Tiếng chuông
Thứ năm - 08/09/2016 01:27
2307
Có lẽ bạn đã từng rất quen thuộc với những quả chuông được treo khắp nơi trong các giáo đường, hay chỉ cần tiếng chuông vang lên cũng đủ để bạn có thể định hình được tiếng chuông ấy mời gọi bạn làm gì và đi về hướng nào. Nhưng đã bao lần bạn chú ý đến lời mời gọi của tiếng chuông và bao lần bạn để cho tiếng chuông ấy đi vào cuộc đời mình? Xin giới thiệu với bạn một mẫu gương tuyệt vời và có thể gọi đó là Người Nữ Chuông- Đức Trinh Nữ Maria.
Trước khi giới thiệu cho bạn biết vì sao lại gọi Đức Maria là Người Nữ Chuông tôi muốn hỏi thử bạn một điều, bạn hiểu gì về tiếng chuông? Chắc chắn có rất nhiều câu trả lời đang nằm ngổn ngang trong đầu bạn, bạn chờ cho chúng ổn định rồi mới tìm ra câu trả lời cho mình, nhưng trước đó bạn hãy thử tham khảo ý kiến của tôi xem thế nào nhé!
Tôi thiết nghĩ, tiếng chuông là tiếng mà Mẹ Giáo Hội mời gọi hãy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể để ca tụng, cảm tạ và chúc vinh tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa vì hết mọi ơn lành Ngài ban cho chúng ta và cho thế giới này. Mỗi lần nghe thấy tiếng chuông lòng tôi lại rộn lên một niềm vui thật khó diễn tả; vui vì khi vừa mở mắt thức dậy tôi lại được ở trong tình yêu của Chúa, kín múc sinh lực cho một ngày sống; vui vì khi hoàng hôn buông xuống nhắc nhở tôi dâng lời cám ơn Đấng Tác Thành đã cho tôi một ngày bình an. Niềm vui ấy không chỉ dừng lại ở đó, tiếng chuông còn đưa tôi đến mối giây hiệp thông thiêng liêng giữa anh chị em trong đại gia đình Đức Tin khi được cùng nhau hiệp thông trong một của lễ duy nhất là Đức Giêsu Kitô. Đôi lúc tiếng chuông vang lên một cách chậm rãi từng tiếng, từng tiếng… đánh thức tôi tạ ơn Chúa cho cuộc hành trình trần thế của người anh chị em đã khép lại và nhắc nhở tôi phó thác người anh chị em ấy cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Đó là những nét đẹp tiêu biểu mà tôi có thế gợi ý về ý nghĩa sự hiện hữu của tiếng chuông, một sự hiện hữu linh thiêng, sâu lắng mang lại ý nghĩa và giá trị cao quý cho cuộc đời.
Thế nhưng, cách đây hơn 20 thế kỷ, một thiếu nữ nhỏ bé tầm thường đã đánh lên một tiếng chuông vĩ đại vang vọng mãi đến hôm nay, khởi đầu và dẫn lối cho mọi tiếng chuông. Thiếu nữ ấy không ai xa lạ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria: “ Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét” (Lc 1,39-41). Chính Mẹ là người đầu tiên đã làm lên tiếng chuông đầy tràn niềm vui, một niềm vui thánh thiêng, niềm vui có Chúa ở cùng, niềm vui mang Tin Mừng đến cho tha nhân. Mẹ mang một cách đon đả, mau mắn, sẵn sàng và quảng đại, quên cả khó khăn vất vả nơi bản thân mình. Sự mau mắn hăng hái đó không phải chỉ phát xuất từ lòng thương người và với tinh thần phục vụ cao độ, cũng không phải được thôi thúc vì muốn tìm sự lạ Thiên Chúa mặc khải, nhưng vì Mẹ muốn loan truyền niềm vui Mẹ đã nhận được: đó là niềm vui được tuyển chọn và niềm hy vọng về sứ mệnh cao cả mà Mẹ vừa đón nhận. Với tình thần nghèo khó, khiêm nhu, Mẹ đã lên đường đem đến cho ông Zacaria và bà Elisabeth lời chào chúc bình an. Mẹ Maria đã trở nên sứ giả đầu tiên mang Tin Mừng đến không chỉ với người chị họ, nhưng là đại diện cho cả dân tộc của thời Cựu Ước, đồng thời lời chào chúc của Mẹ cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến dấu lạ do Thiên Chúa chuẩn bị, lời chào chúc của Đấng được Thiên Chúa đặt cho một tên mới là “Đầy ơn phúc” đã phát sinh sức sống: “ Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc1,44).
Lạy Đức Trinh Nữ Maria - Người Nữ Chuông, xin dạy chúng con biết Chúa vẫn đang cần đến những bước chân đon đả của chúng con, để Tin Mừng của Chúa có thể được loan báo cho đến tận cùng trái đất; và lạy Chúa, khi con bước đi xin dạy con bài học của niềm cậy trông, phó thác để tiếng chuông con vang lên không bao giờ đơn lẻ nhưng hòa quyện trong tiếng chuông ngân vang của Mẹ báo cho thế giới biết một niềm vui trọng đại “Chúa đã nhập thể cứu đời”, hầu nhân loại được sống trong trật tự và bình an.
Nữ tu Trinh Vương