Khánh “Trắng”
Thứ bảy - 22/06/2019 20:40
5855
Mấy ngày nay người dân làng Ân Thiên vẫn chưa hết xôn xao, bàng hoàng chuyện thằng Khánh “trắng” về quê trong bộ dạng của một ông thầy dòng. Có người nói rằng nó đang cố gắng đánh lừa mọi người bằng chiếc áo thầy tu cho quá khứ nghiện ngập của hắn. Có người cho rằng chắc hắn lấy trộm chiếc áo dòng của ai đó rồi về quê mặc để “hù doạ” dân làng. Có người độc miệng hơn nói rằng cái thằng nghiện ma tuý như hắn mà đi tu thì chắc chắn tận thế sắp đến nơi rồi. Cũng có người tự an ủi bản thân với suy nghĩ chắc hắn đi tu thật.
Mặc cho lời bàn tán ra vào của mọi người, Khánh vẫn im lặng không một lời đối đáp, thanh minh vì Khánh biết rằng dù Khánh có giải thích thế nào đi nữa thì con người hiện tại của Khánh cũng sẽ không được mọi người chấp nhận bởi quá khứ nghiện ngập của Khánh, ít nhất là trong thời điểm này. Thế nên Khánh vẫn chưa dám tiếp xúc với mọi người. Chính vì thế mà từ ngày về quê thăm gia đình, con đường duy nhất Khánh sải bước mỗi ngày là con đường từ nhà bố mẹ tới nhà thờ và từ nhà thờ về nhà bố mẹ. Khánh xem đó như là một sự đền tội cho quá khứ tội lỗi của mình.
Quả thật, mấy năm về trước, Khánh là một con nghiện ma tuý nặng trong làng. Khánh chấp nhận đánh đổi tất cả mọi thứ để được phê trong những làn khói trắng của thuốc phiện, và cũng từ đó nó được gọi với cái tên Khánh “trắng”. Vì Khánh chấp nhận đánh đổi mọi thứ như thế nên bao nhiêu tài sản của gia đình hắn đều bán hết, thậm chí Khánh còn nhiều lần trộm cắp tài sản của người khác. Không những thế, ngay cả bố mẹ, anh chị em, hàng xóm cũng bị coi như kẻ thù nếu cản bước hay không đáp ứng được những lời yêu cầu của hắn mỗi khi cơn nghiện nổi lên. Thế nên, Khánh dần dần bị mọi người xa lánh.
Thực ra, Khánh không đáng bị sa vào con đường nghiện ngập, bởi lẽ gia đình Khánh không ác đến độ phải nói là nghiệp chướng, không nghèo đến độ phải để Khánh ra đời bươn chải sớm. Tuy nhiên, vì bố mẹ Khánh quá mải mê với công việc làm ăn nên đã lơ là việc dạy dỗ con cái. Hơn nữa, vì ông bà quá chiều con nên Khánh lại càng có cơ hội để đua đòi, ăn chơi với đám bạn hư hỏng. Khi số tiền Khánh xin mỗi ngày một lớn và những chiếc xe đắt tiền trong nhà mỗi ngày một vắng bóng, bố mẹ Khánh mới giật mình nhìn lại đứa con cưng của mình. Dĩ nhiên, lúc này Khánh đã dính vào con đường nghiện ngập.
Từ khi dính vào con đường nghiện ngập, Khánh trở thành một con người hoàn toàn khác. Một thằng Khánh ngoan hiền của ngày xưa đã biến mất để thay vào đó là một thằng Khánh "trắng" bất cần đời, không xem ai ra gì. Đối với hắn, giờ đây tri kỷ là những tép thuốc phiện, người thân là những đứa bạn nghiện ngập. Hắn xấc xược đến nỗi nếu có ai đó vô tình liếc mắt nhìn hắn, hay xầm xì bàn tán về hắn thì hắn sẽ tìm mọi cách để gây chuyện. Có lần hắn hét toáng giữa ngã ba đường như muốn thách thức mọi người: "Tao là tao đếch sợ thằng nào hết, khôn thì đừng xía vào chuyện của tao". Khánh "trắng" như một con thú hung dữ sẵn sàng tấn công bất kể một ai. Thế nên không ai dám đụng chạm tới hắn, và nếu vô tình thì cũng im lặng coi như mình là người sai lỗi.
Về phần bố mẹ Khánh, dù nhiều lần Khánh tỏ ra hỗn xược, nhưng ông bà vẫn không hề oán trách con. Ông bà tâm niệm rằng con mình ra nông nỗi này tất cả cũng do ông bà. Chính vì vậy, từ ngày biết con mình nghiện ngập, ông bà luôn tìm mọi cách để ở gần, để dạy dỗ và để quan tâm con hơn. Mọi công việc làm ăn từ trông coi tiệm vàng đến giao dịch làm ăn với khách hàng ông bà giao hết cho đứa cháu. Dường như điều quan trọng nhất đối với ông bà bây giờ là làm sao để giúp thằng Khánh từ bỏ con đường nghiện ngập. Tuy nhiên, mọi cố gắng của ông bà đều đổ sông đổ biển khi Khánh “trắng” ngày càng lún sâu vào ma tuý, và ngày càng ngỗ nghịch hơn. Trước đây khi ông bà còn cho tiền hay nhà còn thứ gì có giá trị để bán thì Khánh không có thái độ gì. Thế nhưng từ ngày nhà không còn gì để bán và bố mẹ không cho tiền nữa, Khánh tỏ ra hung dữ hơn. Đã có lần hắn sỉ nhục ông Hiệp, bố Khánh cách thậm tệ, và còn đánh cả ông nữa.
“Bố mẹ cho tui ít tiền xài.” Vừa cào cấu khắp người Khánh vừa nói.
“Bố mẹ có tiền nhưng không cho con để hút chích.” Ông Hiệp ân cần nói.
“Cho ít tiền xài đi.” Lúc này Khánh thay đổi cung giọng.
“Bố mẹ bảo rồi, bố mẹ không cho con tiền để hút chích được. Nếu con bỏ ma tuý thì cái gì bố mẹ cũng cho.” Ông bố nói.
“Cái gì! Ông bà có cho tui ít tiền không, đừng để tui nói thêm lần nữa.” Khánh hung dữ nói lại với bố mình.
“Bố mẹ không cho.” Ông Hiệp dứt khoát đáp lại trong khi bà vẫn ngồi đó.
Sau câu nói này của ông Hiệp, Khánh tiến lại túm cổ áo rồi đấm đá ông túi bụi. Bà Lành, mẹ Khánh khóc lóc van xin nhưng Khánh vẫn không tha cho ông. Vừa đánh hắn vừa la toáng “Không cho à. Không cho à.” Với những cú đấm, cú đá như trời giáng của hắn, ông Hiệp chỉ biết kêu xin và lấy tay che đầu. Khi thấy ông Hiệp không còn kêu xin được nữa, hắn mới buông tha. Lúc này bà Lành cũng chạy tới đưa tiền cho hắn. Cầm tiền trên tay, hắn vừa đi vừa nói “Lần sau nhớ đưa sớm hơn nhé.” Nhìn Khánh, ông bà chỉ biết ôm nhau khóc. Ông bà không ngờ đứa con mình hằng thương yêu lại trả ơn bố mẹ bằng những cú đấm, cú đá, những lời cay nghiệt như vậy.
Sau khi có tiền trong tay, Khánh bỏ nhà đi với mấy thằng bạn nghiện ngập để thoả thuê hút chích. Với hắn, điều quan trọng nhất là làm sao để có tiền hút chích và khi đã có tiền rồi thì làm sao kiếm một nơi nào đó để "phê" ma tuý. Thế nên, đây không phải là lần đầu hắn bỏ nhà đi. Và cũng vì đây không phải là lần đầu hắn bỏ nhà đi nên ông Hiệp bà Lành dường như cũng đã quen với điều này. Do đó, lần này ông bà quyết định không đi tìm hắn nữa, một phần vì ông còn đau với những cú đấm của hắn, phần khác vì ông bà biết chắc rằng hắn sẽ tự mò về như những lần trước.
Đúng như những gì ông bà đoán trước, Khánh đã mò về nhà sau khi cùng đám bạn đốt hết số tiền vào ma tuý. Cũng như những lần trước, hắn không lấy làm xấu hổ và ân hận về những gì hắn đã gây ra. Trái lại, hắn vẫn cứ trơ như đá. Tuy nhiên, chưa được ba ngày hắn đã thông báo cho ông Hiệp và Lành biết quyết định của hắn :
“Tui sẽ đi khỏi ngôi nhà này cho ông bà vừa lòng.” Hắn nói khi thấy hai ông bà đang ngồi nơi phòng khách.
“Sao con lại nói vậy Khánh. Bố mẹ luôn yêu thương con và luôn muốn điều tốt đẹp cho con mà”. Bà Lành đáp lại.
“ Yêu thương ư! Yêu thương mà lại không cho tui tiền. Yêu thương mà lại đối xử với tui như vậy sao!” Khánh tỏ ra giận dữ.
“Bố mẹ muốn tốt cho con nên mới làm vậy. Con thử nghĩ xem nếu bố mẹ cứ cho con tiền để con hút chích, thì như vậy chả khác nào bố mẹ đang từ từ giết con hay sao.” Bà Lành nói trong khi ông Hiệp chẳng nói chẳng rằng.
“Không nghĩ gì hết. Tui biết là ông bà muốn tui biến khỏi nhà này lâu lắm rồi. Thế nên tui sẽ đi khỏi đây để ông bà yên tâm.” Khánh nói.
“Sao con lại nói với bố mẹ như vậy. Bố mẹ nào muốn con rời khỏi bố mẹ đâu. Khánh ơi, nghe lời bố mẹ đi cai nghiện đi con.” Bà Lành rưng rưng nước mắt.
“Bà nói cái quái gì vậy. Đừng nói chuyện đó với tui nha.” Hắn trợn mắt, quát lớn “Tui là tui không thích đâu. Tóm lại mai tui sẽ biến khỏi đây. Ô-kê.”
Sau câu nói của Khánh, hai ông bà nhìn nhau không nói thêm câu nào. Ông bà biết rằng giờ có nói gì đi chăng nữa Khánh cũng bỏ ngoài tai tất cả, vì trong suy nghĩ của hắn ông bà đã bỏ rơi hắn. Mà thực sự một đứa như hắn làm sao cảm nghiệm được tình thương bố mẹ dành cho con cái. Nếu cảm nghiệm được thì hắn đã không có thái độ hỗn láo với ông bà.
Thế là hôm sau Khánh bỏ đi thật. Từ trong nhà, bà Lành vội chạy tới Khánh khi thấy hắn vai mang ba-lô đang bước ra khỏi cổng. Bà cố khuyên hắn ở lại, nhưng hắn một mực nhất quyết ra đi. Biết không thể làm gì được, bà lén lút dúi vào tay Khánh, như không muốn cho ông Hiệp biết, một ít tiền đi đường nhưng cũng không quên nói thêm: “Hãy về với bố mẹ bất cứ khi nào con nhé.”
Từ ngày Khánh bỏ nhà ra đi, cuộc sống của bố mẹ hắn cũng yên ổn được đôi phần. Một mặt vì những thằng bạn nghiện của hắn không còn đến quậy phá. Mặt khác, ông bà cũng không còn phải nơm nớp lo sợ bị đánh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà hai ông bà không nhớ đến Khánh. Đúng hơn, ông bà lại cảm thấy thương con mình hơn lúc nào hết. Ông bà sợ Khánh bị đói, bị rét. Ông bà sợ Khánh bị đập, bị đánh. Cứ mỗi lần nghĩ đến điều đó, ông bà lại trông mong Khánh sớm về với gia đình hơn. Những lúc như thế chỉ có Chúa mới là nguồn cậy trông của ông bà, chỉ có Chúa là điểm tựa để ông bà đứng vững và được ủi an.
Tuy nhiên, mấy tháng sau, đúng hơn là sáu tháng, Khánh “trắng” trở về nhà trong bộ dạng thân tàn ma dại, với cánh tay trái băng bó. Vừa thấy Khánh từ ngoài cổng đi vào, ông Hiệp bà Lành lao ra đón hắn. Ông bà không khỏi xót xa khi nhìn thấy con mình trong cảnh tượng đó. Thế nhưng, Khánh đáp lại ông bà bằng cái nhìn giận dữ, và câu nói hằn học : “Tôi như thế này chắc ông bà vui lắm phải không?” Hắn nói như thể chính ông bà là những người đã đẩy hắn đến nông nỗi này. Hai ông bà lặng im khi nghe những lời nói đó của Khánh. Ông bà không hiểu tại sao Khánh lại có thể thốt ra những lời như thế được. Dẫu vậy ông bà vẫn theo hắn vào nhà, chuẩn bị cơm nước cho hắn và gọi bác sĩ tới khám và băng bó lại cánh tay trái, cũng như một số nơi trên cơ thể của hắn.
Ngày qua ngày, ông bà thay nhau chăm Khánh. Riêng bà Lành mỗi lần đi chợ đều tìm mua những thứ ngon để bồi bổ cho hắn. Sự vất vả và ân cần của ông bà đôi khi cũng đã làm Khánh phải suy nghĩ. Nhưng cái suy nghĩ mà hắn có trong đầu là sau khi khoẻ mạnh sẽ bỏ đi thật xa và không bao giờ quay về làm phiền bố mẹ nữa.
Cuối cùng hắn cũng đã bỏ nhà ra đi. Lần này hắn đi nhưng không nói cho ai hay, chỉ để lại một mảnh giấy có viết vài dòng: “Tôi sẽ đi thật xa và sẽ không bao giờ quay về đây nữa. Ông bà đừng lo lắng cho tôi và cũng đừng đi tìm tôi.” Cầm mảnh giấy trên tay, ông Hiệp không một chút lo lắng, trái lại ông lại nghĩ cái thằng như hắn giỏi lắm cũng chỉ được bảy tháng là cùng.
Thế rồi bảy tháng, một năm, hai năm, bốn năm, sáu năm rồi bảy năm trôi qua mà vẫn không thấy Khánh về. Hai ông bà dò la khắp nơi nhưng vẫn không có một thông tin gì về Khánh. Đã thế có người còn đoán rằng hắn bị đi tù với án chung thân, hoặc có thể hắn bị bọn nghiện giết mất xác. Những lời đoán già đoán non này lại càng làm ông bà lo lắng hơn.
Bẵng một thời gian, ông bà nhận được phong thư lạ từ một địa chỉ lạ. Vội mở phong thư, ông bà nhận thấy đó là một tấm thiệp mời tham dự lễ khấn dòng. Vừa đọc, ông Hiệp vừa nghĩ thầm chắc ai đó gửi nhầm, vì dòng họ ông bà có ai đi tu đâu mà khấn với hứa. Chăm chú theo dõi tên từng ứng sinh trong tấm thiệp, ông Hiệp chợt giật mình ở dòng chữ “Giuse Đinh Hoàng Khánh”, cái tên y hệt như tên của thằng Khánh, con ông. Chính cái tên đó làm ông bà thấp thỏm ăn ngủ không yên. Đã có lúc ông bà tự an ủi nhau khi cho rằng đó chắc là thằng Khánh, con của ông bà, nhưng cũng có lúc ông bà nghĩ rằng chắc ai đó trùng tên chứ một thằng nghiện như hắn nhà dòng nào dám nhận, chưa kể nếu đã là Khánh thì hắn cũng đã viết vài dòng để ông bà yên tâm.
Mấy ngày sau ông bà nhận được một cú điện thoại lạ từ một người đàn ông. Người đàn ông tự xưng là linh mục Ân, hiện đang là bề trên các tập sinh. Sau khi cho biết là người đã gửi thiệp mời cho ông bà, linh mục Ân nhắc lại thời gian thánh lễ diễn ra và mong ông bà tham dự và cầu nguyện cho Khánh, con của ông bà. Lúc này hai ông bà thực sự lúng túng vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với Khánh và với ông bà. Vì quá lúng túng nên ông bà không thể hỏi nhiều hơn để chắc chắn liệu đây có phải là một sự nhầm lẫn hay không.
Hai ông bà vẫn không sao lý giải được sự việc trên. Cả hai cứ thấp tha thấp thỏm lo nghĩ có nên đi hay không: lỡ tới đó mà không phải thì quê lắm, còn nếu phải thì… Ông bà ước gì Khánh, người mà cha Ân nói là con ông bà, không phải tĩnh tâm để có thể nói vài câu với ông bà qua điện thoại. Tuy nhiên, sau một hồi phân vân, ông bà cũng quyết định đi, nhưng hai ông bà quyết giấu kín không cho dân làng biết chuyện này, vì ông bà nghĩ dễ gì mà họ tin chuyện này, không chừng lại là chuyện để họ giễu cợt.
Thế là ngày lễ khấn dòng cũng tới. Hai ông bà cũng đã đến nơi như đã ghi trong thiệp mời. Ông bà vẫn không yên tâm nên loay hoay cố tìm cho được Giuse Đinh Hoàng Khánh, người mà cha Ân nói là con ông bà, nhưng khổ nỗi các tập sinh lại chưa được gặp người thân lúc này. Và khi các ông bà cố được mời vào đoàn rước để bắt đầu rước ca nhập lễ thì hai ông bà vẫn đứng ngoài chờ như muốn xem có ai đó đi vào chỗ vị trí ông bà cố của Khánh hay không. Sau một hồi không thấy ai vào vị trí đó, và nhận được thông báo liên tục, ông bà quyết định tiến vào vị trí ông bà cố của Khánh trong đoàn rước. Thế nhưng lòng ông bà vẫn cứ thấp thỏm lo sợ, một nỗi sợ đi kèm với sự hoảng loạn.
Thánh lễ đã bắt đầu nhưng hai ông bà vẫn không tài nào cầm lòng cầm trí. Mắt cả hai đều cố dòm về phía các khấn sinh để xem liệu Giuse Đinh Hoàng Khánh có phải là con mình hay không. Và khi khấn sinh Giuse Đinh Hoàng Khánh tiến lên cung thánh đọc lời khấn cũng chính là lúc hai ông bà xây xẩm mặt mặt. Ông bà không dám tin vào mắt mình khi chứng kiến thấy đứa con mà bấy lâu nay cả hai khắc khoải đợi chờ lại chính là Giuse Đinh Hoàng Khánh đang đứng giữa cung thánh đọc lời khấn hứa với Chúa. Ông bà không ngờ đứa con mà ông bà cứ tưởng đang ở chốn lao tù hay đã chết ở một góc nào đó lại đang xuất hiện trước ông bà. Cứ thế những giọt lệ thi nhau tuôn ra như mưa trên khuôn mặt của ông bà, như thể cả hai muốn khóc thật to, khóc cho vơi đi nỗi buồn, khóc cho vơi đi nỗi sợ. Cũng từ lúc đó ông bà không sao ngưng được những dòng lệ trong thánh lễ. Dường như đây là thánh lễ dài nhất trong đời của hai ông bà.
Thầy Khánh được phép về với người thân trong tiệc chiêu đãi ở ngoài khuôn viên tu viện. Thế nhưng, cuộc gặp gỡ này lại không có tiếng cười, không có những cái bắt tay và cũng không có những bó hoa tươi như các tân khấn sinh khác. Trái lại, cuộc gặp gỡ này lại tràn ngập trong nước mắt. Nước mắt của niềm vui. Nước mắt của hạnh phúc. Với thầy Khánh, đó còn là nước mắt của sự thống hối.
“Con…Con…Con cám ơn bố mẹ.” Phải mất một thời gian thật lâu thầy Khánh mới lấy lại được can đảm để thốt ra mấy lời đó.
“Con…con cám ơn bố mẹ.” Thầy Khánh tiếp tục, “Vì đã có mặt và cầu nguyện cho con.”
Ông bà cố vẫn im lặng, nhưng lúc này những giọt nước mắt đã ngừng rơi.
“Con…Con…con cũng xin lỗi bố mẹ, vì những năm qua con… đã… làm bố mẹ khổ quá nhiều.”
“Xin bố mẹ hãy tha thứ cho con.” Thầy Khánh nói trong khi mặt cúi gầm xuống đất.
Câu nói không thành lời của thầy Khánh làm cho những giọt nước mắt của ông bà cố lại tiếp tục rơi. Hai ông bà vẫn chưa thể nói được một lời nào ngay lúc này. Thế nên, cả ba người lặng thinh bên cỗ bàn đã được nhà dòng chuẩn bị sẵn.
Khi đã lấy lại được bình tĩnh, ông cố cất lời: “Khánh… suốt mấy năm qua bố mẹ vẫn luôn chờ đợi con. Bố mẹ vẫn luôn trông mong con từng giờ, từng phút. Con biết đấy tình thương bố mẹ dành cho con vẫn luôn dạt dào, vì con có thế nào đi chăng nữa con vẫn là con của bố mẹ.”
Nghe xong những lời đó, nước mắt thầy Khánh trào dâng. Một mặt vì thầy cảm thấy thương bố mẹ hơn. Mặt khác vì những lời đó làm thầy cảm thấy hối lỗi khi hồi tưởng lại những gì thầy đã đối xử với bố mẹ trong quá khứ.
Không muốn những dòng lệ tiếp tục rơi trong ngày hạnh phúc này, lau sạch nước mắt, bà cố cất tiếng: “Khánh! Bố mẹ thực sự cảm ơn con, vì con đã đem lại cho bố mẹ niềm vui lớn lao nhất mà đời bố mẹ không bao giờ nghĩ tới. Con thực sự đã làm bố mẹ hồi sinh. Bố mẹ cảm ơn con.”
“Bố mẹ có nằm mơ cũng không nghĩ đến điều này. Đây quả là hồng ân to lớn mà Thiên Chúa dành cho gia đình chúng ta. Bố mẹ cảm ơn con, Khánh.” Ông cố nói thêm.
Sau những câu nói đầy an ủi của ông bà cố, thầy Khánh cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào. Thầy tự hứa với lòng mình sẽ cố gắng trở thành một tu sĩ tốt để đáp trả lại công lao dưỡng dục, sinh thành của bố mẹ. Lúc này thầy cũng chợt thấy khuôn mặt của ông bà cố đã ánh lên niềm vui, niềm hạnh phúc, một niềm vui, niềm hạnh phúc mà tưởng chừng như đã tắt lịm bấy lâu nay trong con người hai ông bà. Chính điều đó cũng đã làm cho thầy được an ủi và như là động lực để thầy bước tiếp trên con đường dâng hiến. Lúc này niềm vui cũng đã thể hiện rõ trên khuôn mặt thầy Khánh, dù rằng cỗ bàn của thầy trống trơn không có một vị khách, hay người thân nào ngoài bố mẹ thầy, nhưng điều đó chẳng là gì với thầy vì với thầy chỉ bố mẹ thôi đã là đủ rồi.
Hai ngày sau, thầy Khánh cũng như các thầy tân khấn sinh khác được bề trên cho phép về thăm gia đình trước khi vào nhập học. Trong thầy, dường như đang có một sự đấu tranh lẫn lộn giữa những cảm xúc khác nhau. Bảy năm, một khoảng thời gian đủ để thầy trông ngóng từng ngày về quê hương, nhưng cũng là khoảng thời gian đủ để cho mọi người ghi khắc tất cả những quá khứ của thầy. Do đó, thầy vừa muốn về vừa không muốn về. Cuối cùng lý trí mách bảo thầy nên về vì thầy cần phải chấp nhận quá khứ, và cũng cần để chứng minh cho mọi người thấy bây giờ thầy đã là một con người hoàn toàn khác. Dù nghĩ vậy, nhưng con đường về của thầy Khánh vẫn nặng trĩu, thầy vẫn còn mặc cảm về quá khứ của mình.
Vừa bước chân vào cổng làng, thầy Khánh đã bắt gặp ngay ánh mắt dò xét của bà Bảy nhà đầu làng. Đi thêm một đoạn thầy lại nghe được những lời râm ran của mấy bà đang làm đồng. Nhặt góp những lời đó từ ánh mắt và môi miệng của họ, thầy cũng có thể ghép được một câu hoàn chỉnh tựa như “Ê. Mấy bà ơi. Nhìn kìa. Thằng Khánh “trắng” lại về đó rồi.” Tuy nhiên, để ngoài tai tất cả những chuyện đó, thầy Khánh vẫn nở nụ cười như muốn chào lại họ.
Việc mặc cảm về quá khứ của mình đã làm thầy Khánh cảm thấy khó khăn khi đối diện với mọi người. Do đó, từ lúc về quê hiếm khi thầy Khánh ra khỏi nhà. Điều đó cũng làm cho mọi người ít biết đến chuyện thầy Khánh đi tu hơn thế nên mọi người thực sự bất ngờ khi thấy thầy mặc áo dòng tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật. Trong thánh lễ hôm đó, trăm con mắt đổ dồn về thầy Khánh như muốn hỏi thầy chuyện này là thế nào. Tuy nhiên, thầy Khánh vẫn không dám nhìn lại mọi người. Dường như thầy cảm thấy sợ hãi trước những ánh mắt dò xét đó, và đôi khi thầy cũng ứa lệ vì nghẹn ngào. Sự nghẹn ngào thực sự lên tới đỉnh điểm khi thầy được cha xứ nhờ trao Mình Thánh Chúa cho cộng đoàn. Cầm Bình Thánh trên tay, thầy xúc động. Thầy cố kìm hãm những giọt nước mắt nhưng không thể. Chúng vẫn cứ thế tuôn ra. Thầy khóc. Nhìn thấy cảnh tượng đó, nhiều người cũng không cầm được nước mắt. Họ cũng khóc. Họ khóc vì họ thấy mừng cho thầy Khánh. Họ khóc vì họ mừng cho ông bà cố. Tuy nhiên, cũng còn có nhiều người không tin đây là sự thật. Họ cho rằng có thể đây là một sự lừa dối, nhưng thầy Khánh không buồn vì điều đó. Với thầy, chỉ bố mẹ hiểu là đủ rồi và cuộc sống sẽ trả lời cho tất cả mọi người.
Tác giả: Antôn Hoàng Văn Phúc, OP