mình thi hành trong một hoàn cảnh cụ thể. Nói cách khác, Hội Thánh nơi các phần tử của mình - cách riêng các Ki-tô hữu giáo dân đang sống giữ đời, phải biết quan tâm sâu sắc tới những chuyển biến của thế giới hiện đại, hầu có thể trung thành với ơn gọi mình nhận được là thánh hóa bản thân và Tin Mừng hóa nó. Kể từ Công Đồng Vatican II tới nay, Tòa Thánh, qua các văn kiện huấn quyền ban hành, đã đặc biệt chỉ ra ba ‘dấu chỉ’ nổi bật đang in đậm nét trên thế giới hiện đại, những dấu chỉ mà mọi Ki-tô hữu bất luận không thể không bỏ qua trong sứ mệnh sống đạo và rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay, đó là: truyền thông, di dân và môi trường.
 
1/ Truyền thông
 
Ta nên nhớ rằng: Huấn thị về Các Phương tiện Truyền thông Xã hội Inter Mirifica là tài liệu thứ hai được Công Đồng ban hành rất sớm, vào ngày 04 tháng 12 năm 1963. Tài liệu này tuy ngắn ngủi, nhưng nói lên mối quan tâm sâu sắc của Công Đồng, là làm sao cho mọi Ki-tô hữu hiểu biết được về tầm quan trọng, cũng như ảnh hưởng sâu rộng của việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hôi đối với việc xây dựng công ích, cũng như đối với hiệu năng của việc rao giảng Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay. Vấn đề truyền thông, qua triều đại các Giáo Hoàng kế tiếp sau đó, đã được Tòa Thánh dần bổ sung bằng nhiều văn kiện khác nữa, trong đó có Huấn thị Mục vụ về các Phương tiện Truyền thông Xã hội Communio et Progressio được ban hành vào tháng giêng năm 1971, một văn kiện dài và đầy đủ hơn. Hôm nay, đã hơn 50 năm hậu Công Đồng Vatican II, nhân loại đã chứng kiến những bước tiến bộ vượt bậc về các phương tiện truyền thông toàn cầu (thử nghĩ tới internet với các ứng dụng đa phương và đa năng của nó) cùng với tất cả ảnh hưởng chúng kéo theo, ngày càng tỏ ra vô cùng lợi hại cả về diện tích cực lẫn tiêu cực.  Chính vì thế mà ‘dấu chỉ truyền thông’ ngày càng lộ rõ tầm quan trọng và tính cấp bách đặc thù của nó.
 
Thiết tưởng lúc này hơn bao giờ hết, ta nên nhắc lại hướng dẫn rất nền tảng mà Công Đồng dành cho các Ki-tô hữu giáo dân trong lãnh vực này: “Trách nhiệm của các Mục tử là giáo huấn và hướng dẫn các giáo dân để họ, với sự nâng đỡ của chính các phương tiện truyền thông này, thăng tiến chính bản nhân họ cũng như toàn thể gia đình nhân loại, hướng tới phần rỗi cũng như việc thánh hóa mình. Ngoài ra, các giáo dân cách riêng phải nỗ lực làm sao cho các giá trị nhân bản và Ki-tô hữu thấm nhuần vào việc sử dụng các phương tiện này, sao cho chúng có thể đáp ứng cách hữu hiệu những ước mơ to lớn của nhân loại, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa.” (Inter Mirifica 03). Huấn thị cũng nhắc nhở các Ki-tô hữu cách cụ thể rằng, khi sử dụng các phươn tiện truyền thông, họ - trong tư cách cá nhân cũng như tập thể - cũng có trách nhiệm phải bảo đảm làm sao cho những gì mình nghe hoặc nhìn v.v. được lành mạnh và xây dựng về luân lý vung như đức tin. Họ có bổn phận xa tránh những nội dung có thể làm mình bị tổn thương trong đời sống đức tin, hay trái ngược với tinh thần Tin Mừng (xem Inter Mirifica các số 10-12).
 
Việc sử dụng các phương tiện truyền thông cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, nhất là đối với giới trẻ. Và điều này đòi hỏi một quan tâm và hướng dẫn đặc biệt từ phía các bậc phụ huynh và nhà giáo dục…, sao cho các em, giữa cơn bão truyền thông, biết tiếp thu các thông tin và kiến thức mình nhận được với nhận thức chọn lọc dựa trên các tiêu chuẩn Tin Mừng và luân lý lành mạnh và vững chắc (xin xem Inter Mirifica các số 16-17).
 
