Bí quyết sống lòng thương xót của Đức Maria

Chủ nhật - 03/04/2016 19:37  1630
Sau khi Nguyên Tổ phạm tội, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình để cứu độ con người. Theo ý muốn và lòng thương xót, Ngài đã ngỏ lời với một thiếu nữ làng quê Nazaret tên là Maria cộng tác. Qua tiếng “xin vâng” Ngôi Lời đã trở thành nhục thể và kể từ giây phút ấy Maria thực sự là Mẹ Thiên Chúa (x, Lc 1,26-38; Ga 1,14). Vì thế, Mẹ Maria là người có một vị trí quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Cứ theo kinh nghiệm bình thường, khi một nhân vật quan trọng (VIP) hiện diện ở đâu thì ở đó sẽ có nhiều người chú ý, theo dõi, phỏng vấn…. Nhưng khi đọc Tin Mừng, ta lại thấy kinh nghiệm ấy không phải là hiển nhiên. Các sách Tin Mừng viết rất ít về Đức Maria. Nói theo ngôn ngữ của thời đại “smartphone” thì “Avatar” của Mẹ được rất ít “like”“comment”. Hơn nữa, những “comment” về Mẹ không phải tất cả là những lời ngợi khen, chúc tụng: “Mừng vui lên hỡi đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28) hay “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ” (Lc 1,43); nhưng còn có cả những lời comment ám chỉ một sự coi thường “Từ Nazaret, làm sao có cái gì hay?” (Ga 2,46) và “ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria,…” (Mc 6,3). Là Người Nữ diễm phúc hơn tất cả mọi người nữ ấy vậy mà cuộc sống của Mẹ lại rất đơn sơ, thầm lặng. Cả trước và sau khi nói lời “xin vâng”, cuộc sống của Mẹ vẫn diễn ra cách âm thầm như bao người nữ Do Thái khác. Trong cái đơn sơ mộc mạc ấy, xem ra chẳng có gì đáng để bàn luận, học hỏi. Nhưng, khi ta càng chiêm ngắm và đi sâu vào cái đơn sơ, thầm lặng ấy, với ánh sáng của đức tin ta mới khám phá ra: Mẹ có một bí quyết sống lòng thương xót thật tuyệt diệu, đó là: thực thi lòng thương xót trong mọi hoàn cảnhcầu nguyện.

Kinh Thánh mặc dù không có đoạn nào trực tiếp nói về lòng thương xót của Mẹ; nhưng qua việc giới thiệu cách vắn tắt cuộc sống ẩn giật của Chúa Giêsu cũng như qua một vài trình thuật nhắc về Mẹ ta mới thấy: Mẹ không những là thầy dạy sống đức tin, nhưng còn là mẫu gương cho chúng ta về lòng thương xót (x Lc 2,51-52;11, 27-28…). Xuất phát từ sự cảm nghiệm cách sâu thẳm lòng thương xót của Thiên Chúa: «Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả » (Lc 1,49), Mẹ Maria đã đảm nhận cuộc sống trần gian như là một quà tặng của Lòng Thương Xót. Đối với Mẹ, mọi phút giây, hoàn cảnh trong cuộc sống: từ các việc nội chợ âm thầm trong gia đình Nazaret cho đến hành trình sứ vụ loan báo Tin Mừng và con đường thập giá của Chúa Giêsu… tất cả đều là cơ hội để Mẹ thực thi lòng thương xót. Hơn nữa, lòng thương xót của Mẹ không giới hạn nơi những người họ hàng thân thích nhưng còn mở ra cho cả những người đồng bào gặp cảnh khó khăn. Mẹ không ngại khó khăn, nguy hiểm nhưng sẵn sàng dấn thân giúp đỡ người khác như chị họ Êlisabet và gia chủ tiệc cưới Cana (x, Lc 1,39-45; Ga 2,1-12). Mẹ luôn nhạy bén và cảm thông sâu xa trước những khó khăn của bao kiếp người đau khổ trên đường đời.  Trong suốt cuộc đời, Mẹ đã thực hiện lòng thương xót một cách phi thường qua những công việc rất tầm thường. Mẹ Maria đích thực là người có phúc nhất và cũng là người giống Thiên Chúa nhất. Bởi vì, ngoài Thiên Chúa ra không ai có lòng thương xót trọn hảo như Mẹ.

Không dừng lại ở những hành động thể lý, lòng thương cảm của Mẹ Maria còn thể hiện sâu sắc hơn nữa qua đời sống cầu nguyện. Mặc dù là Mẹ Đấng Cứu Thế, là nữ tỳ lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng Mẹ cũng đi con đường Đức Tin của mọi tín hữu. Khi đối diện với những nỗi đau khổ của nhân loại, Mẹ cũng cảm nhận được khả năng giới hạn của mình. Đôi tay của Mẹ dẫu có bị giới hạn đi chăng nữa thì trái tim thương xót của Mẹ vẫn luôn đập mãnh liệt. Với trái tim thương xót, tại tiệc cưới Cana, Mẹ đã tha thiết khẩn cầu với Chúa Giêsu «Họ hết rượu rồi» (Ga 2,3).  Lời cầu nguyện này đã đụng chạm đến lòng trắc ẩn của Chúa Giêsu và Ngài đã làm phép lạ đem lại sự sống mới cho con người (x,Ga 2,1-13). Đối với Mẹ, cầu nguyện không chỉ là nguồn trợ lực giúp Mẹ vượt qua những thử thách, nhưng còn là cách thế hữu hiệu để Mẹ có thể đồng cảm với nỗi đau khổ của nhân loại và xót thương họ. Vì Mẹ tin rằng: nếu như Thiên Chúa đã thương xót và làm biết bao điều kỳ diệu cho Mẹ thì  cũng chính Thiên Chúa ấy sẽ giải thoát nhân loại khỏi những khổ đau. Nơi Mẹ «sự tròn đầy của ân sủng đã biến đổi con tim Mẹ, và khiến con tim ấy có khả năng làm những điều vĩ đại để biến đổi lịch sử nhân loại»[1].

Tóm lại, lòng thương xót nơi Mẹ Maria đã đạt đến mức toàn hảo không những trên bình diện thể lý mà còn bằng cả tinh thần. Với trái tim nhạy bén kết hợp với cầu nguyện, kiên nhẫn và phó thác, Mẹ đã sống và đồng hành với cuộc sống của nhân loại cho tới cùng. Giữa những khó khăn và tất cả niềm vui của cuộc sống, Mẹ luôn biết cách để lòng thương xót có thể đụng chạm tới cuộc sống nhân loại. Vì vậy, suốt cuộc đời Mẹ luôn là máng thông ơn Thiên Chúa xuống cho nhân loại. Trong một ngày sống như ngày hôm nay, các công việc của Mẹ chưa hoàn tất, bởi vì Mẹ vẫn tiếp tục đồng hành với chúng ta trong cuộc sống của Giáo Hội và để Giáo Hội có thể tiếp tục tiến về phía trước[2]. Ước gì Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ và xin Mẹ dạy chúng ta cách để diễn tả lòng thương xót Kitô giáo của mình bằng những việc làm cụ thể thường ngày. Nhờ đó chúng ta có thể trở thành những hòn đảo của lòng thương xót giữa một đại dương vô cảm (x, Misericordiae Vultus, số 14 ).

HÀNH ĐỘNG: 1.  Mỗi ngày làm một việc tốt (nhiều hơn nếu có thể)
                        2.  Thinh lặng trước Chúa Giêsu Thánh Thể hoặc đọc 1 Kinh Lạy Cha: cầu nguyện cho những người đau khổ mà tôi không thể đến được. 

[1]   Bài giảng khai mạc năm thánh Lòng Thương xót của ĐTC Phanxicô. Nguồn http://dongten.net/noidung/56061
[2] X, Chỉ có tình yêu mới có thể cứu được chúng ta (những lá thư, bài giảng, bài nói chuyện của ĐHY Jorger Bergoglio),  dịch giả Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Kim Phúc MTG Gò Vấp, Nxb Hồng Đức, tr 96-97.

Tác giả: Theophilo

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập390
  • Máy chủ tìm kiếm25
  • Khách viếng thăm365
  • Hôm nay40,208
  • Tháng hiện tại900,569
  • Tổng lượt truy cập78,904,020
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây