Các Đấng Tử Đạo ở Bắc Kỳ
Thứ tư - 17/01/2024 21:09
873
Giới thiệu: Bài viết này được dịch từ cuốn SAINTLY CHARACTERS RECENTLY PRESENTED FOR CANONIZATION, xuất bản năm 1859 tại New York, trang 339-345 giới thiệu về hai đấng tử đạo là thừa sai ngoại quốc đã đổ máu đào để làm chứng cho Đức Tin: Linh mục Augustin Schoeffler Đông và linh mục John Aloysius Bonnard Hương. Cả hai vị đều là thành viên của Hội Thừa Sai Paris.
------
Giáo Hội Bắc Kỳ cũng có những thánh tử đạo; và mặc dù số lượng ít hơn, họ ngang hàng với những vị khác về sự vĩ đại của chiến thắng. Bây giờ sẽ kể lại lịch sử của một số người trong số họ.
Cha Augustin Schceffler sinh ra tại Nancy, vào năm 1822. Tháng 6 năm 1848, ngài đến Đông Bắc Kỳ, và trong sáu tháng, ngài đã thông thạo tiếng địa phương đến mức có thể đảm nhận công việc mục vụ. Đức Giám mục rất hài lòng với nhiệt tình của ngài, nên đã mời ngài cùng đi thăm viếng giáo phận vào năm 1849. Khi chuyến đi kết thúc, Cha Augustin đến tỉnh Xu-Doai, nơi được giao phó cho ngài.
Mặc dù vùng truyền giáo rất rộng lớn, và ngài phải đi trên những nẻo đường xa xôi băng qua núi sông, chịu nhiều cơn sốt, và thường xuyên phải ẩn náu, trong mười hai tháng, ngài đã giải tội cho 4.700 người và cho rước lễ cho 3.500 người.
Đầu năm 1851, một sắc lệnh chống lại Kitô Giáo được ban hành bởi nhà vua, và hình phạt tử hình được áp đặt cho các Kitô hữu. Khi tai họa dường như đe dọa Giáo Hội Bắc Kỳ, ngài nhận được lệnh từ Giám mục tổ chức Năm Thánh. Vào ngày đầu tiên của tháng 3, ngài đã ra những thông báo cần thiết liên quan đến việc này.
Dân làng lân cận biết rằng ngài sống ở Bauno, và ngài sẽ đến thăm các vùng phía trên của tỉnh. Vì vậy, họ quyết định bắt ngài làm tù binh và giao cho quan tri phủ. Trước những câu hỏi của họ, ngài trả lời rằng ngài là người bản địa Nancy, linh mục, và 29 tuổi. Ngài đến để loan báo Tin Mừng, và ngài sẽ làm điều đó miễn là ngài còn sống và, vì ngài biết điều đó bị cấm ở đất nước này, ngài đến đây để rao giảng nó.
Bản án tử hình ngay lập tức được ban hành cho ngài, và ngài bị đưa vào nhà tù, nơi giam giữ những người ngoại đạo bị kết án tử hình. Ở đó, một thời gian, ngài là đối tượng của những lời xỉ nhục cay đắng, và tai ngài bị ô nhiễm bởi những lời báng bổ và ngôn ngữ tục tĩu mà họ sử dụng. Những người cai ngục, sau khi nhận được một số tiền từ các Kitô hữu, đã đưa ngài đến một nơi khác, nơi ngài có thể gặp một số bạn bè của mình, và cũng để đi xưng tội.
Ngày đầu tháng Năm ngài bị đưa ra pháp trường. Một số lượng lớn binh lính đi kèm ngài. Một người trong số họ mang một tấm bảng ghi: Augustine, một linh mục châu Âu, trái với luật pháp, đã đến nước này và rao giảng đạo Chúa Giêsu, lừa dối nhiều người. Người này đã thú nhận tội của mình. Vì vậy, đầu của nó sẽ bị chặt và ném xuống biển." Niềm vui tràn ngập đến mức ngay cả những người ngoại đạo cũng ngạc nhiên trước ngài, và nói, “chúng tôi chưa từng thấy một anh hùng như thế này. Người này chạy đến cái chết như thể đi dự tiệc. Sự can đảm của ông ta thật phi thường. Không lo sợ gì làm lu mờ ông. Sự tốt lành và dịu dàng của người này thể hiện thật đẹp dường bao. Tại sao vua lại kết án tử hình người này?”
Khi đến nơi xử tử, người tôi tớ của Thiên Chúa ngay lập tức quỳ gối, dâng cuộc đời mình làm của lễ cho Thiên Chúa. Ngài hôn cây thánh giá trên tay ba lần thật nồng nhiệt. Rồi cởi áo, trần cổ. Ngài ngước mắt lên trời, và đầu của ngài bị chặt ra khỏi cơ thể sau ba nhát rìu. Những người ngoại đạo đứng xung quanh ngay lập tức xông tới, chia nhau quần áo và cỏ dính máu của vị tử đạo. Họ bị ấn tượng mạnh bởi những gì họ thấy, và thực sự tin rằng một nhà truyền giáo vĩ đại và cao quý đã bị xử tử. Các binh sĩ chôn thân thể ngài ở nơi hành quyết. Khi họ đi khỏi, các Kitô hữu đào xác ngài lên và đưa vào thành phố, nơi nó được chôn cất với tất cả các nghi lễ và nghi thức thường thấy.
Vị tử đạo tiếp theo đáng được ghi nhận là Cha John Aloysius Bonnard. Ngài sinh ra gần Lyons, tháng 5 năm 1824. Cha mẹ ngài nổi tiếng về lòng đạo đức. Ngài được giáo dục tại Đại học Lyons, và năm 22 tuổi được chuyển đến Chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Ngài được phong linh mục bởi Đức Tổng Giám mục Sibour của Paris. Năm 1850, ngàiđến Bắc Kỳ, và trong thời gian ngắn làm học ngôn ngữ của đất nước này, và trước cuối năm ngài có thể rao giảng Phúc Âm cho người dân. Tháng 4 năm 1851, ngài được gửi đến Ke-Bang, nơi ngài phục vụ các Kitô hữu với lòng nhiệt thành và chăm chỉ. Sau một thời gian ngắn, ngài được chuyển đến Boixujenses. Một quan tổng trấn được thông báo về việc ngài sắp đến đây, đã báo cáo cho người đứng đầu nơi đây. Một lực lượng quân đội lớn được gửi đến thành phố, nơi họ cố gắng bắt giữ Cha Bonnard, người đang làm phép rửa tội cho một số trẻ em. Ngài cố gắng trốn thoát, nhưng bị binh lính bắt, và vào ngày 21 tháng 3 năm 1852, được đưa trước mặt quan tòa, sẵn sàng chịu đựng bất cứ điều gì Chúa kêu gọi ngài. Ngày hôm sau, ngài được đưa đến thành phố lớn nhất của tỉnh. Ngài bị quấy rối bởi những lời chế nhạo của người dân trong đại sảnh nhà thống đốc, và cuối cùng bị bỏ tù. Ngay khi giám mục hay tin ngài bị giam cầm, ngài gửi một linh mục đến để an ủi ngài và chuẩn bị cho cuộc chiến sắp tới. Ngài viết thư bày tỏ niềm hạnh phúc khi được rước lễ, gửi cho Đức Giám mục. "Con rất vui khi được rước lễ. Con hạnh phúc như thế. Người ta phải ở tù, và bị cùm chân tay, mới có thể biết được, niềm vui ngọt ngào đến nhường nào khi chịu khổ vì Đấng đã yêu thương con nhiều như vậy. Con cảm thấy vui sướng hơn những người bỗng nhiên có được một tài sản lớn. Xiềng xích và cùm chân của con nặng nề, nhưng chúng không làm con đau đớn. Thập giá của Chuas Cứu Thế của con nặng hơn xiềng xích của con, và cùm tay của Ngài khó chịu hơn của con, và con tự nhủ mình may mắn khi có thể nói với Thánh Phao-lô "Tù nhân trong Đức Kitô" - một đặc ân mà con mong đợi từ thời thanh xuân.”
Ngài bị đưa ra trước quan tòa, người đặt nhiều câu hỏi cho ngài, nhưng ngài không trả lời, sợ làm lộ các tín hữu. Khi bị yêu cầu dẫm lên thánh giá, ngài từ chối, nói rằng ngài sẵn sàng chết, nhưng không thể phạm tội đó. Vào ngày 5 tháng 4, ngài bị kết án tử hình. Ngài thường xuyên rước lễ, và vào ngày cuối cùng của tháng, ngài viết thư sau đây gửi Giám mục:
"Đức cha và anh em thân mến của con, Đây là bức thư cuối cùng con viết. Tạm biệt. Giờ của con đã đến. Hy vọng gặp tất cả những ai con yêu mến ở thiên đàng, nơi con sẽ không còn buồn phiền vì bị tách rời mọi người. Con tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa Cứu Thế, và hy vọng Ngài sẽ tha thứ tất cả tội lỗi của con. Con hiến dâng cuộc đời của mình, và máu đổ ra như một lời chứng tình yêu với Thiên Chúa của con, và cho những người bạn thân yêu đã giúp đỡ con. Con tha thứ tất cả những ai đã làm tổn thương con theo bất kỳ cách nào. Đừng nghĩ rằng con không cần cầu nguyện nữa. Xin thương xót linh hồn con, và nếu con có thể làm được điều gì với Thiên Chúa của con, khi ở bên Ngài, con sẽ không quên anh em. Ngày mai sẽ là lễ kính Thánh Philipphê và Thánh Giacôbê. Đó là ngày kỷ niệm cha Schoeffler bước vào vinh quang. Con tin rằng đó là ngày hy sinh của con. Xin ý Chúa được thực hiện. Con chết hạnh phúc. Chúc tụng Chúa Cứu Thế của con. Con xin tạm biệt tất cả trong Trái Tim rất thánh của Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria. Con chào anh em trong Trái Tim rất thánh của Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria.
Kẻ tôi tớ của Đức Kitô,
John Aloysius Bonnard."
Sáng ngày mùng Một tháng Năm, ngài được dẫn ra pháp trường. Mang gông nặng trĩu và cùm, ngài đi bộ năm dặm đến "nơi chịu nạn", được sức mạnh thiêng liêng nâng đỡ. Trong một giờ, ngài quỳ gối cầu nguyện, vì họ đã quên mang dụng cụ cắt xích. Tiếng kèn vang lên, đầu ngài bị chém lìa bằng gươm. Trừ máu ngài vẩy trúng người, các Kitô hữu bị cấm thu lượm di tích của vị tử đạo. Người ngoại đạo lấy chúng đi và bán cho những người Công giáo. Sau đó, họ lấy lại được đầu và thi thể của ngài vốn đã bị ném xuống sông. Họ chôn cất chúng tại nhà nguyện của Giáo điểm.
Tác giả: Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