2/ Di Dân
 
Một ‘dấu chỉ thời đại’ quan trọng khác nữa của xã hội loài người hiện đại là hiện tượng ‘di dân’. Khác với quá khứ, khi mà hiện tượng di dân không chỉ giới hạn trong các cuộc tản cư, chạy loạn, lưu đầy hay di cư, hầu hết do các nguyên nhân thiên tai – đói kém, hay giặc giã - loạn lạc gây nên, và chỉ xảy ra cách lác đác, khoanh vùng hạn hẹp và mang tính nhất thời, ngày nay hiện tượng này đang bùng nổ rộng khắp, hầu như mọi nơi trên thế giới, và ảnh hưởng tới mọi lãnh vực của cuộc sống con người, như xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa… thậm chí cả tôn giáo nữa (xin tham khảo Huấn Thị Erga Migrantes Caritas Christi của Hội Đồng Giáo Hoàng về Mục vụ Chăm sóc Di dân và Người lữ hành số 01). Hiện tượng này chắc chắn kéo theo những hệ quả sâu đậm và lâu dài, cả tích cực lẫn tiêu cực, có khả năng làm huynh đảo cuộc sống từng người, từng quốc gia dân tộc, và toàn xã hội nữa. Nhìn chung hết và xa hơn nữa, người ta còn có thể nhận thấy nơi hiện tượng này: xã hội đang dần hình thành một lối sống mới, lối sống dựa trên sự di chuyển (tương tự như nếp sống du mục xưa kia), và kéo theo muôn vàn đổi thay sâu sắc, như những tương quan nhân vị mới, những suy tư mới, những tiến bộ mới, v.v… “Như thế, Hội Thánh coi hiện tượng di dân hiện nay như một ‘dấu chỉ thời đại’ đầy ý nghĩa, là một thách đố cần được khám phá và sử dụng trong công tác canh tân nhân loại và loan báo Tin Mừng bình an” (EMCC số 14).
 
Đúng thế, hiện tượng di dân đang cống hiến cho Dân Chúa một khả thể to lớn để canh tân niềm tin của mình hầu thực thi bác ái và loan báo Tin Mừng (một cuộc ‘xuất hành đức tin và hy vọng’, theo cách nói của Đức Bê-nê-đi-tô XVI trong sứ điệp ngày quốc tế di dân năm 2013), đồng thời cũng là một thời cơ đầy thách đố để xây dựng hòa bình thế giới. “Cả trong Giáo hội và xã hội, các Ki-tô hữu giáo dân, các hiệp hội giáo dân, các phong trao Hội Thánh, giữa tất cả các khác biệt về đoàn sủng và tác vụ, được mời gọi cống hiến các chứng tá Ki-tô hữu, và sẵn sàng phục vụ di dân” (EMCC số 86). Đây còn được coi là vận may hiếm có để thăng tiến cách hữu hiệu vai trò của Ki-tô hữu giáo dân trong nội bộ Hội Thánh, cũng như ngoài xã hội. “Trong một Hội Thánh được Thần Khí Chúa thôi thúc, đang phấn đấu để trọn vẹn trở thành truyền giáo và phục vụ, thì việc tôn trọng các ân điển của mỗi người phải được đặt lên hàng đầu. Trong vấn đề này, tín hữu giáo dân phải có được quyền tự trị cao trong các lãnh vực, nhờ đó, họ chu toàn trọng trách Diakonia độc đáo của họ, như thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người già yếu, hướng dẫn các nhóm thanh thiếu niên, sinh động các hộ gia đình, dạy giáo lý, điều hành các khóa huấn luyện nghề nghiệp, làm việc trong các trường học và cơ quan hành chánh, xa hơn nữa, làm phụ tá phụng vụ và tư vấn trong các trung tâm cầu nguyện gặp gỡ và suy tư Lời Chúa” (EMCC số 86 cũng tham khảo thêm các số 87-88). Hiện tượng rộng lớn này không cho phép họ, nhất là trong tư cách Ki-tô hữu, đóng kín mình lại, nhưng phải mở ra cho các phục vụ quảng đại.
 
3/ Môi trường sinh thái
 
Năm 2015, Đức Phan-xi-cô I đã ban hành Thông Điệp Laudato Sì – (Chăm Sóc Ngôi Nhà Chung) bàn về đề tài nóng bỏng là ‘bảo vệ môi trường sinh thái’. Trước hết, Thông Điệp này đã phác họa cho thấy sự nghiêm trọng của tình trạng ô nhiễm toàn cầu hiện nay, kéo theo những hậu quả vô cùng thảm khốc trên toàn nhân loại, điển hình là hiện tượng ‘biến đổi khí hậu’. Tiếp theo đó, văn kiện cống hiến cho các tín hữu nói riêng và mọi người nói chung, một nhãn quan Tin Mừng sâu sắc về tạo dựng, cơ sở của sự hiệp thông hoàn vũ. Sau khi đã đưa ra một phân tích mang tính khoa học về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện nay, Thông Điệp cũng thử đưa ra giải pháp là thiết lập một khoa sinh thái toàn diện. Điều này nhất thiết đòi phải có một cuộc đối thoại thẳng thắn về môi tường trong cộng đồng quốc tế, hầu tiến tới việc hình thành một chiến lược thống nhất trên cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, để đưa ra những quyết định khả thi cả về mặt chính trị lẫn kinh tế. Trong suốt tiến trình này, con người và sự phát triển chân chính của họ phải được đặt thành mục tiêu chính yếu và tối hậu, và luôn được nhắm tới. Hơn nữa về phần mình, trong khi giải quyết các vấn đề sinh thái và môi trường, các Ki-tô hữu sẽ tìm ra được linh đạo chân chính sâu sắc nhất cho mình, trong tương quan với Thiên Chúa – Đấng tạo dựng, và đoàn kết với các người anh em trong bình an và vui tươi.  
 
Thông Điệp được gửi tới mọi người thiện tâm chứ không phải chỉ riêng cho các Ki-tô hữu, nên nó  không có một lời trực tiếp nào gửi tới giáo dân. Tuy nhiên, giáo dân phải là những người bén nhạy nhất trước những lời kêu gọi thống thiết này, trong tư cách Ki-tô hữu cũng như công dân của thế giới. ĐTC kêu gọi họ: “Thách đố nghiêm trọng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta cũng bao gồm luôn cả việc mang gia đình nhân loại xích lại gần nhau, hầu tiến tới một nền phát triển toàn diện và bền vững, bởi vì ta biết rằng mọi sự đều có thể biến đổi. Đấng Tạo Hóa không bỏ rơi chúng ta! Người không bao giờ khước từ kế hoạch yêu thương của Người, hay ân hận vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn còn khả năng cùng nhau làm việc để kiến thiết ngôi nhà chung. Lúc này cha muốn nhìn nhận, khích lệ và cám ơn tất cả những ai đã nỗ lực cách này hay cách khác duy trì việc bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng nhau chia sẻ. Cách riêng cha đánh giá cao những ai không ngại mỏi mệt tìm mọi cách để giải quyết các hậu quả tang thương của việc môi trường bị hủy hoại đang tác động trên đời sống của những người nghèo nhất trên thế giới. Người trẻ đang đòi phải thay đổi; nhưng chính họ sẽ lấy làm ngạc nhiên: tại sao lại có những người dám tuyên bố mình đang xây dựng một tương lai tươi sáng mà lại không hề nghĩ đến cuộc khủng hoảng môi trường, và những đau khổ mà các người bị loại bỏ đang phải hứng chịu.” (Laudato Sì số 13) Và lời kêu gọi này được gửi tới tất cả mọi người chúng ta để cùng nhau chung tay, không trừ một ai: “Tất cả mọi người chúng ta, trong tư cách dụng cụ của Chúa, đều có thể cộng tác vào việc chăm sóc tạo dựng, mỗi người tùy theo văn hóa, kinh nghiệm, can dự và khả năng của riêng ông/bà đó.” (Laudato Sì số 14)
 
Tóm lại, trong thế giới hôm nay, không một Ki-tô hữu nào có thể coi mình là chân chính, nếu không biết đọc những ‘dấu chỉ’ thời đại mà Chúa đang vạch ra để chỉ cho mình cách thích hợp nhất tuyên xưng đức tin và loan truyền Tin Mừng (nhất là khi đã có tiếng nói của Hội Thánh). Điều này đúng cho từng cá nhân Ki-tô hữu, nhưng cũng có thể đúng đối với mọi đoàn thể và tập thể trong Hội Thánh, ở mọi cấp mọi nơi (các hội đoàn, đoàn thể, dòng tu, cấp giáo xứ hay giáo phận…). Và đó cũng có thể được coi như tiêu chuẩn để đánh giá tính sống động của Tin Mừng nơi các Ki-tô hữu, đặc biệt giáo dân, tại một vùng hay lãnh thổ xác định.
 
Câu hỏi gợi ý:
1/ Các cha mẹ Công Giáo trong vùng bạn sống quan tâm thế nào tới thái độ của các người trẻ trong việc sử dụng (hay lạm dụng) phương tiện truyền thông như ‘internet’?
2/ Bạn có cho rằng giáo xứ của bạn quan tâm tới vấn đề di dân không, nhất là trong việc tiếp đón và nâng đỡ họ, về vật chất cũng như tinh thần?
3/ Tình trạng vệ sinh môi trường của giáo xứ bạn (nhất là khi có số lượng giáo dân đông tập trung) có thật sự tốt hơn so với các địa phương khác không? Tại sao?
 
Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB
 
 
PHẦN MỤC VỤ
MẶC ĐẸP CHO ĐỜI
 
Lời mở
 
Mặc là một nhu cầu thiết thân của con người trong xã hội. Quần áo và những trang phục như mũ nón, ví cặp, giày dép… không phải chỉ che thân và bảo vệ sự sống, nhưng còn nói lên tính cách và phẩm giá cao quý của người dùng. Nhiều người săn tìm những bộ quần áo của các công ty thời trang nổi tiếng, trong khi nhiều người khác lại chỉ mặc những chiếc quần jeans rách vá nhiều chỗ cho có vẻ phóng khoáng tự do. Một số bạn trẻ chỉ thích mặc những quần áo ngắn ngủn, mỏng manh, để khoe những đường cong, cơ bắp trên thân thể. Vậy “mặc như thế nào” có lẽ vẫn là câu hỏi được nhiều người đặt ra hằng ngày mỗi khi phải thay quần áo để đi học, đi làm hay sinh hoạt trong xã hội.
 
1. Cái mặc trong dòng lịch sử nhân loại
 
Nếu ta sống một mình trên hoang đảo như Robinson Crusoe[10] hay trong phòng kín, có lẽ chẳng cần mặc quần áo, dù rằng quần áo vẫn cần để bảo vệ cơ thể như giữ ấm, chống ướt, chống lạnh… Nhưng khi tiếp xúc với cộng đồng gồm nhiều loại người khác nhau, như nam nữ, già trẻ, giàu nghèo, sang hèn, trí thức hay bình dân… ta cần phải ăn mặc cho phù hợp để nói lên tư cách của mình và tôn trọng người khác.
 
Kể từ thời tiền sử, dù còn ăn lông ở lỗ, chỉ biết mặc những manh áo, tấm khố làm bằng vỏ cây, da thú, con người đã biết trang điểm cho mình xinh đẹp bằng những vệt màu bằng đất sét[11], đeo những vỏ ốc, gắn những lông chim sặc sỡ. Người càng có địa vị cao trọng trong bộ lạc như tù trưởng, thầy pháp, già làng, thì quần áo càng có thêm những điểm khác biệt.
 
Vào thời kỳ hình thành các dân tộc, trang phục dần dần mang nét đặc sắc của nền văn hoá. Mỗi dân tộc có bộ trang phục truyền thống để mặc trong dịp lễ hội hay các ngày trọng đại của đất nước, như bộ Sari của Ấn Độ, Kimono của Nhật Bản, Hanbok của Hàn Quốc, Kebaya của Indonesia, Sabai của Thái Lan, Kilt của Scotland, Gho của Bhutan, Áo dài của Việt Nam.
 
Ngoài những bộ quần áo đơn giản mặc trong các ngày làm việc, những bộ trang phục đẹp đẽ chỉ tìm thấy ở chốn cung đình dành cho vua chúa, quan quyền. Chỉ những người này mới có đủ điều kiện để mặc những bộ quần áo may bằng những chất liệu đặc biệt như gấm vóc, lụa là, thêu bằng chỉ vàng, đính thêm ngọc quý.
 
Từ đầu thế kỷ IV, do ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, nhất là Kitô giáo, mọi người trong đế quốc Rôma đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa nên quần áo sang trọng không còn là độc quyền của giới quý tộc. Ai cũng phải ăn mặc nghiêm chỉnh để ra mắt Thiên Chúa, nhất là khi tham dự những nghi lễ phụng tự. Khi các cuộc cách mạng lật đổ chế độ quân chủ độc tài bùng nổ ở nhiều nước châu Âu, khởi đầu từ cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, việc mặc những trang phục đẹp dần dần phổ biến cho quảng đại quần chúng, nhất là trong giới tư bản giàu có.
 
Từ thế kỷ XIX, khi đời sống cộng đồng ở đô thị phát triển, cách ăn mặc của con người cũng thay đổi. Những bộ quần áo truyền thống cầu kỳ, phức tạp, nhiều chi tiết được thay bằng những bộ quần áo gọn gàng, đơn giản để tiện làm việc trong các công ty, nhà máy, xí nghiệp, nhất là khi ngành may mặc được công nghiệp hoá với những máy móc hiện đại. Quần áo may sẵn với những tiêu chuẩn rõ ràng, màu sắc hấp dẫn, vừa rẻ vừa đẹp, có thể đến tay mọi người. Sự phân cấp xã hội qua trang phục giữa những con người sang hèn, giàu nghèo, già trẻ cũng không còn gay gắt như trước vì ai cũng có thể mặc những bộ quần áo giống nhau.
 
2. Người Việt mặc như thế nào?
 
Dân tộc Việt chúng ta cũng tiến từ giai đoạn mặc đơn giản thời các vua Hùng với yếm, váy ngắn cho đàn bà; áo giao lĩnh, trực lĩnh, viên lĩnh và khố vải cho đàn ông[12], tiến đến giai đoạn có quần áo tươm tất hơn khi bắt đầu nền quân chủ độc lập của đất nước vào năm 938. Trong hơn 1.000 năm bị người Trung Quốc đô hộ (111 TCN - 937), những người thân chính quyền và giàu có mặc theo người Trung Quốc, trong khi quần chúng mặc theo người Việt cổ. Điều này nói lên tinh thần ái quốc chống lại cuộc xâm lăng văn hoá vì trong khi phụ nữ Trung Quốc mặc quần với hai ống riêng biệt, thì phụ nữ Việt Nam mặc váy. Vì thế mới có câu ca dao:
Cái thúng mà thủng hai đầu
Bên Tây thì có, bên Tàu thì không.
 
Quần chúng bình dân mặc quần áo đơn sơ cho dễ làm việc, may bằng vải bông hay đũi[13] là loại tơ tằm dệt thô, có nhiều đường nối. Nhiều người giàu hoặc quan lại mới có điều kiện may quần áo bằng lụa là, gấm vóc. Màu sắc thường là màu trắng, đen, xanh đậm, nâu. Còn những màu rực rỡ khác đều dành cho người quyền quý, giàu sang. Đặc biệt màu vàng với việc thêu các linh vật như long, ly, quy, phụng chỉ dành cho vua chúa, quan lại. Người dân nếu vi phạm, có thể bị khép vào tội phạm thượng, khi quân, phản loạn.
 
Áo dài là trang phục đổi mới từ áo ngũ thân của người Việt Nam, mặc cùng với quần dài, dành cho cả nam lẫn nữ, nhưng thường dành cho nữ nhiều hơn. Chúa Vũ Vương Nguyễn Phúc Khoát (1744) được coi là người có công sáng chế chiếc áo dài và định hình chiếc áo dài Việt Nam như ngày nay[14]. Cho đến thế kỷ 17, truyền thống mặc váy vẫn còn tồn tại ở Việt Nam như đã ghi trong sách Lê Triều Thiên Chính, đời vua Lê Huyền Tông, tháng 3 năm 1665, với sắc lệnh nhắc nhở: "Áo đàn bà con gái không có thắt lưng, quần không có hai ống từ xưa đến nay vốn đã có cổ tục như thế…". Năm Minh Mạng thứ 9 (1828), triều đình Huế ra chiếu chỉ cấm đàn bà mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống, nên hồi ấy mới có câu ca dao kêu trách như sau:
Tháng Tám có chiếu vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng!
 
Chiếc áo dài ngày nay được hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường (dịch sang tiếng Pháp: Le Mur) giới thiệu đầu tiên trên báo Phong Hoá, số 90, ngày 23/3/1934. Áo chia hai tà trước sau từ dưới eo khoảng 8cm. Năm 1935, những chiếc áo dài Le Mur xuất xưởng, tạo sự duyên dáng cho phụ nữ nên được cả xã hội đón nhận. Từ đó đến nay, áo dài đã được thay đổi nhiều kiểu dáng và chất liệu nên trở thành trang phục riêng biệt của nữ giới Việt Nam và được nhiều nước trên thế giới biết đến[15].
 
3. Mặc theo quan điểm truyền thống Công giáo
 
Người tín hữu Công giáo có quan điểm khác biệt về cái mặc và hướng nhiều về lĩnh vực đạo đức, tinh thần hơn là những quần áo, trang sức bằng vật chất bên ngoài. Khởi đầu, người Công giáo giữ nguyên quan niệm truyền thống về y phục như Do Thái giáo đã diễn tả trong Thánh Kinh Cựu Ước. Từ nguyên thuỷ, những người đầu tiên trần truồng không y phục vì họ được ánh sáng của Thiên Chúa bao phủ (x. St 3). Chỉ sau khi phạm tội, cắt đứt sự hiệp thông với Thiên Chúa, họ mới cảm thấy xấu hổ trước mặt Thiên Chúa và trước mặt nhau, nên Thiên Chúa đã mặc cho họ những chiếc áo da (x. St 3,21).
 
Y phục không phải chỉ bảo vệ thân thể, chống lại sự thay đổi thời tiết, những nguy hiểm của môi trường như các côn trùng, mà còn chống lại những cái nhìn thèm khát, muốn lột trần, hạ thấp giá trị con người thành đồ vật để thoả mãn dục tính. Vì thế, luật cấm nhìn thân thể trần truồng của cha mẹ (x. St 9.20-27), anh em (x. St 34; 2Sm 3), vợ chồng (x. Lv 18) để bảo vệ đời sống riêng tư của mỗi người.
 
Y phục còn phản ánh đời sống xã hội với những công việc khác nhau (x. 1Sm 25,48; Cn 31,10-31), trở thành quà tặng nói lên tình bằng hữu (x. 1Sm 18,3-4), trở thành ân phúc của Chúa để chia sẻ cho những ai nghèo túng, không để họ phải trần truồng, rách rưới (x. Ez 18,7; Is 58,7).
 
Đời sống, lời rao giảng, nhất là mầu nhiệm chết đi-sống lại của Đức Giêsu Kitô đem lại ý nghĩa mới mẻ cho cái mặc của con người và của Kitô hữu (x.Mt 6,28-33). Thiên Chúa yêu thương toàn thể con người và vũ trụ nên đã sai Ngôi Lời, Con của Ngài, xuống thế làm người. Dù là Thiên Chúa vô cùng giàu có và cao sang, nhưng Người tự nguyện trở thành hài nhi, bọc tã nằm trong máng cỏ (Lc 2,7.12). Cuối đời, Đức Giêsu bị lột hết y phục (x. Mt 27,35; Ga 19,23), nằm chết nhục nhã trên thập giá như muốn đưa tất cả vào tình trạng nguyên thuỷ, khi con người được Thiên Chúa bao bọc bằng tình yêu và ánh sáng của Ngài. Đức Giêsu đã báo trước tình trạng này vài tuần trước đó, khi Người biến hình trên núi trong y phục huy hoàng trắng tinh như ánh sáng (x. Mt 17,2), cũng như khi Người hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas (x. Cv 22,6-11).
 
Người Kitô hữu không quan tâm đến y phục vật chất và sống theo tinh thần nghèo khó của Đức Giêsu. Họ muốn lột bỏ con người cũ và mặc lấy người mới (x. Cl 3,10; Ep 4,24) để thật sự “sống công chính và thánh thiện, nhờ đức tin và phép rửa”. Họ phải ‘mặc lấy Đức Kitô’ (Gl 3,25) là con người mới (x. CĐ. Vat.II, GS, số 22) để từ nay trở thành chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, thành con cái của Thiên Chúa. Mặc lấy Đức Kitô chính là mang một thứ y phục tinh thần mà Thánh Phaolô đã diễn tả rất rõ trong đoạn thư gửi tín hữu Côlôsê 3, 7-15: “Hãy cởi bỏ con người cũ là tất cả những gì tiêu cực như giận dữ, nóng nảy, độc ác, thoá mạ, ăn nói thô tục và mặc lấy con người mới là lòng thương cảm, nhân hậu, khiên nhu, hiền hoà, nhẫn nại, biết chịu dựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nhất là mặc lấy lòng bác ái là mối dây liên kết tuyệt hảo”.
 
Kể từ Công đồng Vaticanô II (1962-1965), người Công giáo vượt qua quan niệm Nhị Nguyên để nhận ra "con người là một với thể xác và tinh thần, và phải coi thể xác là tốt lành, đáng tôn trọng vì được Thiên Chúa tạo thành và sẽ được sống lại trong ngày sau hết" (x. CĐ. Vat.II, GS, số 14). Hơn nữa, Thiên Chúa là nguồn chân, thiện, mỹ.  Tất cả mọi sự Ngài dựng nên đều rất tốt đẹp (St 1,31; x. Thư ĐGH Gioan Phaolô II gửi văn nghệ sĩ, 4/4/1999) và cái đẹp là một trong ba thuộc tính cơ bản của hữu thể: đúng-tốt-đẹp, nên người tín hữu phải tôn trọng và biểu lộ cái đẹp trong thân xác cũng như qua quần áo, trang phục của mình. ĐGH Gioan Phaolô II nhắc bảo rằng: "đẹp là hình thức bên ngoài của cái tốt, cũng như cái tốt là điều kiện siêu hình của cái đẹp và cả hai cái tốt và đẹp đều phải nằm trong cái thật của hữu thể" (Thư gửi văn nghệ sĩ, số 3). Vì thế, bước sang thiên niên kỷ thứ III, người Công giáo có quan điểm cởi mở hơn về y phục và tất cả những gì liên quan tới thân thể con người vì muốn biểu lộ cái đẹp của Thiên Chúa qua cách sống, ăn mặc, trang điểm của mình.
 
4. Chúng ta sẽ mặc gì và mặc như thế nào?
 
Mỗi ngày trước khi đi làm, đi học hay gặp một người nào đó, ta nên đặt ra cho mình một vài tiêu chuẩn trước khi chọn lựa quần áo:
Trang phục phải phù hợp với hoàn cảnh và cộng đồng xã hội. Ta không thể mặc bộ quần áo với màu sắc rực rỡ, tươi sáng để dự tang lễ của bất cứ ai, vì như thế là xúc phạm đến người đã khuất và cộng đồng trước nỗi mất mát và cái chết. Đến những nơi thờ tự ta cũng cần có những trang phục hết sức đúng đắn để tỏ lòng tôn kính thần linh và tôn trọng niềm tin của người khác.
Trang phục phải phù hợp với đức hạnh và tư cách. Người xưa nhắc nhở rằng: "Y phục xứng kỳ đức", nghĩa là ăn mặc phải tương xứng với đức hạnh và địa vị trong xã hội. Một người tử tế, có văn hoá, sẽ biểu lộ đức hạnh của mình qua trang phục họ mang: từ bộ quần áo, đến giày dép, mũ nón, ví cặp…
Trang phục phải đẹp và nâng cao phẩm giá con người. Tinh thần khiêm tốn, khó nghèo không ngăn cản ta tôn vinh cái đẹp và nhân phẩm. Vẻ đẹp thể hiện qua màu sắc, kiểu dáng của trang phục hài hoà với người mặc và cộng đồng. Chính việc chọn đúng màu sắc đã nói lên phần nào tài năng, tính cách và đức hạnh của người mặc.
Tuyệt đối không bao giờ dùng trang phục khoe thân. Nhiều bạn trẻ hay phụ nữ mặc những bộ quần áo quá mỏng để khoe thân. Họ đã tự đánh giá thấp bản thân, biến mình thành một tượng đài hay vật dụng cho người khác ngắm nhìn theo những dục vọng của người xem, hơn là biểu lộ những nét đẹp trong sáng cao thượng của một con người toàn diện.
 
Lời kết
Vì thế, chúng ta "hãy mặc lấy con người mới, con người hằng được đổi mới theo hình ảnh Đấng Tạo Hoá" (Cl 3,10). Chúng ta hãy “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,25) vì Người là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, đã đưa tính vĩnh hằng, vô biên, tuyệt đối vào trong con người vô thường, tạm bợ, hữu hạn, nên mỗi hành động dù nhỏ bé nhất của ta như ăn, mặc hằng ngày đều có giá trị vô cùng, đều tạo nên công đức vì ta đóng góp vào cái đẹp vĩnh hằng của Thiên Chúa.
 
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
 
Câu hỏi
1. Bạn thường chọn lựa quần áo như thế nào: chú ý đến màu sắc, kiểu dáng hay không quan tâm đến chúng?
2. Bạn nghĩ phụ nữ Việt Nam có nên mặc chiếc áo dài truyền thống trong những dịp lễ đặc biệt không? Tại sao?
3. Bạn biết gì về cách phối màu cho quần áo bạn mặc hay chia sẻ cho bạn bè để họ ăn mặc đẹp hơn?
4. Bạn đã mặc Đức Giêsu Kitô như thế nào?
 
 

[1] Sau khi Mô-sê qua đời, Thiên Chúa đã trao trách nhiệm cho Giô-su-ê dẫn dắt dân Chúa. Chính Giô-su-ê lãnh đạo dân tiến vào miền đất Thiên Chúa đã hứa ban và trở thành vị thủ lãnh của dân, khởi đầu một giai đoạn mới: Thời kỳ Thủ Lãnh. Vào thời kỳ này, dân Chúa phải đấu tranh để sinh tồn, vượt qua nhiều thử thách trong đức tin để trung thành với Thiên Chúa.
[2] Mt 20,25.
[3] Đó là Đại hội Si-khem. Trong đại hội, chính Giô-su-ê đề nghị mọi người chọn Gia-vê Thiên Chúa… và trên niềm tin vào Gia-vê Thiên Chúa, một liên bang các chi tộc đã khai sinh.
[4] Công () là chung, bộc () là đầy tớ; cụm từ “công bộc của dân” có thể được hiểu là người đầy tớ chung của nhân dân. Vì thế, công nhân viên chức một đất nước vẫn thường được cho là công bộc của dân (servants of the people).
[5] “The leader shall consider as good, not what pleases himself but what pleases his subjects or his followers” (Chanakya, Arthashas-tra).
[6] “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (x. Robert Greenleaf, Essentials of Servant Leadership (1977).
[7] Mt 20,25.
[8] X. Gabriel Adeleye, Kofi Acquah-Dadzie, Thomas J. Sienkewicz, World Dictionary of Foreign Expressions: a Resource for Readers (1999), 361. “Servant of the servants of God is one of the titles of the pope and is used at the beginning of papal bulls”.
[9] Mt 20,26-28; x. Mc 10,43-45.
[10] Robinson Crusoe là tiểu thuyết của nhà văn Anh Daniel Defoe, tên tiếng Anh đầy đủ: The life and strange surprising adventures of Robinson Crusoe of York, Mariner, xuất bản năm 1719.
[11] X. A. Roberts, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y Học, tr 015.
[12] X. Wikipedia, bài Trang phục Việt Nam, Internet.
[13] Thành phố Hồ Chí Minh còn giữ một địa danh là Chợ Đũi là khu vực ở góc đường Võ Văn Tần, q.3 và giáo xứ Công giáo Chợ Đũi ở đường Tôn Thất Tùng , q.1, Tp.HCM. Đây là khu vực buôn bán đũi cách đây khoảng 100 năm.
[14] X. Wikipedia, bài Áo Dài, Internet.
[15] X. Wikipedia, bài Áo Dài, Internet.

Tác giả: UBGDHĐGMVN

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm27
  • Khách viếng thăm397
  • Hôm nay44,409
  • Tháng hiện tại904,770
  • Tổng lượt truy cập78,908,221
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây