Truyện ngắn: Bên thềm nhà thờ mùa dịch

Thứ bảy - 14/08/2021 03:23  2056
nhathomuadichNửa đêm về sáng, bà Tích cứ giở mình liên tục. Trời vẫn còn tối om. Chỉ có tiếng ngáy như đứt đoạn của anh Nhật. Có vẻ bà bồn chồn chuyện gì đó. Trằn trọc mãi cũng chẳng ngủ thêm được nữa, bà lặng lẽ ngồi dậy, rón rén lại gần cái bàn khe khẽ rót lấy cốc nước súc miệng. Sợ thằng con tỉnh giấc, bà nhẹ nhàng đi tới cái mắc chỗ góc tường, với lấy cái áo dài tay mặc vào. Rồi bà quơ tay lên nóc tủ nhưng không thấy cái đèn pin đâu. Bà đành đến bên giường của anh con trai út thì thầm:

- Nhật ơi... Nhật... Con có biết cái đèn pin của mẹ đâu không?
Anh Nhật khẽ cựa mình, giọng đáp rời rạc của người còn đang ngáp ngủ:
- Gì đấy mẹ?
- Cái đèn pin mọi khi mẹ vẫn để trên nóc tủ đâu rồi?
- Hình như... Tối muộn hôm qua con thấy chị Thư lấy soi cái gì đấy. Mẹ hỏi thử chị xem!
Bà Tích nhìn vào phía gian buồng của vợ chồng người con trai lớn, chép miệng:
- Thôi, để cho vợ chồng nó ngủ.
- Mà mẹ đi đâu giờ này?
- Mẹ đi lễ chứ đi đâu?
- Làm gì có lễ mà mẹ đi. Mẹ cứ ở nhà nháng nữa con mở tivi lên cho mẹ xem lễ trực tuyến.
Bà Tích đáp lại đầy quả quyết:
- Chả nhẽ Chúa nhật mà cha lại không làm lễ!
- Chắc cha cũng chỉ dâng lễ riêng thôi chứ làm gì có lễ cho đông cộng đoàn đâu mẹ.
- Có mỗi mấy người thì việc cái gì?
- Ai cũng nghĩ như mẹ có mà lại đầy nhà thờ. Mẹ cứ ở nhà đi. Tý nữa con mở giờ lễ sớm cho mẹ tham dự. Trời còn tối như mực thế này, nhỡ ngã ra đấy rồi lại khổ!
- Kệ chúng mày. Mẹ hẹn với mấy cụ rồi.
- Mẹ nhớ đem khẩu trang đi đấy.
- Mày không phải nhắc. Lúc nào mẹ chẳng mang.
Bà Tích dò dẫm bước ra khỏi nhà, khẽ khép lại cánh cửa. Con đường làng vắng tanh. Lũ chó mệt mỏi không buồn sủa. Chỉ có dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi gù liêu xiêu bước trên đường. Người phụ nữ ấy cả một đời tần tảo lặn lội ruộng đồng, cày thuê cuốc mướn, nay đã ngoài bảy mươi thì mắc bệnh khớp, đi lại cũng hơi bất tiện chút.

***
Vào đến bậc thềm nhà thờ, bà Tích đã thấy bà cụ Quang đang ngồi xoa chân, miệng lẩm bẩm cái gì đó.
- Sao cụ đến sớm thế?
- Ôi giời! Bà xem đấy, giờ già cả rồi có ngủ được mấy đâu. Dạo này thèm lễ quá chừng. Không biết đến bao giờ rịch riếc (dịch diếc) nó mới hết để còn lễ lạy chứ! Bao năm vất vả mới xây được ngôi nhà thờ mới thì lại không có lễ...
- Cái con cô vít này làm khổ nhân loại mấy năm nay rồi cụ ạ!
- Hơn tám chục tuổi đầu mà năm rồi tôi mới thấy giao thừa mà sấm chớp đùng đùng. Đấy! Giờ đền tạ mình vẫn đọc: Bão bùng, hoả tai, ôn rịch (dịch), tà khí, mất mùa, giặc giã. Đúng là... Có khi năm nay rồi lại mất mùa.
- Có khi sắp tận thế đến nơi rồi cụ nhỉ!
Bà cụ Quang quay sang bà Tích, thở dài:
- Thì vẫn tận thế riêng đấy thôi... Mà kể ra tội nghiệp cái nhà bác Vượng thế cơ chứ! Chết tai nạn đau thương vậy mà chẳng được lễ lạy gì. Vội vội vàng vàng đem chôn cứ như thể là... Thời thế gì không biết!
- Vâng cụ ạ! Khổ nhất là vợ con ở vùng dịch không được về mà đưa tiễn. Một đời ăn ở gắn bó với nhau mà đến lúc chết chẳng có ai thân thích bên cạnh. Thằng út nhà con lên mạng xem trong Nam dịch bệnh đang nguy hiểm lắm. Chẳng ai dám ra đường. Mình còn được như vầy là phải tại ơn Chúa lắm rồi đấy cụ à!
- Không biết cái con virút hình hài ra sao mà dữ tợn quá. Ơ... Cái thằng út nhà bà vẫn chưa vợ con gì hở!
- Dạ, nó cũng ba mươi rồi đấy mà đã chịu vợ con gì đâu. Ông nhà con trước lúc mất cứ giục nó suốt đấy thôi. Đến khổ! Vợ chồng thằng Đức cái Thư thì lại muộn con. Nhìn nhà người ta cháu con đầy nhà, nghĩ mà phát thèm cụ ạ!
- Mà ông nhà đã được mấy năm rồi đấy bà nhỉ? Hình như năm ấy cũng tầm này...
- Đúng là sống kể ngày, chết kể năm. Cuối tháng tới này là đã giỗ mãn tang nhà con rồi. Mà không chắc có được lễ hay không ấy chứ? Thiệt thòi lắm cụ ạ!

Bà Tích nhìn về phía xa lắc đầu, vẻ tiếc xót. Đúng lúc này bà cụ Lưu cũng đến nơi. Ở cái giáo xứ Hà An này, khi chưa ngưng lễ, không mấy khi mà thấy bà bỏ lễ. Vừa trông thấy hai bà đang ngồi đó, bà cụ Lưu nói ngay:
- Tôi cũng định đi sớm mà mấy đứa nhà tôi cứ can ngăn. Bố chúng nó chứ, chỉ ham ăn ham ngủ. Rồi sau này không biết làm sao...
Bà Tích liền đỡ lời:
- Mấy đứa nhà con cũng vậy cụ à. Rồi mấy nữa được lễ lạt có khi lại chẳng buồn đi...
Bà cụ Quang mới lên tiếng:
- Tôi cũng chẳng muốn nói chúng nó. Làm nhà thờ to mà không có người đi lễ thì để làm gì? Mà dễ chừng cũng phải đến bốn giờ rồi đấy các bà nhỉ?
Bà cụ Lưu đáp:
- Chắc còn sớm. Nãy tôi đi qua nhà con mẹ Bốn hàng dát mà cũng chưa thấy sáng điện.
Bà Tích quay sang hai cụ già động viên:
- Ráng đợi thêm tý nữa các cụ ạ.
Bà cụ Quang hạ giọng, thong thả nói:
- Đến gặp Chúa mà cũng phải lén lút thập thò, cứ như thời còn cấm đạo... Nghĩ mà chán!
Câu chuyện của mấy bà cụ già còn tiếp tục dưới ánh điện lờ mờ bên thềm nhà thờ. Cũng chỉ quanh quẩn mấy chuyện con cái, xứ làng. Có lẽ các cụ cũng không biết được sự nguy hiểm của dịch bệnh nhưng các cụ đang lo sợ một điều gì đó. Người già thường hay lo lắng chuyện con cháu là vậy.

***
Bà cụ Quang bỗng phát hiện ra một điều gì đó lớn lao:
- Các bà để tôi vào hỏi thầy xứ xem sao? Điện phòng thầy sáng rồi đấy thôi.
Năm nay đã hơn tám mươi tuổi nhưng bà cụ Quang vẫn tinh tường, chân tay cứ còn thoăn thoắt. Cụ mau chân tiến về phía phòng thầy xứ, những ngón tay gầy guộc gõ vào cánh cửa cốc cốc.
- Ai đấy ạ? Đợi con chút!

Thầy xứ khẽ mở cửa bước ra. Thầy mới về giúp xứ được hơn một tháng nhưng lại đúng thời gian giãn cách nên cũng chưa mấy ai được nhìn rõ mặt thầy. Trông thấy thầy, cụ gật đầu hài lòng. Thầy xứ nhìn đậm người, nước da ngăm ngăm nhưng có đôi mắt rất sáng.

- Mới sớm thế này mà cụ có việc gì thế ạ?
- Nay cha có dâng lễ không thầy ơi?
- Không đâu cụ ạ!
Cụ Quang hỏi đầy ngạc nhiên:
- Chúa nhật mà cha cũng không dâng lễ à?
- Mà thường cha cũng chỉ dâng Thánh lễ riêng thôi ạ. Nhà nước đang có lệnh cách ly nên không được tập trung đông người cụ ơi!
- Con vẫn biết thế. Nhưng mà chúng con suốt ngày quanh quẩn ở nhà, có đi đến đâu mà rịch riếc (dịch diếc) gì. Không có lễ lạy thiệt thòi quá thầy ơi! Chúng con cứ thấy thiêu thiếu cái gì ấy. Mình mong Chúa ít chứ chắc Chúa đợi mình lâu lắm rồi. Thế... chiều cha có dâng lễ không vậy thầy?
- Con cũng chưa biết ạ!
- Thầy ở với Cha mà còn không biết thì ai biết. Làm gì mà thầy phải giấu chúng con. Nhà chúng con ở mãi cuối làng, thầy báo cho chúng con biết để còn đi sớm.
- Cụ thông cảm nhưng mà...
- Không thì chúng con cứ ngồi đây đợi. Kiểu gì cha chẳng dâng lễ.
Nhìn bộ mặt thầy thoáng chút bối rối, bà cụ Quang vội tiếp lời:
- Đấy là chúng con nói thế chứ cha dâng riêng thì chúng con cũng phải chịu thôi ạ. Có ai muốn thế đâu! Không thì thầy mở cửa nhà thờ cho chúng con vào đọc kinh.
- Dạ! Thế thì các cụ đợi con vào lấy chìa khoá ạ!

***
Bà cụ Quang đi ra chỗ bà cụ Lưu và bà Tích đang đứng đợi, giọng trầm buồn:
- Không có lễ đâu các bà ơi. Tôi nhờ thầy mở cửa nhà thờ vào đọc mấy câu kinh thôi.
Bà Tích quay sang nói với cụ Quang và cụ Lưu:
- Mà nháng nữa các cụ đọc kinh nhỏ thôi ạ. Thánh lễ cuối cùng đông người hôm trước cha có nhắc là ai đến nhà thờ chỉ cầu nguyện âm thầm thôi đấy kẻo chính quyền họ đến nhắc nhở lại không hay.
Bà cụ Quang cao giọng tức tối:
- Mình có ăn cắp ăn trộm gì đâu mà phải sợ. Già cả câu được câu chăng, không đọc to làm sao Chúa hiểu. Muốn nói với Chúa mà cũng bị cấm đoán nữa.
Cụ Lưu và bà Tích cười thầm. Cụ Quang xưa nay vẫn cứ lém lỉnh như vậy. Có lẽ nhờ thế nên trông cụ lúc nào cũng vui vẻ. Lúc này thầy xứ cũng ra đến chỗ các bà đang đứng.

Bà Tích lên tiếng hỏi:
- Mà này, thầy ơi! Con nghe thằng út nó lên mạng xem hình như Đức cha kêu gọi mọi người đóng góp ủng hộ cho miền Nam chống dịch phải không ạ?
- Vâng! Đúng rồi bà ạ. Bà con miền Nam đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn lắm. Cái con vi rút này nó chẳng chừa ai cả.
Bà Tích lấy ra đồng tiền bà đã gấp sẵn đưa cho thầy:
- Gia đình con có chút ít giúp đỡ đồng bào miền Nam. Chúng con chẳng có nhiều đâu ạ. Nhờ thầy gửi cha xứ giúp chúng con.
Bà cụ Quang nghe thấy thế liền nhìn sang bà Tích rồi nói:
- Bà Tích có đem tiền đấy không thì cho tôi mượn tạm một trăm ngàn để tôi gửi thầy. Thấy bảo là họ phải nghỉ làm hết. Rồi lấy gì mà ăn...

Bà cụ Lưu cũng nói:
- Nếu bà sẵn tiền đấy thì cho tôi vay thêm trăm nữa. Tội nghiệp họ.
Thầy xứ nhận lấy đồng tiền của mấy bà goá trên tay, ngập ngừng hỏi:
- Các cụ, các bà cho con biết tên để còn thưa cha xứ. Tại con mới về giúp xứ nên cũng chưa biết nhiều ạ!
Bà Tích tiếp lời:
- Có đáng là gì đâu mà tên với tuổi thầy ơi. Thầy cứ gửi cho cha xứ giúp chúng con là được. Của ít lòng nhiều thôi! Những lúc khó khăn này, người ta mới cần đến mình chứ.
- Con cám ơn các bà, các cụ nhiều lắm ạ!
- À! Thầy không phải bật điện nhà thờ đâu. Chúng con quen chỗ rồi. Tý nữa đọc kinh xong, thầy đóng cửa giúp chúng con với nhé!
Ba người già như thể đã lâu không được gặp Chúa, lòng đầy khao khát, mau chân bước vào nhà thờ, quỳ xuống cầu nguyện râm ran trong không gian tĩnh mịch, chỉ có ánh đèn chầu: “Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng, chúng con đang họp nhau cầu nguyện tha thiết nài xin cho con dịch bệnh mau chấm dứt...”

***
Bà Tích về đến đầu ngõ thì thoáng thấy vợ chồng anh Đức và thằng út đang xem lễ trực tuyến. Bà nghĩ thầm trong bụng: “Hoá ra chúng nó lại hơn mình. Chẳng được lễ nào!”

Bà chầm chậm bước vào sân, hướng thẳng về phía gian nhà ngang. Mấy đứa con khẽ liếc mắt nhìn ra. Bà ngồi ở hiên nhà ngang xoa đôi chân đã mỏi nhừ, thở hổn hển. Hương hoa ngọc lan thoang thoảng. Trên nhà, mấy đứa con vẫn đang chăm chú tham dự lễ:

- Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa.
- Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.
Đợi các con xem xong lễ bà Tích mới bước lên nhà trên. Anh Đức nhìn ra cửa hỏi mẹ:
- Nay cha có dâng lễ không vậy mẹ?

Bà Tích không trả lời ngay mà bước nhanh về ngồi chỗ đầu giường. Các con nhìn thấy mẹ có vẻ không vui lắm nên cũng không ai dám hỏi thêm. Lúc này bà mới lên tiếng, giọng cằn nhằn:
- Chiều tao lại đi...

Tác giả: Xuân Giang

***+***
xkta
lpv
gkpv
tvcv
***+***
ra khoi
lnth
LIÊN KẾT

 

 

 

11.jpg 8.jpg 9.jpg 10.jpg 13.jpg
PAGE FACEBOOK
THỐNG KÊ
  • Đang truy cập271
  • Máy chủ tìm kiếm32
  • Khách viếng thăm239
  • Hôm nay73,711
  • Tháng hiện tại666,225
  • Tổng lượt truy cập70,693,982
Copyright © 2022 thuộc về Tòa Giám Mục Bùi Chu
   Phụ trách: Ban Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu
Địa chỉ: Xuân Ngọc - Xuân Trường - Nam Định

Email: bttbuichu@gmail.com

Chúng tôi trên mạng xã hội

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây